Ông Kiển “Than” và nỗi niềm “than đen”!
Năng lượng Mới số 358
Tôi đã có nhiều dịp được gặp ông Đoàn Văn Kiển khi ông còn lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn ông chiến đấu với nạn khai thác than trái phép ở Quảng Ninh, mà người ta hay gọi là “than thổ phỉ”. Rồi khi việc xây dựng nhà máy chế biến quặng nhôm ở Tây Nguyên đang tranh cãi chí chóe, tôi cũng đã được nghe ông đưa ra những kiến giải của mình. Và những gì đang diễn ra hôm nay tại Nhân Cơ, Tân Rai thì mới thấy rằng, ông có tầm nhìn rất xa… Những lần gặp ông đều để lại trong cánh nhà báo chúng tôi ấn tượng sâu, bởi sự mẫn tiệp trong tư duy, nhưng trên hết là một tình yêu vô bờ bến với ngành than và cả lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Rồi nữa, ông luôn luôn đau đáu, trăn trở về người công nhân ngành than, mà ông gọi đó là “chiến sĩ ngành than”, là người “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Có lẽ chính vì vậy mà khi ông còn đương nhiệm, mỗi khi xảy ra sự cố hầm lò, dù nhỏ hay lớn, ông bao giờ cũng có mặt và trực tiếp chỉ huy cứu nạn. Nước mắt ông nhiều lần rơi trên khuôn mặt những người thợ lò…
Sinh ra để đi làm than
Khi nói về cuộc đời, sự nghiệp ông Kiển có thể khái quát nhiều vinh quang và cũng lắm thăng trầm.
Sinh năm 1949, xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1967, ông Kiển được Nhà nước cho sang Ba Lan học tập, gần 7 năm được đào tạo bài bản về chuyên ngành Khai thác mỏ. Nhớ lời cha dặn, ông đã học tập một cách chuyên cần, khi tốt nghiệp ông được trao tấm bằng màu xanh - loại bằng có giá trị nhất ở Ba Lan. Ai được cấp bằng này thì đều được trọng dụng.
Trở về nước năm 1974, sự nghiệp của ông bắt đầu tại mỏ than Mông Dương (Cẩm Phả). Cũng từ đây, nhờ sự dìu dắt, học tập từ các bậc đàn anh trong môi trường lao động nặng nhọc, cộng thêm tố chất thông minh, lại thạo nhiều ngoại ngữ cho nên từ một kỹ sư trẻ tập sự, chỉ sau hơn một năm, ông Kiển được cấp trên nhìn nhận năng lực rồi đề bạt lên chức Phó quản đốc Phân xưởng Đào lò, một vị trí mà lúc đó không phải ai lúc cũng nhanh chóng lên được. Người đề bạt là ông Phạm Thế Duyệt, lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương.
Từ 1978 đến 1981, ông Kiển cứ thế trưởng thành, từ Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó giám đốc, rồi Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, tổng chỉ huy công tác xây dựng, đào lò tại nhiều công trình mỏ quan trọng tại vùng than Cẩm Phả.
Ông Đoàn Văn Kiển và ông Phạm Thế Duyệt (phải) - nguyên Ủy viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều năm gắn bó với nhau tại ngành than.
Khoảng thời gian này ông Kiển có nhiều kỷ niệm để đời nhất.
Hồi đó, Mông Dương là một thị trấn vắng hoe, mù mịt bụi than, dân cư thưa thớt. Dãy nhà cấp 4, chỗ ông và các công nhân ở là đông vui nhất, tuy cuộc sống ngày đó nghèo khó là thế nhưng mà vui. Ban ngày thì chui lò còn ban đêm về đàn hát, nhảy nhót. Chỉ vài cây ghi ta, mấy chiếc thìa, vài ba cái xô lật ngược là đủ thành dàn nhạc. Hôm nào được bữa rượu thịt chó, có khi biểu diễn suốt đêm. Tuy nhiên, chơi ra chơi, làm ra làm. Đến việc là làm như điên và kỷ luật công trường cũng cực kỳ sắt đá, thậm chí có người gọi ông “Pôn Pốt”. Quân đào lò, anh nào bớt xén quy trình kỹ thuật, chỉ cần tái phạm một lần, ông kỷ luật không nương tay. Ông bảo, làm than “như đánh giặc”, không sắt đá như vậy thì không thể khôi phục được cái lò giếng sâu trăm mét, ngập nước hàng chục năm như thế. Tuy nhiên, trong mắt anh em công nhân, đằng sau một Đoàn Văn Kiển “hét ra lửa” thì ẩn sau đó là con người rất giàu tình cảm.
Cây cầu sang làng mỏ Mông Dương do ông Kiển (giữa) chủ trì xây dựng.
Chẳng biết tình cảm của ông thời đó đến mức nào, dù đã là người lãnh đạo cao nhất của ngành than. Song, cứ nhắc đến Mông Dương, ông Kiển lại nao nao cảm xúc. Mỗi chuyến về thăm Mông Dương là một lần về “quê hương thứ hai của mình”, ông bảo thế. Điều này là có thật, không chỉ để lại dấu ấn mạnh mẽ cho sự phát triển của mỏ Mông Dương, đối với cả thị trấn này, ông từng được ví như “thành hoàng làng”. Từ thập niên 80, ông Kiển đã chủ trương tuyển dụng vợ con thợ lò từ quê ra làm việc để thợ lò yên tâm gắn bó với vùng mỏ. Tiếp đó, ông chủ trương xây nhà, làm đường, bắc cầu giúp đỡ bà con thị trấn Mông Dương, san gạt mặt bằng tạo quỹ đất cấp cho công nhân và hỗ trợ sắt, thép, xi măng, cát với hình thức trả chậm, trừ vào lương và cho xe chở vật liệu để anh em công nhân làm nhà. Người dân biết ơn ông, làng mỏ Mông Dương sầm uất, trù phú ngày nay còn mang một tên gọi rất đáng yêu là “làng ông Kiển”. Nghe đâu, mấy năm trước, ông Kiển có về đây nhưng mục đích chính là xin lỗi người dân. Thì ra, Công ty Than Mông Dương nổ mìn khai thác có vương vãi đất đá sang khu dân cư, người dân phàn nàn, phản ánh. Biết chuyện, ông cùng ông Lê Kim Bảng, cựu Giám đốc mỏ Mông Dương về tận nơi thăm hỏi, xin lỗi bà con. Mọi việc lại êm xuôi. Sau vụ đấy, mấy cán bộ trẻ Mông Dương cứ nhìn nhau bảo: “Gần dân như anh, thế hệ chúng em còn xách dép dài!”.
Sau những dấu ấn để đời, cuộc đời ông Kiển cũng thật thăng trầm và lắm kẻ thù!
Năm 1986 ông về Hà Nội làm việc ở Công ty Than III (Than Nội địa). Giai đoạn này ngành công nghiệp than phải đối mặt với những thử thách lớn: Thị trường than thu hẹp khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành, nạn khai thác kinh doanh than trái phép hoành hành, đẩy các công ty than vào thế lúng túng bị động, phải cắt giảm sản lượng, công nhân bị thiếu việc làm.
Trước tình hình trên, tháng 7-1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành quyết định và chỉ thị về lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh, phát triển ngành than. Từ khi còn làm Phó thủ tướng, ông Kiệt đã nhiều lần xuống làm việc với tỉnh, với đại biểu công nhân, cán bộ ngành than, lắng nghe từng ý kiến dù là nhỏ nhất. Nhưng việc lập lại trật tự trong khai thác và tiêu thụ than là điều Thủ tướng rất trăn trở, việc này không thể chỉ bằng một quyết định, một chỉ thị mà phải tiến hành đồng bộ trong tổ chức, quản lý và trong sự phối hợp của nhiều ngành. Ông hiểu đã đến lúc Bộ Năng lượng không thể làm việc thay các doanh nghiệp mà phải thực sự đi vào quản lý Nhà nước, trao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm, gắn bó lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người thợ.
(Còn tiếp)
Nguyễn Kiên