Phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu
Điểm sáng và thách thức
Năm 2019, tình hình quốc tế và khu vực được đánh giá có nhiều diễn biến không thuận lợi đối với Việt Nam so với những năm trước. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2019 so với quý IV/2018 cho thấy, 85,1% doanh nghiệp (DN) đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định. Điều này cũng một phần được thể hiện qua con số thống kê 5 tháng đầu năm 2019 có 54 nghìn DN đăng ký thành lập mới (cao nhất trong 5 năm qua) và 19,6 nghìn DN hoạt động trở lại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (người ngồi giữa) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 |
Bên cạnh đó, trong năm 2018, nhiều chỉ số của Việt Nam tăng mạnh. Trong đó, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, xếp hạng 45/126, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình thấp; chỉ số phát triển bền vững tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại. Cụ thể, năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp. Trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Cùng với đó, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng... còn khó khăn; chi phí về logistics còn cao...
Đáng chú ý, tỷ lệ bình quân DN so với dân số còn thấp. Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/DN, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100 người dân/DN; Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/DN.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Trước hết phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.
DN là động lực tăng trưởng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Cộng đồng DN chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bảo đảm bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực..., DN đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung của DN cũng như sự phát triển của xã hội.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của DN trên 3 khía cạnh: Kinh tế, pháp lý và đạo đức.
Về khía cạnh kinh tế, DN cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và bảo đảm quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc. DN cần ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hóa và dịch vụ bảo đảm chất lượng, an toàn và cạnh tranh lành mạnh.
Về khía cạnh pháp lý, DN phải thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. DN không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình.
Về khía cạnh đạo đức, mặc dù đây không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng yếu tố đạo đức của DN lại vô cùng quan trọng với cộng đồng. “Đây là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở DN nhưng không được quy định trong hệ thống luật pháp. Do đó, những gì DN quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích, sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Giải tỏa những điểm nghẽn trong phát triển Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:Chính phủ kiên định, quyết tâm cải cách Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức nội tại chưa thể giải quyết trong ngắn hạn; chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, khả năng cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang là áp lực lớn với các yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Để khắc phục những tồn tại đó, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN và người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện nghiêm, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục hành chính, thực chất là tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho cộng đồng DN, tiết kiệm chi phí và thời gian của người dân và DN. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, quan tâm đến nhiều lĩnh vực của cộng đồng DN, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, những nỗ lực đến từ một phía là chưa chủ động, cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng DN trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc: Vẫn còn những điểm nghẽn Thời gian qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng vẫn bảo đảm được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô; chất lượng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng được cải thiện; cải cách hành chính có những bước tiến; tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi, chi phí không chính thức giảm; DN lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới... Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có sức thu hút hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Cộng đồng DN Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho DN. Đặc biệt, cộng đồng DN đánh giá cao những sáng kiến, nỗ lực thúc đẩy đổi mới, mở rộng thị trường thời gian gần đây, chẳng hạn như nỗ lực vận động để Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết vào ngày 30-6, mở ra một “con đường cao tốc” đưa nền kinh tế Việt Nam đến với một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghệ thế giới, hệ thống vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả cao... Sự khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư chất lượng cao này sẽ là cơ hội giúp châu Âu có thêm việc làm và kinh tế Việt Nam cất cánh. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, EVFTA - “hòn đá tảng” trong chính sách thương mại đầu tư của Việt Nam - có ý nghĩa càng quan trọng. Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực tháo gỡ của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Ông Peter Rimmer - đại diện Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam (BBGV): DN đối mặt với thách thức về năng lượng Chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hạ tầng lưới điện yếu cùng với nhu cầu sử dụng điện hằng năm tăng 12% khiến các DN có thể phải đối mặt với thách thức lớn về năng lượng. Theo Tổng sơ đồ điện hiện tại, tỷ trọng nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 49% vào năm 2020 lên 53,2% vào năm 2030. Điều này sẽ làm gia tăng ô nhiễm - một vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện đang gặp phải tại nhiều thành phố lớn. Các lựa chọn về năng lượng tái tạo thay thế là hết sức tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó, cần cân nhắc đến ưu đãi cho đầu tư năng lượng từ khu vực tư nhân. Để mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam cần điều tiết thị trường và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân. Các DN thành viên của chúng tôi ủng hộ sự chuyển đổi mô hình định giá điện dựa trên cơ chế thị trường. Điều này cũng sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam. Ông Tomaso Andreatta - Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Xử phạt nghiêm khắc vi phạm về nước thải Mục tiêu hơn 10 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực cung cấp và thoát nước vào năm 2020 của Bộ Xây dựng sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn nếu không kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Lợi ích tiềm tàng của các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân không chỉ về môi trường. Với chính sách ưu đãi và sự phối hợp thực hiện các quy định hợp lý, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành công nghiệp nước. Các tổ chức viện trợ và các thể chế đa phương đã và đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, phát triển năng lực. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không kéo dài vĩnh viễn và Việt Nam cần có các giải pháp xử lý hiệu quả sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của môi trường. Trong bối cảnh đó, chúng tôi kiến nghị thành lập một lực lượng chuyên trách thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn về xử lý nước thải hiện nay, xử phạt nghiêm khắc đối với DN vi phạm mang tính răn đe với các DN khác và tạo điều kiện bền vững cho các khoản đầu tư vào các DN kinh doanh nước. Các tập đoàn đa quốc gia đang tự đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo. Họ cần khung pháp lý hỗ trợ thực hiện việc kinh doanh tại Việt Nam. Cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn và lịch trình phê duyệt rõ ràng đối với các dự án sản xuất năng lượng từ chất thải và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: Rủi ro cao trong mô hình PPP Hiện nay, vấn đề nợ công của Việt Nam đã được quản lý đến mức giới hạn cao nhất là 65% so với GDP, do đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng của tư nhân. Tuy nhiên, hiện tại, những nhà đầu tư tư nhân lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình đối tác công - tư (PPP). Để khuyến khích các DN nước ngoài tham gia vào các dự án PPP, Chính phủ cần làm rõ sự phân bố rủi ro giữa Chính phủ và các bên tư nhân, hỗ trợ toàn diện cho bên tư nhân nhằm bảo đảm sự hoàn vốn hợp lý từ các khoản đầu tư. Chúng tôi tin rằng, việc đẩy mạnh thực hiện PPP sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam. |
Đức Minh
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Ngoại lực của kinh tế Việt Nam