Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hòn Bà: Điểm du lịch tâm linh kỳ bí tại Bà Rịa - Vũng Tàu

07:10 | 27/02/2024

4,488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thành phố Vũng Tàu có nhiều điểm tâm linh nổi tiếng linh thiêng và kỳ bí. Trong đó, đảo Hòn Bà được dẫn tới bởi con đường độc đạo lúc ẩn lúc hiện trên biển là một điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách.
Hòn Bà: Điểm du lịch tâm linh kỳ bí tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Toàn cảnh Miếu Hòn Bà tại thành phố Vũng Tàu (ảnh: Nghiêm Trung Kiên)

Những tưởng con đường xuyên biển dẫn đến đất “Thánh” chỉ có trong truyền thuyết của người Do Thái, nhưng thực tế trên thế giới cũng có nhiều con đường như thế, như Hàn Quốc có đường biển Jindo mỗi năm vài lần tách đôi biển nối liền 2 đảo. Việt Nam cũng có một con đường như vậy tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Con đường này nối đất liền đến đảo Hòn Bà - nơi có một ngôi miếu rất linh thiêng giữa biển khơi.

Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ với diện tích chỉ khoảng 5.000m2 ở biển Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu. Tương truyền cách đây hơn 2 thế kỷ, vào năm 1781, một thương chức, thông hội làng Thắng Tam đã dựng một ngôi miếu trên đảo để thờ Thủy Long Thần Nữ - cầu thần chở che cho ngư dân địa phương ra khơi luôn được “thuận buồm xuôi gió”.

Từ khi có ngôi miếu Hòn Bà, còn gọi là miếu Bà, ngư dân trong vùng “ăn nên làm ra”, nhiều gia đình ngư dân khấm khá, sung túc, ngôi miếu càng hiển linh. Sự hiển linh của miếu Bà còn được lưu truyền qua nhiều câu chuyện. Năm 1939, Archinard - một sĩ quan người Pháp định bắn bể miếu với 3 phát đại pháo nhưng chỉ trúng 1 phát vào góc miếu, khiến miếu bị hư hại một phần. Vài ngày sau, viên sĩ quan này mất mạng ngay tại miếu vì bất cẩn trong lúc sử dụng súng. Chính điều này khiến thực dân Pháp không dám phá hoại miếu nữa.

Năm 1971, một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp, đứng ra quyên góp tiền của sửa chữa lại miếu Bà. Trải qua nhiều lần trùng tu, miếu Hòn Bà có kiến trúc như ngày nay, cao 4m, bên trong thờ các vị thần, bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m, đây từng là nơi hội họp của đồng bào, chiến sĩ yêu nước thời kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Hòn Bà: Điểm du lịch tâm linh kỳ bí tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Ông Nguyễn Văn Minh, người phụ trách trực khu vực Trung tâm của miếu Hòn Bà

Tổng quan kiến trúc miếu Hòn Bà gồm cổng và tòa chánh điện. Cổng là 2 trụ thẳng bằng bê tông cốt sắt đỡ toàn bộ mái lợp ngói, phía trên bờ nóc của mái trang trí mô típ “Lưỡng long chầu nhật” (cặp rồng chầu hình mặt trời) cách điệu. Du khách đi tham quan miếu Hòn Bà men theo con đường bậc tam cấp được làm bằng bê tông từ cổng lên tới tòa chánh điện rồi vòng lại cổng. Tòa chánh điện mở cửa nhìn ra hướng Đông Nam, theo kiểu kiến trúc tứ trụ, gồm 2 tầng 8 mái (tượng trưng), lợp ngói, sơn màu đỏ, trên các bờ nóc và bờ diềm mái đều trang trí hình chim phượng cách điệu. Tầng trên được thu nhỏ rồi mở rộng ra 4 hướng, nhô hẳn lên cao để tạo một khối kiến trúc hình vuông theo tỷ lệ nhỏ hơn tầng dưới, để mục đích vừa chống nóng và vừa trang trí. Loại hình kiến trúc này gồm 4 mái ở dưới và 4 mái ở trên, đều dốc ra 4 phía… Tòa chánh điện thờ chính là Thủy Long Thần Nữ, còn có tên là Mẫu Thoải, vị nữ thần dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý các miền biển, sông nước.

Mỗi khi vùng nào gặp hạn hán, Mẫu Thoải phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn vùng nào gặp bão lụt, mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu Thoải canh chừng, nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái. Trong tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt, Thủy Long Thần Nữ luôn đồng nghĩa là hình ảnh của bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng, giúp đỡ, phù hộ độ trì cho cư dân sinh sống ở các vùng ven biển hay sông nước.

Hòn Bà: Điểm du lịch tâm linh kỳ bí tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Con đường đá “bí mật” chỉ nổi lên trong vài tiếng và sau đó sẽ bị nước biển vùi khuất nên người dân phải “canh” con nước để đi viếng miếu, tránh mắc kẹt lại trên đảo

Bên trong miếu, tại ban thờ trung tâm đặt bài vị và 5 pho tượng Ngũ Hành Nương Nương với mỹ danh Ngũ Đức Thánh Phi, gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Theo quan niệm của hệ thống triết học Phương Đông cổ đại, đây là 5 vị nữ thánh tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất cơ bản là (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) để hình thành vũ trụ. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Ngũ Đức Thánh Phi tại miếu thờ Hòn Bà mang giá trị tưởng niệm, tri ân và nhân văn, nơi đây có thể gọi là ngôi đền về vũ trụ…

Hòn Bà cách bờ chỉ gần 500m, nhưng vì đảo nhỏ bé nên khi thủy triều lên, giữa mênh mông nước rất cách biệt và chơi vơi, khi thủy triều xuống sát đáy, mặt biển như tách làm đôi, con đường đá dẫn đến đảo Hòn Bà bất ngờ hiện ra. Lưu truyền, những ai dám vượt qua con đường xuyên biển kỳ bí đến được miếu Hòn Bà nguyện cầu sẽ được Thủy Long Thần Nữ minh giám, phù hộ, bởi con đường dài chưa đến 500m nhưng để đi hết phải mất hơn 30 phút và phải rất cẩn thận vì đá sắc nhọn.

Đường xuyên biển đến Hòn Bà được coi là 1 trong 5 con đường đi bộ lạ kỳ nối giữa đảo với đất liền ở Việt Nam, cũng là con đường rẽ biển hiếm hoi trên thế giới, riêng con đường dẫn đến Hòn Bà còn mang ý nghĩa tâm linh, đường đến với thần linh. Và có lẽ cũng bởi con đường đó lúc ẩn lúc hiện đó mà qua bao thời gian, Hòn Bà với ngôi miếu thờ Thần Long Thủy Nữ vẫn cứ kỳ bí, huyền ảo với cả dân địa phương và du khách gần xa.

Chị Thiện Mỹ, người dân huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Điều độc đáo và tâm linh đó là khi nào nước rút mới qua được miếu Hòn Bà và nước chỉ rút đúng một con đường để mình qua đây, chính vì vậy vùng đất Vũng Tàu như đã cho chúng ta một điểm tựa về tâm linh”.

Hòn Bà: Điểm du lịch tâm linh kỳ bí tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Hòn Bà điểm du lịch tâm linh kỳ bí tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Với vị trí đặc biệt, nằm giữa biển và cảnh rất đẹp không phải nơi nào cũng có, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã quan tâm phát triển, để nhiều du khách từ mọi vùng đất nước có thể biết đến địa điểm này.

Ông Lê Quang Dương, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích đình Thắng Tam - đơn vị điều hành, quản lý việc cúng tế miếu Hòn Bà - cho biết, lãnh đạo thành phố Vũng Tàu cũng đã họp với Ban Quản lý đình Thắng Tam về chủ trương, kế hoạch xây dựng cầu ra Hòn Bà để tạo điều kiện cho người dân và du khách ai cũng có thể đến với Hòn Bà, nhưng con đường đá dẫn đến Hòn Bà vẫn để nguyên như tự nhiên vốn có của nó.

Đối với người Việt Nam, hành hương lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống tâm linh. Sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, nên những ngày đầu xuân, thành phố Vũng Tàu đón rất đông du khách tham quan, chiêm bái và khám phá vẻ độc đáo của những điểm đến nổi tiếng, trong đó có miếu Hòn Bà.

“Đây là địa điểm nổi tiếng ở Vũng Tàu và đây là nơi rất linh thiêng. Tôi mong muốn khi tới đây vào ngày đầu tiên trong năm thì sẽ nhận được những điều may mắn”, chị Thu Hồng, người dân Vũng Tàu chia sẻ.

Mỗi năm, miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước, gồm: tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch). Hằng năm, vào ngày 16/10 âm lịch, Ban Quản lý Di tích đình Thắng Tam tổ chức Lễ cúng nghinh thỉnh Bà từ miếu Hòn Bà và miếu Bà Ngũ Hành để tế lễ.

Hồng Thắm