Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ông Kiển “Than” và nỗi niềm “than đen”! (Kỳ 2)

15:18 | 20/09/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong ngành than, mọi người đánh giá ông có tư duy sắc bén, bản lĩnh, quyết đoán, dám làm, dám chịu và hơn hết người ta nể ông về cái Tình!

>> Ông Kiển “Than” và nỗi niềm “than đen”!

Cuộc chiến với than thổ phỉ

Đến năm 1994, Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (ENV) là hai tổng công ty đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 10-10-1994 và chính thức hoạt động từ 1-1-1995. Đây là hai tổng công ty “91” như cách gọi của giới doanh nghiệp.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã chọn và bổ nhiệm người đứng đầu ngành, luôn thận trọng trong việc đề bạt cán bộ. Nhưng với trường hợp đề bạt kỹ sư Đoàn Văn Kiển giữ chức Tổng giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam thì ông rất quyết đoán. Việc này Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê đã đến nhà ông Kiển để “thuyết phục” và cả 2 lần ông đều từ chối vì vợ ông rất yếu, muốn giành thời gian chăm sóc vợ. Thì ra, tuy giao cho ông Thái Phụng Nê cùng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) chọn nhân sự cho Tổng Công ty Than có trụ sở tại Hạ Long, Quảng Ninh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tự mình tìm hiểu thêm về Đoàn Văn Kiển, một kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm lặn lội với thợ lò Mông Dương và có công phát triển Công ty Than III.

Ông Kiển “Than” và nỗi niềm “than đen”! (Kỳ 2)

Ông Đoàn Văn Kiển chỉ huy ứng cứu vụ bục nước hầm lò tại Xí nghiệp than Thành Công năm 2009.

Thủ tướng tin vào những cán bộ được tôi luyện từ cơ sở, có tấm lòng vì người thợ. Thủ tướng nói với ông Thái Phụng Nê: “Nếu vợ cậu Kiển bị đau tim thì Bộ giúp cô ấy ra nước ngoài để chữa bệnh để cậu Kiển yên tâm nhiệm vụ. Nếu cần, tôi sẽ trực tiếp găp…”. Nghe vậy, ông Kiển quyết định nhận nhiệm vụ, đây là một trong những bước ngoặt lớn của ngành than, mở đầu thời kỳ tăng trưởng nhanh, vượt qua mốc 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu, 40 triệu tấn/năm.

Cùng trong thời kỳ tổng công ty mới được thành lập, nạn “than thổ phỉ” tại Quảng Ninh hoành hành khắp nơi, mọi việc gần như công khai, cả tỉnh lúc đó tồn tại trên 1.500 lò than trái phép. Thời kỳ này, núi rừng tỉnh Quảng Ninh tưởng như bị tàn phá sạch sẽ bởi hàng ngàn lò than “thổ phỉ” và phong trào “nhà nhà làm than, người người làm than”, rồi cũng không ít cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cũng tổ chức buôn bán, vận chuyển than, đua nhau xin quota xuất khẩu than và bán cái chỉ tiêu ấy kiếm chênh lệch. Không thể để tài nguyên đất nước bị “cướp phá” trắng trợn như vậy, tháng 7 năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã xuống trực tiếp chỉ đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Quảng Ninh và ngành than dẹp nạn làm than “thổ phỉ”.

Ông Kiển miêu tả việc này như phải chặt chiếc “vòi bạch tuộc”, chặt chỗ này nó lại mọc chỗ khác. Khó khăn nhất phải quản lý hòn than cả trong lẫn ngoài ranh giới mỏ, nhưng ông vẫn kiên quyết đánh mạnh, vì lẽ đó ông Kiển được coi là “cái gai trong mắt” của nhiều kẻ đang ăn nên làm ra từ than “thổ phỉ”. Chuyện ông bị bôi nhọ, thậm chí đe dọa theo kiểu “xã hội đen” xảy ra như cơm bữa. Bên cạnh những biện pháp cứng rắn, ông Kiển cũng khéo chọn những biện pháp mềm, ấy là không sử dụng vũ lực đánh mìn sập các lò như trước, ông cho các mỏ “chiếm” luôn lò than, kêu gọi đám thợ kia về… ngành công tác, tạo công ăn việc làm đàng hoàng, rồi thuyết phục họ từ bỏ việc làm than thổ phỉ vừa trái pháp luật lại dễ mất mạng như chơi. Bằng sự quyết tâm cao, sự gắn kết cùng địa phương và nhiều cách làm hợp tình, hợp lý đến cuối năm 1995 nạn đào than trái phép ở Quảng Ninh đã giảm mạnh.

Năm 1999, ngành than rơi vào cảnh điêu đứng do khủng hoảng kinh tế, lượng than tồn đọng lên tới 4 triệu tấn, dư nợ vay ngắn hạn lên đến 1.700 tỉ đồng. Trước tình hình cấp bách này, ông Kiển đưa vấn đề ra Đại hội công nhân viên chức và quyết định cho giãn sản xuất trong 3 tháng mùa mưa, từ tháng 6 đến hết tháng 8. Công ăn việc làm của công nhân ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dư luận lúc bấy giờ không hiểu hết bản chất vấn đề tháo gỡ nút thắt, báo chí được dịp phóng bút hè nhau vào “đánh” ông tơi bời. Có cả chuyện, con trai cả của ông vừa tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất muốn nối nghiệp cha xin về mỏ Vàng Danh công tác cũng đành phải bỏ vì lời đồn “đưa con về để thâu tóm quyền lợi, kiếm chác”.

Sau trận đánh hội đồng từ dư luận thì đến cuối năm 1999 mọi việc đã sáng tỏ, lúc này dư luận mới thấy ông Kiển đã quyết định đúng khi cho giãn sản xuất. Lượng than tồn chỉ còn trên 1 triệu tấn, công nhân trở lại nhịp sản xuất bình thường. Quyết định “tạm lùi để tiến vững chắc” đúng như lời kết của một bài báo khi đó: “Lực lượng công nhân trong lúc nghỉ theo quyết định giãn sản xuất vẫn hưởng 70% lương, dù có thấp nhưng sự hy sinh quyền lợi nhỏ đã góp phần vực ngành than đứng dậy sau đợt khủng hoảng”. Khi hỏi ông cảm thấy sức ép lúc đó thế nào? Ông bảo, làm lãnh đạo thì phải vượt qua những chuyện thị phi, để chứng minh mình bằng hiệu quả kinh doanh, việc làm, nâng cao đời sống người lao động. Ai không dám làm vì cái chung, không có hiệu quả công việc sẽ tự bị đào thải. Nếu không bản lĩnh thì không làm được. Lúc đó, ông rất hiểu việc giãn sản xuất làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng nghìn công nhân mỏ trong một khu vực rộng lớn, vì thế đã có tác động đến công luận và tạo dư luận nhiều chiều là điều khó tránh khỏi. Thà rằng, thợ mỏ hy sinh quyền lợi tạm thời để bảo đảm lợi ích lâu dài còn hơn là cứ làm, than tồn đống cao mãi, dẫn đến thiệt hại khôn lường về sau không thể khắc phục.

Mấy năm trước, người đứng đầu ngành than tốn khá nhiều giấy mực của báo giới, vì ông bị kết vào 3 sai phạm trong quản lý… Cái án kỷ luật Đảng với ông nếu như phân tích rạch ròi thì quả thật là cũng rất không bình thường. Ít lâu sau ông xin về hưu, mặc dù lãnh đạo, Chính phủ muốn ông ở lại.

Nhiều người, đặc biệt là đội ngũ công nhân mỏ tiếc cho một tư lệnh ngành sản xuất được ví như “đánh giặc”. Trong ngành than, mọi người đánh giá ông có tư duy sắc bén, bản lĩnh, quyết đoán, dám làm, dám chịu và hơn hết người ta nể ông về cái Tình!

Nỗi niềm về than và... năng lượng

Ngày rời nhiệm sở, nhà báo Cao Thâm, hiện là Phó tổng biên tập Tạp chí Than - Khoáng sản từng thuật lại rằng: “Hôm ấy, chỉ có ít bạn bè đồng nghiệp ở văn phòng Tập đoàn tại 226 Lê Duẩn - Hà Nội tiễn ông nhưng đầy cảm xúc. Sau khi bàn giao mọi thủ tục, ông bước nhanh ra xe, không rõ ông vội đi đâu, để lại sau lưng là những giọt nước mắt. Sau này nhiều người mới biết, hôm đó, ông không về ngay mà xuống thẳng Uông Bí thăm người thợ lò Nguyễn Duy Hùng (Giai Tử), bị tai nạn giao thông liệt 2 chi dưới, giờ chỉ nằm một chỗ viết văn. Điều này không lạ với những người của ngành than, hồi còn đương chức ông Kiển vẫn dành thời gian đi thăm thợ lò đau ốm, các nhà văn, các nghệ sĩ vùng mỏ. Ông bảo, điều trăn trở nhất của ông khi về hưu là còn rất nhiều việc chưa làm được, đó là làm cho đời sống người thợ mỏ tốt hơn, điều kiện làm việc an toàn hơn”.

Ông Kiển “Than” và nỗi niềm “than đen”! (Kỳ 2)

Ông Kiển cùng những đồng nghiệp một thời tham gia xây dựng các công trình ở ngành Than.

Ông cũng canh cánh mối lo, ngành than đang thiếu thợ lò trầm trọng, vì lương thì chẳng cao, lao động thì như đánh giặc và khi đã coi ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc thì thợ mỏ cũng là những chiến sĩ. Vì vậy, chế độ, chính sách đối với họ cũng cần thiết như chiến sĩ ngoài mặt trận vậy.

Nhưng đâu chỉ có trăn trở về ngành than, ông còn suy tư rất nhiều về mặt trận an ninh năng lượng.

Ông cay đắng nói về việc bộ nọ, ngành kia cản trở việc cho làm thử nghiệm khai thác than vùng Đồng bằng Bắc Bộ bằng phương pháp truyền thống và khí hóa than ngầm dưới lòng đất, lấy khí lên chạy máy phát điện hoặc chuyển thành xăng dầu, khí hóa lỏng. Một dự án thử nghiệm bằng công nghệ hiện đại thế giới và trị giá chỉ có hơn 6 triệu đôla… mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, nhưng người ta vẫn “cù nhầy”, không cho làm… Thậm chí còn “xin” ngân sách bỏ ra nhiều triệu đôla để… “điều tra, đánh giá lại”.

Ông bảo: “Ngành Dầu khí Việt Nam, trong quá trình đi tìm dầu khí ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã phát hiện ra mỏ than khổng lồ này. Tài liệu đánh giá đã có tương đối đầy đủ. Nếu lấy tài liệu thăm dò của dầu khí, cộng với tài liệu thăm dò của Tập đoàn Than - Khoáng sản thì cơ bản đã rất đầy đủ, nếu có chăng cũng chỉ là bổ sung chút ít… Quan trọng là phải làm thử nghiệm công nghệ. Mà dự án thử nghiệm nào có to tát gì? Vài triệu đôla, đốt ngầm dưới lòng đất mất vài chục ngàn tấn than… Và sau khi thử nghiệm thành công, đi vào khai thác thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn việc xin hợp tác với Việt Nam, còn nếu thất bại thì cả hai bên cùng chịu tổn thất. Cái thấy trước mắt thì không làm, cứ loay hoay tìm tận đẩu, tận đâu? Rồi còn tính việc nhập khẩu cả chục, cả trăm triệu tấn than phát điện nữa. Nếu tính lâu dài, lấy đâu ra lắm than đến thế mà nhập tại sao không chủ động đầu tư, đẩy mạnh khai thác trong nước vốn còn nhiều tiềm năng. An ninh năng lượng mà trông chờ vào nhập khẩu than, nhập khẩu nguyên liệu làm điện nguyên tử thì thật là gay!

Ông cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nếu không sớm lập lại Bộ Năng lượng thì cái thế “kiềng ba chân”: Dầu khí - Than - Điện” hiện nay vẫn chỉ là cái “kiềng khập khễnh” và chưa thực sự có một nhạc trưởng tạo nên sự chỉ huy thống nhất.

Điều ông Kiển nói, chúng tôi cũng được nghe từ rất nhiều người có trách nhiệm và am hiểu của Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí.

Năng lượng phải đi trước một bước và là động lực thúc đẩy, là “năng lượng” cho cả nền kinh tế hoạt động. Ấy vậy mà ba Tập đoàn chịu trách nhiệm về lĩnh vực này lại “mỗi người đứng một góc”, chưa cụm lại được… Và quái quỷ hơn nữa, khi ba tập đoàn ký hợp tác chiến lược với nhau để có thêm sự đoàn kết thống nhất, để cùng dựa vào nhau mà phát triển, với mục tiêu chung là “Năng lượng cho sự phát triển đất nước” thì lại có không ít kẻ xúc xiểm, rằng “ba ông lớn bắt tay nhau để độc quyền”.

Ông tâm sự: “Về hưu sướng cái là thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, nhẹ gánh và hết vướng bận. Nếu nói bận thì có mỗi chuyện mình đi học thêm tiếng Trung Quốc giờ đã đủ dùng giao tiếp và đọc sách kỹ thuật, đồng thời bận hoàn thiện nốt 2 cuốn sách viết về những năm tháng gắn bó với ngành, với anh thợ lò”.

Nguyễn Kiên