Quan chức Đức nói khó "cai" khí đốt Nga
Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho Đức trong nhiều năm qua (Ảnh: Reuters). |
Thủ hiến bang Saxony Michael Kretschmer ngày 24/9 cảnh báo rằng, nguồn cung khí đốt của Nga đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng với Đức trong tương lai gần bất chấp nỗ lực của Berlin nhằm đa dạng hóa nguồn cung.
"Chúng ta đã chứng kiến một sự thật rằng chúng ta không thể vận hành nếu thiếu khí đốt Nga", ông nói. Quan chức này cho rằng, các lệnh trừng phạt của Đức áp lên Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã đóng góp một phần vào cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng hiện tại của Berlin.
Theo ông Kretschmer, Đức nên cố gắng để đảm bảo rằng họ sẽ vẫn nhận được nguồn cung khí đốt Nga sau khi chiến dịch đặc biệt của Moscow ở Ukraine khép lại. Ông cảnh báo, giá nhiên liệu "cắt cổ" hiện tại đang hủy hoại ngành công nghiệp của Đức.
Để xoa dịu tình hình, Thủ hiến bang Saxony đề xuất kéo dài hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân ở Đức, cũng như kích hoạt trở lại một số cơ sở đã bị đóng cửa trước đó.
Theo kế hoạch hiện tại của chính phủ Đức, 2/3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này sẽ được đặt ở chế độ chờ cho tới giữa tháng 4/2023 để có thể phản ứng kịp thời nếu khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng.
Ngoài ra, Thủ hiến Đức đề xuất nước này có thể mua thêm khí đốt từ Qatar và mở rộng nguồn cung trong nước.
Giữa tháng trước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2.
Nga đã bác bỏ cáo buộc từ EU rằng họ đang "vũ khí hóa" năng lượng để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga nhiều lần viện dẫn các lý do về mặt kỹ thuật xảy ra vì lệnh cấm vận khiến họ không thể cấp khí đốt với công suất lớn cho châu Âu.
Trong khi đó, ngành sản xuất giấy của Đức đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu đến mức nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu giấy vệ sinh trong tương lai. Một số công ty đã tuyên bố vỡ nợ hoặc cắt giảm sản lượng do giá năng lượng tăng vọt trong nhiều tháng qua.
Nhà sản xuất giấy vệ sinh Hakle - vốn hoạt động từ năm 1928, bắt đầu tuyên bố vỡ nợ, cho rằng giá năng lượng tăng, chi phí bột giấy cao và chi phí vận chuyển đã khiến doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính.
Theo Viện kinh tế IWH, khoảng 718 công ty của Đức đã vỡ nợ trong tháng 8, tăng 26% so với năm trước. Con số này dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 25% vào tháng 9 và tăng lên 33% vào tháng 10.
Ngành công nghiệp giấy tại Đức kêu gọi chính phủ nước này ban hành mức giá trần năng lượng, nhấn mạnh đây là phương án duy nhất có thể ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. "Tôi không nghĩ rằng làn sóng vỡ nợ có thể dừng lại trừ khi chúng ta có đặt giá trần", Volker Jung, giám đốc điều hành của Hakle, cho biết.
Theo Dân trí
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh