Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành "báu vật" ở phố cổ

20:07 | 17/06/2023

1,969 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Phạm Ngọc Toàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những nghệ nhân cuối cùng còn giữ nghề khắc dấu gỗ thủ công.

Giữa phố cổ Hà Nội nhộn nhịp, nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn cứ ngồi cặm cụi với nghề khắc dấu gỗ thủ công. Không ít du khách khi đi qua phố Hàng Quạt thấy ông đang ngồi khắc thì ghé xem thử rồi "mê luôn", nhất là những vị khách nước ngoài.

Bỏ nghề giáo "ôm" con dấu gỗ

Gặp người nghệ nhân giữa trưa hè tháng 6 ở cửa hàng bé tí tẹo tại phố Hàng Quạt, dù trời khá nóng, ông vẫn cần mẫn sắp xếp, sửa lại hàng trăm con dấu gỗ với đủ các mẫu mã, hình thù.

Gần 70 năm sống ở phố cổ, ông Toàn cho biết, Hà Nội nổi tiếng với 36 phố, phường với vô vàn các nghề thủ công mỹ nghệ... Tuy vậy, phố Hàng Quạt nơi ông sinh sống nổi tiếng bởi nghề chạm trổ, điêu khắc, trong đó có nghề khắc dấu gỗ thủ công.

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành báu vật ở phố cổ - 1
Ở phố cổ Hà Nội giờ đây chỉ còn sót lại tại vài ba cửa hàng giữ được nghề khắc dấu gỗ.

Nghỉ tay nhấp một ngụm trà, nghệ nhân Toàn chia sẻ, trước khi gắn bó với con dấu gỗ, ông từng có thời gian làm thầy giáo dạy môn toán ở Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). Những năm 90, thu nhập từ nghề giáo không đủ sống, ông quyết định về nối nghiệp gia đình.

"Nghề này là nghề truyền thống của gia đình nên từ nhỏ tôi đã gắn bó với nó, ngoài những lúc đi học thì ngồi cầm đục, cầm dao mày mò tập khắc. Năm 1993, tôi đi dạy học nhưng lương không đủ sống, thế là quyết định bỏ nghề về gắn bó với con dấu gỗ cho đến nay", ông Toàn nhớ lại.

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành báu vật ở phố cổ - 2
Cửa hàng rộng chưa đầy 6m2 của ông Phạm Ngọc Toàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trưng bày rất nhiều con dấu gỗ.

Kể về nghề khắc dấu gỗ, người nghệ nhân 68 tuổi cho biết, công đoạn khó nhất của nghề chính là khâu chạm khắc. Đây là khâu người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ sử dụng những chiếc dao, đục, dũa nhỏ khắc lên các cục gỗ vô tri thành những họa tiết có chủ đề ý nghĩa.

"Những con dấu gỗ khắc thủ công sẽ kì công hơn so với làm công nghiệp. Hình đơn giản thì khắc trong 10-20 phút là xong. Nhưng có mẫu cầu kỳ phải mất cả tuần", ông Toàn chia sẻ.

Theo ông, để khắc được một con dấu gỗ, bước đầu tiên là công đoạn chọn gỗ, phải chọn loại gỗ có tính dẻo, dễ khắc, rồi mang phơi 1-2 ngày cho gỗ khô.

Tiếp đó là đến công đoạn điêu khắc, bước này quan trọng nhất và quyết định tới thành phẩm sau này. Để có một sản phẩm dấu gỗ khắc đẹp, chi tiết nổi bật thì người thợ mất khoảng 2-3 năm mới có thể làm được, còn học nghề thì chỉ khoảng 2 tháng.

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành báu vật ở phố cổ - 3
Hơn 40 năm gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công, ông Toàn vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống của gia đình.

Thường những con dấu tại cửa hàng ông Toàn có giá 70.000 đồng, không phân biệt chi tiết nhiều hay ít, chữ dài hay ngắn. Ông Toàn cho biết, vì yêu nghề nên ông không quan trọng giá cả, đôi khi chỉ cần nhìn thấy khách hàng vui khi nhận sản phẩm, lòng người nghệ nhân cũng thấy hạnh phúc.

"Bao năm rồi tôi không tăng giá nên khách mua chưa bao giờ phàn nàn, kể cả những khách nước ngoài", ông Toàn nói.

Còn khách là còn nghề

Cùng với thời gian, nghề khắc dấu gỗ thủ công đang dần bị mai một, ông Toàn vẫn ngồi đó, cố gắng gìn giữ nghề truyền thống của gia đình cũng như tìm người nối nghiệp.

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành báu vật ở phố cổ - 4
Nghề dần mai một, ông Toàn trăn trở khi chưa tìm được người nối nghiệp.

"Những năm gần đây xã hội phát triển, nghề khắc gỗ này dần bị mai một. Ở Hà Nội giờ không nhiều người làm nghề này, đâu đó toàn là anh em họ hàng của gia đình tôi.

Tôi có mở lớp dạy miễn phí, nuôi ăn, nuôi ở, thậm chí những sản phẩm học trò làm ra nếu bán được tôi tính vào lương để trả họ. Cũng nhiều bạn trẻ đến học nhưng ngồi được 3 bữa là bỏ, chỉ mong có người nối nghiệp, giữ lại cái nghề này nhưng khó", ông Toàn trăn trở.

Suốt tuổi thơ, ông Toàn chứng kiến nỗi cực nhọc, gian khó của gia đình theo nghề điêu khắc. "Máu nghề" đã ăn sâu vào tâm thức của ông nên gần 70 tuổi, ông vẫn cứ say mê bên những con dấu gỗ. Ông đã dành gần trọn cuộc đời mình để nối nghiệp gia đình, bởi ông xem cái nghề này vừa là nghề, vừa là nghiệp.

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành báu vật ở phố cổ - 5
Những con dấu thủ công cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế, đặc biệt là những vị khách đến từ Nhật Bản.

"Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi đâu có nhiều đồ chơi như bây giờ. Hồi đó tôi làm những con dấu gỗ in hình các nhân vật trong bộ phim Tây Du Ký rồi mang đến lớp đóng vào trang giấy cho các bạn.

Mỗi một trang đóng kín dấu như vậy, tôi đổi được 5 tờ giấy trắng. Tôi cứ nói vui là mình biết kinh doanh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường", ông Toàn cười.

Mỗi ngày, vẫn có nhiều vị khách ghé đến cửa hàng của người nghệ nhân già để đặt mua con dấu gỗ, hay cũng có những người chỉ đến để được nghe ông kể chuyện.

Ông chia sẻ, hạnh phúc nhất với những người nghệ nhân chính là được đón những vị khách trở lại. Có những vị khách cách nửa vòng trái đất sau nhiều năm cũng tìm về cửa hàng ông.

Ông lão 40 năm biến những khúc gỗ vô tri thành báu vật ở phố cổ - 6
Ông Toàn trong tấm bản đồ hướng dẫn bằng tiếng Nhật được du khách tặng.

"Tôi còn nhớ hơn 20 năm trước, một gia đình 4 người là khách đến từ Hà Lan, họ dẫn nhau tới cửa hàng nhờ tôi khắc chân dung gia đình. Sau một lúc quan sát, tôi mới hỏi nữ du khách đang mang bầu sao chỉ khắc có 4 người, còn em bé trong bụng thì thế nào.

Hai vợ chồng du khách này cười và bảo đợi khi em bé ra đời họ sẽ quay lại tìm tôi. 20 năm, tôi vẫn nhớ lời hứa đó.

Có du khách người Nhật đã từng mua và quay lại tặng tôi sách, bản đồ hướng dẫn bằng tiếng Nhật", ông Toàn hạnh phúc nhớ lại.

Theo Dân trí

Những biển hiệu vang bóng một thời trên phố cổ Hà NộiNhững biển hiệu vang bóng một thời trên phố cổ Hà Nội
Gìn giữ nghề thủ công truyền thống tại phố cổ Hà NộiGìn giữ nghề thủ công truyền thống tại phố cổ Hà Nội