Những bài học nằm ngoài trang sách
Đàn bướm tại VQG |
Trải nghiệm cùng thiên nhiên kỳ thú
Những ngày hè năm ngoái có lẽ là lần đầu tiên bạn nhỏ Mai Anh (học sinh lớp 7, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) có được một khoảng thời gian trải nghiệm tuyệt vời đến thế.
Mai Anh và các bạn cùng lớp đã có 1 tuần sống cách biệt với đô thị ồn ào, không còn cả ngày cắm mặt vào điện thoại di động, không phải ra đường hít khói bụi. Suốt 1 tuần không ngồi máy tính, không xem YouTube, không mạng xã hội…, các em được hòa mình vào thiên nhiên và khám phá những điều khác biệt.
Buổi sáng, Mai Anh chạy bộ hít thở trong không khí xanh mát. Lần đầu tiên trong đời em có thể chạy liền một mạch cả chục kilômét mà không cảm thấy mệt mỏi. Sau bữa sáng với cháo và nước hoa quả, các em chơi tự do, đá cầu, chơi cờ… Vốn có tài năng hội họa, Mai Anh say sưa vẽ những phong cảnh hùng vĩ mà mình đã nhìn thấy: núi non, cây cối và những con vật tuyệt vời.
Nếu may mắn có mặt tại Cúc Phương vào giữa mùa bướm “trẩy hội”, các bạn nhỏ sẽ phải choáng ngợp trước hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu con bướm bay rợp trời. Những bạn nhỏ tuổi hơn Mai Anh thì vui sướng khi được các anh chị hướng dẫn viên chỉ cho vòng đời của một cá thể bướm - từ một quả trứng nhỏ xíu nở thành sâu, rồi thành một cái kén, để sau đó thành một con bướm. VQG Cúc Phương hiện có tới hàng ngàn loài bướm khác nhau trong đó có 2 loại bướm đặc chủng thuộc loại quý hiếm bậc nhất trên thế giới.
Buổi chiều, Mai Anh và các bạn nhỏ tiếp tục được các anh chị hướng dẫn viên đưa đi khám phá những loài cây, tìm hiểu thêm về sự liên quan chặt chẽ giữa bảo tồn thiên nhiên và đời sống con người. Các em cũng được nghe về công tác cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm, đưa chúng trở lại tự nhiên.
Mùa đom đóm tại VQG |
Đêm xuống, nếu ở VQG đúng vào mùa đom đóm, các em sẽ được chứng kiến cảnh sắc khó quên. Trong bóng tối mịt mù, lấp lánh hàng ngàn, hàng vạn con đom đóm như những ngọn đèn nhỏ nhấp nháy di chuyển thành những vệt sáng lung linh, huyền ảo.
Những ngày tiếp theo, các em sẽ tham quan nơi bảo tồn loài linh trưởng, trung tâm cứu hộ gấu, trung tâm bảo tồn rùa… Sau đó là đi thăm cây chò chỉ ngàn năm, động Người Xưa, đầm Vân Long, chèo thuyền kayak, đạp xe trong rừng…
Thiên nhiên chính là một trong những cách để kéo bọn trẻ ra khỏi thế giới ảo, giúp chúng hoạt động thể chất nhiều hơn, phát triển tình yêu với thiên nhiên, con người và các kỹ năng sống ngoài xã hội. |
Chị Hương Ly, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ, chị có con học lớp 5 và lớp 7. Bình thường ở nhà các cháu giải trí bằng cách xem tivi, lướt mạng xã hội… Chị thường xuyên mua sách cho các con đọc và yêu cầu các con xem những chương trình về thế giới động vật. Tuy nhiên các con tỏ ra không mấy thích thú và chỉ làm theo vì chiều ý mẹ.
Nhưng chỉ sau vài ngày được hòa mình cùng thiên nhiên tại VQG Cúc Phương các con đã thay đổi hẳn. Hai đứa thi nhau kể với bố mẹ về những trải nghiệm tuyệt vời ở nơi đây. Lũ trẻ tỏ ra hết sức hào hứng khi biết được tập tính của những loài động vật như khỉ, voọc, gấu, rùa… Thậm chí các con còn mang tiền tiết kiệm ra để bàn với ba mẹ muốn đóng góp vào dự án trồng rừng của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên. Các con cũng bắt đầu ham thích xem những chương trình về thiên nhiên hoang dã. Đặc biệt hai chị em không còn suốt ngày cắm mặt vào tivi, điện thoại, máy tính… mà biết dành thời gian mua cây về trồng và chăm sóc tưới tắm.
Hoạt động đạp xe tại VQG |
Hành trình bảo tồn và hồi sinh
VQG Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập vào vào 7-1962 và có tổng diện tích lên tới 22.408 ha. Nơi đây thuộc địa phận của 3 tỉnh là Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Với diện tích rộng lớn, rừng Cúc Phương còn sở hữu nhiều giá trị về thiên nhiên. Cùng với đó chính là một hệ thống đa dạng của sinh thái lẫn giá trị văn hóa, lịch sử. Chính vì vậy, nơi đây rất thích hợp cho trải nghiệm tour tham quan cắm trại, trekking khám phá.
Rừng tại VQG Cúc Phương có đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới và luôn xanh mát quanh năm. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống động thực vật rất phong phú và đa dạng. Theo như số liệu, Cúc Phương có khoảng hơn 2.200 loài thực vật bậc cao và rêu, 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú (có voọc đen mông trắng rất quý hiếm), 336 loài chim (có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương).
Các gia đình tham gia chương trình “Hành trình hồi sinh” |
Chị Hoàng Thị Quyên, cán bộ VQG cho biết, lâu nay đây là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm trong sách đỏ.
Tại Trung tâm Bảo tồn và phát triển sinh vật, nhân viên sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm. Còn ở Trung tâm cứu hộ thú là nơi giải cứu các loài động vật bị mua bán, săn bắn, nuôi nhốt trái phép. Chúng được giải cứu về đây để trở về với thiên nhiên, tiếp tục duy trì nòi giống.
Bảo tàng là nơi lưu giữ các mẫu vật của các loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng từ lâu. Nơi đây lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ, 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2.900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật. Đặc biệt, mẫu dương bản bò sát răng phiến có niên đại 230-250 triệu năm trước.
Gia đình bà Đỗ Thị Bạch Dương nhận chứng nhận chương trình “Hành trình hồi sinh” |
Theo ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc VQG Cúc Phương - nhiều năm nay VQG luôn đón nhận sự đồng hành và đóng góp nhân lực, vật lực của tập thể, cá nhân, gia đình những người có tình yêu thiên nhiên cho nỗ lực cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã và truyền thông, giáo dục. Ngay từ những ngày đầu năm 2022 VQG Cúc Phương nghiên cứu, phát triển và chính thức vận hành chương trình “Hành trình hồi sinh”.
Các cá nhân, tập thể có nguyện vọng tham gia những “Hành trình hồi sinh” sẽ được tìm hiểu chung về chương trình, về mã số cá thể động vật cụ thể. Vì mỗi cá thể được vườn ghi dấu bằng mã số riêng, có hình ảnh và câu chuyện liên quan, các mức độ đóng góp cũng như quyền lợi, lịch và chương trình đến thăm động vật hoặc kết hợp tham quan vườn trong thời gian đồng hành.
Cụ thể, giai đoạn 1 tổ chức vận hành thí điểm Chương trình Cứu hộ linh trưởng nguy cấp; giai đoạn 2 được mở rộng thêm các Chương trình Bảo tồn rùa Cúc Phương, bảo tồn thú ăn thịt và tê tê. Trong số này, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn các “gói” để tham gia, đồng hành với cán bộ của VQG Cúc Phương trong nỗ lực cứu hộ và bảo tồn các loài, như “Đồng hành”, “Kết nối trái tim”, “Về nhà”...
Chị Đỗ Thị Bạch Dương, cựu MC của kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam là một trong số những người gắn bó với VQG Cúc Phương trong nhiều năm qua. Chị từng tâm sự rằng, sau 20 năm làm việc trong ngành truyền hình, chị nhận thấy mình không còn đủ sức khỏe. Thậm chí khi sinh em bé thứ 3 vào năm 2015, Bạch Dương bị stress kéo dài từ lúc mang thai đến khi sinh con. Hơn nữa công việc quá nhiều khiến chị không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, quan tâm đến con cái, nhất là khi các con bước vào tuổi dậy thì.
Dường như để “bù” lại cho con, nhiều năm gần đây năm nào Bạch Dương cũng tổ chức trại hè cho con mình, cùng các cháu học sinh lứa tuổi 10-15 tại VQG. Các con sẽ có những ngày trải nghiệm tuyệt vời, những kỷ niệm không thể nào quên tại đây.
Theo cựu MC của VTV3, thiên nhiên chính là một trong những cách để kéo bọn trẻ ra khỏi thế giới ảo, giúp chúng hoạt động thể chất nhiều hơn, phát triển tình yêu với thiên nhiên, con người và các kỹ năng sống ngoài xã hội.
“Thật ra, bọn trẻ khi chúng đã dính đến công nghệ là chúng bị chôn chân, chôn tinh thần ở đó và rất khó để lôi chúng ra khỏi thế giới đó. Với bọn trẻ con nhà tôi, nhất là với hai bạn lớn, việc cho chúng ra ngoài bao gồm cả việc cho chúng thấy cái hấp dẫn, sự giải thích, thuyết phục tính cần thiết và cả yếu tố bắt buộc. Nhưng có một điều tôi nhận thấy là, bản chất trẻ con đa phần là sẽ thích thiên nhiên và hoạt động bên ngoài, chỉ cần kéo chúng ra khỏi môi trường “chiếc hộp” kia, thì việc hòa đồng với thiên nhiên của chúng sẽ đến như một điều tất yếu” - chị Dương chia sẻ.
Tour khám phá thiên nhiên tại VQG đọng lại nhiều ấn tượng cho các em học sinh |
Ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ (VQG Cúc Phương) cho hay: Một cá thể động vật được hồi sinh, tưởng chừng như chỉ là một “hạt muối bỏ bể”. Nhưng không phải thế. Dưới góc độ thực tiễn, một cá thể thôi, nhưng cũng sẽ góp phần làm hồi sinh quần thể loài đó trong tự nhiên. Chính từ những “mầm sinh” này sẽ góp phần làm nên sự hồi sinh của một góc rừng và xa hơn là đa dạng sinh học của một cánh rừng, của mẹ thiên nhiên đất nước. Chỉ một cá thể bé nhỏ thôi, nhưng đó chính là kết quả sau nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh những ai ngoài kia còn đang quay cuồng với những suy nghĩ và hành vi xấu với động vật hoang dã, với mẹ thiên nhiên.
Chương trình sẽ huy động sự tham gia, qua đó khơi dậy, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua nỗ lực chăm sóc, chữa trị và phục hồi sức khỏe, tập tính, tâm lý của động vật cứu hộ, nhất là những cá thể quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao.
Là những người mở màn chương trình, nhóm “Hành trình hồi sinh” đã nhận bảo trợ một cá thể voọc xám và đặt tên cho cá thể đó là Sunny. Cũng theo chị Đỗ Thị Bạch Dương, chị mong tất cả mọi người, nhất là các gia đình, hãy về với “thủ đô bảo tồn” của Việt Nam và tham gia những hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức của vườn quốc gia này. Chắc chắn các bạn sẽ nhận được rất nhiều!
“Các hoạt động du lịch ở Cúc Phương đều do Ban Quản lý rừng Quốc gia Cúc Phương tự tổ chức. Hằng năm, các hoạt động giáo dục đi đôi với bảo tồn thu hút 100.000-120.000 lượt khách. Định hướng của VQG Cúc Phương là phát triển du lịch sinh thái bền vững; bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Với tài nguyên phong phú, đa dạng, bảo vệ tốt, Cúc Phương có nhiều tiềm năng trong du lịch sinh thái như khám phá thiên nhiên (leo núi, hang động, cây cổ thụ, cắm trại). Cùng với đó là các chương trình cứu hộ, bảo tồn động vật mang tầm cỡ thế giới. Cúc Phương được ví như “Thủ đô bảo tồn”: Linh trưởng, rùa, thú ăn thịt và tê tê” - ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương. |
Đoàn Minh Tiến