Một ngày làm việc ở Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố
Anh Bùi Công Hưng - Quản đốc GPP Dinh Cố cho chúng tôi biết, GPP Dinh Cố nằm trên diện tích 9ha. Việc xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy giải quyết được vấn đề phải đốt bỏ khí đồng hành từ các mỏ thuộc bể Cửu Long gây nên lãng phí rất lớn; đồng thời tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như LPG, condensate mang lại doanh thu cao. Riêng việc các nhà máy điện ở Phú Mỹ chuyển từ nhiên liệu dầu diezel sang dùng khí có thể tiết kiệm mỗi ngày hàng tỷ đồng cho ngân sách quốc gia.
GPP Dinh Cố - Công trình khí đầu tiên trên bờ của PV GAS. |
Dinh Cố là nhà máy xử lý khí đầu tiên tại Việt Nam có lực lượng vận hành từ Quản đốc tới công nhân và kỹ sư đều là những người thuộc lớp trẻ 7X đến 8X và cả 9X... Khi đi tham quan nhà máy chúng tôi thấy rất ít nhân sự, hỏi ra mới biết đây là nhà máy hiện đại, tự động hóa hoàn toàn nên mọi hoạt động vận hành trong nhà máy được điều khiển bởi các thiết bị thuộc phòng điều khiển trung tâm.
Kỹ sư Võ Phong Hải Bằng – Đốc công tổ Hỗ trợ sản xuất thông tin cho chúng tôi biết nơi nào là khu tăng áp, trung tâm và những thiết bị xử lý tách lọc khí thành các sản phẩm khác nhau trong khu nhà máy rộng gần 9ha này.
Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (thuộc PV GAS) cung cấp khí để sản xuất ra khoảng 10% nhu cầu điện và 30% nhu cầu phân đạm của cả nước. Khí đồng hành thu gom từ bể Cửu Long (cách Vũng Tàu 106km) dẫn về nhà máy Dinh Cố bằng đường ống đường kính 16 inch.
Những tháp gia nhiệt bằng thép không rỉ cao vút chói chang dưới nắng, dòng khí đồng hành ẩm được tăng áp cho đủ áp suất 109bar, nhiệt độ 25,6 độ C đưa vào những khu vực thiết bị công nghệ chính: Tháp hấp phụ nước, cụm làm lạnh bằng thiết bị trao đổi nhiệt dạng tấm và Turbo-Expander, hệ thống các tháp chưng cất để tạo ra các sản phẩm khí khô, khí hóa lỏng LPG và xăng nhẹ.
Khí khô thành phần chủ yếu là Methan, Ethan được đưa về các nhà máy điện, đạm, các hộ tiêu thụ công nghiệp… thông qua đường ống đường kính 16 inch, 30 inch làm nguyên liệu cho các nhà máy điện đạm Phú Mỹ 1, PM2.2, PM 2.1, PM3, PM4, điện Bà Rịa và Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Khí hóa lỏng LPG được đưa xuống Kho cảng PV GAS Vũng Tàu bằng đường ống 6 inch để xuất cho xe bồn và tàu.
Cuối cùng là sản phẩm condensate (xăng nhẹ) được bơm xuống kho cảng PV GAS Vũng Tàu bằng đường ống 6 inch để xuất cho PVOIL.
Quản đốc Bùi Công Hưng (giữa) và CBCNV GPP trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy. |
Anh Bùi Công Hưng - Quản đốc GPP Dinh Cố cho chúng tôi biết thêm “Kể từ khi vận hành đến nay, GPP Dinh Cố đã tiếp nhận xử lý khoảng 45 tỷ m3 khí ẩm, cung cấp cho thị trường khoảng gần 40 tỷ m3 khí khô, 7,2 triệu tấn LPG và 2,2 triệu tấn condensate. Trong suốt 25 năm vận hành, nhà máy luôn đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả; không xảy ra bất kỳ tai nạn lao động nào. Độ tin cậy của hệ thống cấp khí và độ sẵn sàng của hệ thống chế biến lỏng đạt trên 99,99%”.
Kỹ sư Nhà máy đang hối hả chuẩn bị công việc cho đợt dừng khí năm 2024. |
Trong cái nắng chói chang, tận mắt chứng kiến các anh em làm việc tại nhà máy, chúng tôi phần nào thấu hiểu hơn tinh thần, trách nhiệm của CBCNV nơi đây. Họ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để vận hành nhà máy một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Anh Lê Thanh Chuẩn – Kỹ sư Quản lý thiết bị và Bảo dưỡng sửa chữa đang thực hiện công việc của mình tại Nhà máy. |
Anh Lê Thanh Chuẩn – Kỹ sư Quản lý thiết bị và Bảo dưỡng sửa chữa chia sẻ: "Mỗi ngày đến nhà máy, tôi luôn tự nhủ bản thân mình phải làm việc với tinh thần, trách nhiệm thật tốt, để hoàn thành công việc và hoàn thành nhiệm vụ của mình, đảm bảo vận hành an toàn nhà máy. Bởi đây là ngôi nhà thứ 2 của tôi, là cuộc sống của gia đình tôi. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cùng sự quan tâm của lãnh đạo đã giúp cho mỗi chúng tôi yên tâm làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất".
Kỹ sư Nhà máy thực hiện nhiệm vụ giao ca. |
Kỹ sư Huỳnh Đức Phụng – Trưởng ca vận hành cho biết, thời gian làm việc chính của anh em ca vận hành, từ lúc đi ca là 6h, giao ca trong phòng điều khiển là 6h45 và kết thúc ca là 18h45, sau đó bàn giao lại cho ca đêm. Công việc chính của anh em phòng điều khiển là giám sát thường xuyên tất cả các thiết bị, tối ưu các thông số vận hành để đạt hiệu quả thu hồi sản phẩm lỏng cao nhất cho nhà máy, đảm bảo an toàn cấp khí cho các khách hàng với mục tiêu là “cấp khí liên tục không gián đoạn” cho các hộ tiêu dùng.
Kỹ sư Huỳnh Đức Phụng – Trưởng ca vận hành cùng đồng nghiệp thực hiện công việc của mình tại Nhà máy. |
Huỳnh Đức Phụng vui vẻ chia sẻ thêm, tôi cảm thấy rất tự hào vì mình được làm trong công ty, trong Tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt, trong công việc, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của Ban Quản đốc đốc và tập thể lãnh đạo công ty nên mọi khó khăn cũng được giải quyết. Khó khăn nhất đó là giai đoạn dịch Covid năm 2021, anh em bắt buộc phải đi cách ly và ở tại chỗ, đó là giai đoạn có nhiều khó khăn tuy nhiên cũng có rất nhiều kỷ niệm đối với anh em vận hành. Và sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong tôi là “mỗi lần hoàn thành đợt bảo dưỡng lớn của Nhà máy trong năm”, tôi cảm thấy rất vui vì đã đóng góp công sức nhỏ vào quá trình làm việc tại công ty.
Một ngày ở Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố cho chúng tôi thấy sự chuyên nghiệp, quy củ và rất bình yên, thế nhưng không phải ai cũng biết nơi đây là đầu mối cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm năng lượng Phú Mỹ lớn nhất nước (công suất trên 4 triệu KW) càng cho thấy vai trò của những người kỹ sư, công nhân trẻ ở nhà máy này, họ góp phần vào việc sản xuất ra dòng điện tỏa đi mọi miền đất nước, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa.
An Nhiên