Bài 4: Ba năm đi tìm con rơi của trưởng khoa
"Thói đời nói vậy mà không phải là vậy" - thám tử Tiến Dũng cho biết. |
Trần Thuận Minh là trưởng một khoa của một Bệnh viện tuyến Trung ương, còn vợ là Hoàng Thị Nga - hiện công tác tại Bộ C. Bạn bè đồng nghiệp, cũng như hàng xóm của vợ chồng bà Nga luôn tấm tắc khen, lấy hai ông bà làm gương về một gia đình mẫu mực. Năm nay cả hai ông bà gần 60 tuổi mà tình cảm vẫn nồng ấm như ngày mới yêu. Sáng nào cả hai cũng dậy sớm cùng đi tập thể dục, nắm tay nhau đi chợ rất tình cảm.
Với vị trí và khả năng của ông bà thì kinh tế chưa bao giờ là vấn đề. Hai vợ chồng sinh được hai cô con gái xinh đẹp, giỏi giang. Cô đầu đã lấy chồng bên Úc. Cô thứ hai đang du học tại Anh. Suốt bao nhiêu năm sống với nhau, có đôi lúc ông Minh bị bạn bè trêu là “cúc cung đi làm cho thằng khác hưởng”; đi ăn cỗ thì bị đuổi xuống mâm dưới… nhưng ông đều cười xòa. Ông bảo, “Con gì chả là con. Đố ai có được hai công chúa vừa ngoan vừa giỏi như con nhà tôi”! Bà Nga nghe vậy thì cũng mừng thầm.
Ấy vậy mà thói đời nói vậy mà không phải là vậy!
Mấy năm trước trước cô con gái đầu lòng của hai ông bà sinh em bé, là một bé gái. Bà Nga bàn với ông sẽ sang Úc để giúp con một thời gian, ông Minh lập tức đồng ý. Tuy nhiên, bà vẫn hơi lấn cấn vì sợ để ông một mình ở nhà lại nảy sinh chuyện. Ông gạt đi, rằng: “Tôi ngần này tuổi đầu rồi, dại gì mà lại vướng lưới tình để rồi phải đi đổ bô”. Bà yên tâm rời Việt Nam.
Trở về nước, bà Nga phát hiện ông chồng có một hành động rất nhỏ song lại khiến cho bà phải suy nghĩ. Đó là khi đi mua đồ gửi cho cháu ở bên Úc, ông cứ mân mê những bộ đồ cho bé trai, những thứ đồ chơi như ô tô, súng… Rồi sau đó thi thoảng ông lại xin phép bà cho đi họp lớp. Hết cấp 2, cấp 3, lớp đại học cho đến cả lớp… mẫu giáo ông cũng xin đi. Lẽ ra bà Nga cũng không nghi ngờ gì, nếu như một lần sau khi đi họp lớp về bà mở va ly quần áo của chồng ra phát hiện chiếc quần đùi của ông có mùi… nước đái trẻ con. Xâu chuỗi lại từ lúc ông mân mê bộ đồ bé trai, rồi liên tục đi họp lớp… bà Nga cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Bà liền đến nhờ văn phòng thám tử làm cho rõ.
Nhưng vị trưởng khoa tinh quái đã đoán được suy nghĩ và hành động của vợ. Hơn 3 tháng ròng rã theo sát mọi hành động của ông Minh, thám tử không phát hiện ra bất kỳ điều gì mờ ám. Ngoài một lần ông chở một cô gái vào quán cà phê nói chuyện. Đó đơn thuần chỉ là người nhà của bệnh nhân, muốn cảm ơn ông vì đã cứu giúp cho con cái họ. Bẵng đi một thời gian, bà Nga lại cho biết ông chồng dạo này rất chăm chỉ tham gia các hội bóng bàn, đi “du đấu” thường xuyên. Thám tử tiếp tục bám theo…
Hơn hai năm trời ròng rã, phải cho đến một buổi chiều đông giá rét khi thám tử theo chân ông Minh đi xuống Thái Bình đấu bóng bàn thì mới phát hiện ra những điểm bất thường. Đó là ông lên xe khách từ bến xe Giáp Bát, chưa ngồi ấm chỗ thì ông đã bấm máy gọi cho ai đó thông báo: “Em nấu cơm nhé, anh đang trên ô tô…”. Khi chuẩn bị xuống xe, thám tử thấy ông Minh lấy một viên thuốc ra uống “ực” một cái. Lúc đầu thám tử nghĩ có lẽ ông ta uống thuốc chống say, tuy nhiên dấu hỏi được đặt ra là tại sao đến khi sắp đến nơi ông ta mới uống? Thám tử dùng phương tiện kỹ thuật zoom vào vỉ thì mới phát hiện đó là là một loại thuốc... cường dương.
Xuống xe, dường như rất quen thuộc ông Minh rảo bước đến một cửa hàng bán đồ chơi con nít, mua một hộp Lego, một khẩu súng nhựa cùng hai chiếc ô tô điều khiển từ xa. Sau đó ông thuê xe ôm đi xuống thị trấn Đông Hưng. Chiếc xe dừng, thám tử phát hiện một người đàn bà trạc ngoài 40 tuổi, dắt tay một bé trai tầm 5-6 tuổi rất giống ông Minh đang đợi sẵn trước cửa một căn nhà nhỏ. Thấy ông, thằng cu liền chạy ào tới reo to: “Bố! Bố đi đâu mãi mới về với con. Con nhớ bố lắm”!
Vậy là gần như đã rõ, ngoài bà Nga thì ông Minh có thêm một “tổ ấm” khác ở đây. Song để thật chuẩn chỉ thì thám tử chờ ông Minh quay lại Hà Nội thì tiếp cận lấy mẫu của cháu bé mang về Hà Nội. Tiến hành giám định ADN, kết quả đúng là cháu bé là con của ông Minh.
Nhận được thông tin từ thám tử gửi về, bà Nga ngất lên ngất xuống. Bà nhờ người gọi hai cô con gái từ nước ngoài về họp gia đình.
- Bố ơi, tại sao bố giấu mẹ giấu chúng con. Bố có con riêng gần chục năm rồi? - con gái ông Minh chất vấn.
Ông Minh liền chối phắt:
- Vớ vẩn, ngoài hai chị em mày tao làm gì còn có ai nữa.
Lúc này bằng chứng được đưa ra, ông Minh mặt cắt không còn hột máu. Ông ngồi bần thần nhiều giờ, rồi lặng lẽ đốt thuốc, uống rượu. Bà Nga cứ ôm mặt khóc nức nở, oán trách chồng lừa dối.
Sau cùng ông Minh mới cất giọng nặng nề: “Lẽ ra bố cũng đã định chỉ có hai đứa chúng mày thôi. Nhưng do “các cụ” dưới quê bảo không có con trai nối dõi, sau này không có thằng con trai thắp hương thờ cúng thì bố tủi thân lắm. Mẹ mày thì già rồi, không sinh nở được nữa. Mấy năm trước có nữ bệnh nhân phải điều trị dài ngày. Nhà cô ta nghèo lắm, bố chữa mà không lấy tiền lại còn vận động anh chị em trong khoa ủng hộ. Sau xuất việc cô ta muốn trả ơn bố, thường gửi quà quê lên biếu.
Dạo mẹ mày đi Úc cô ta đến tận nhà thổ lộ muốn xin một đứa con, vì quá lứa nhỡ thì. Cô ta cũng hứa sẽ “sống để dạ chết mang theo”, không dám đòi hỏi cưới xin duyên phận gì. Bố tính thương người nên động lòng… Cũng một phần do mẹ mày bỏ bê không chăm sóc bố”!
Hai cô con gái nghe vậy thì cũng vừa thương, vừa giận bố. Tuy nhiên là người có học, họ vẫn về Thái Bình thăm em, rồi hàng tháng cấp để em được chăm sóc ăn học tử tế…
(Còn nữa)
Minh Khang
Bài 1: Những cuộc theo dõi xuyên quốc gia |
Bài 2: Người chồng đáng trách |
Bài 3: Bí mật của người chồng “vui tính” |
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng
-
TP Vũng Tàu: Khai mạc Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024