Ông Bùi Sĩ Lợi: "Cần giảm ngay cú sốc thiếu hụt lao động sau giãn cách..."
ÔNG BÙI SĨ LỢI: "
CẦN GIẢM NGAY CÚ SỐC THIẾU HỤT LAO ĐỘNG SAU GIÃN CÁCH..."
Hơn 1,3 triệu người lao động rời thành phố trở về quê trong thời gian qua, trong đó có gần 49% người thất nghiệp. Lời giải nào cho nguy cơ thiếu lao động ở các đầu tàu kinh tế?
Trong vòng 2 tuần qua, báo chí đã đưa nhiều thông tin về người dân từ TPHCM đổ về các tỉnh thành trên cả nước. Không chỉ gây nên những tác động về đời sống xã hội, câu chuyện còn tạo ra những thay đổi đáng kể trong bài toán nhân lực, đặc biệt ở những nơi được coi là "đầu tàu" kinh tế của cả nước, như TPHCM hoặc các vùng có nhiều khu công nghiệp đông lao động như: Đồng Nai, Bình Dương…
Liên quan tới vấn đề này, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Bùi Sĩ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
NHỮNG HỆ LỤY KHÔNG MONG MUỐN
Thống kê 9 tháng vừa qua của Tổng cục Thống kê cho thấy, hơn 1,3 triệu lao động đã rời các thành phố lớn về quê. Trong số người lao động trở về có tới gần 49% lao động thất nghiệp. Thực tế này thấy rõ ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Kể từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã phải đối mặt với 4 làn sóng lây nhiễm Covid-19, đặc biệt, làn sóng thứ tư bắt đầu vào cuối tháng 4 năm 2021 đã diễn biến phức tạp hơn so với những đợt trước.
Việt Nam đã phải gánh chịu sự gia tăng lớn số ca nhiễm Covid-19 và buộc phải áp dụng lại các biện pháp kiểm soát dịch trong quý 2 và quý 3/2021 và đến cuối tháng 9 tình hình dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh.
Đặc biệt là 3 gói hỗ trợ an sinh xã hội khẩn cấp với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, lao động ngoại tỉnh làm việc trong các doanh nghiệp, đặc biệt tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai bị mất việc làm trong thời gian dài, không có thu nhập để trang trải cuộc sống, cộng với tâm lý e ngại sợ nhiễm bệnh.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. |
Thực tế đã có nhiều lao động rời thành phố trở về quê vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, qua đó tạo nên sức ép lớn về hệ thống y tế của các địa phương, nguy cơ lây lan dịch mất kiểm soát.
Trong khi đó, lao động trở về từ vùng dịch tạo ra áp lực về giải quyết việc làm tại địa phương và thiếu hụt nguồn lao động ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn.
Bên cạnh tác động về đời sống kinh tế, tình trạng lao động di chuyển ngược về quê nhà sẽ gây nên những hệ lụy gì về vấn đề nhân lực cho nơi tới và nơi về?
- Đúng là điều này tạo ra hệ lụy cho cả nơi về và nơi đi. Tại các địa phương, số lao động lớn trở về từ vùng dịch gây ra những khó khăn, áp lực trong giải quyết việc làm, đảm bảo về y tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Do đó, lao động trở về bất thường chưa có chuẩn bị trước. Quá trình di chuyển lao động gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch. Các quy định về phòng chống dịch của các địa phương cũng như tâm lý e ngại của người lao động về dịch bệnh.
Tại nơi lao động rời đi, tình trạng suy giảm lực lượng lao động chắc chắn sẽ diễn ra. Đồng thời, quy mô khu vực có quan hệ lao động bị thu hẹp. Việc chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức, chất lượng việc làm suy giảm.
Tình hình trên khiến thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp, đáng lưu ý là nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp và khu chế xuất để phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Đặc biệt, khi lao động rời bỏ nơi cư trú làm phá vỡ các liên hệ và thiếu thông tin trên thị trường lao động dẫn đến khó khăn, thách thức trong việc tìm kiếm công việc phù hợp khi chưa thể di chuyển tự do giữa các vùng.
LAO ĐỘNG TỰ DO - ĐIỂM YẾU CỐT TỬ
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, lực lượng lao động tự do vẫn chiếm số đông trong dòng lao động di cư về quê. Ông đánh giá về vấn đề này ra sao?
- Tôi cơ bản đồng tình với ý kiến này. Nhóm lao động tự do không có nguồn việc làm ổn định như những lao động làm việc trong các khu công nghiệp lớn.
Trong khó khăn này, nhóm lực lượng lao động tự do đứng trước 2 cú sốc nặng nề do vừa trải qua giãn cách, bức xúc không có việc làm, thu nhập.
Đời sống khó khăn và tâm lý e ngại, sợ dịch bệnh nên họ đã chọn việc di chuyển về quê, không sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi dịch được kiểm soát. Điều này cũng sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất khi phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát Đảng, Nhà nước đã kịp thời triển khai thực hiện 3 gói hỗ trợ an sinh xã hội khẩn cấp có tổng trị giá 126 ngàn tỷ đồng cùng nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân.
Đây là các chính sách ngắn hạn cần thiết và cấp bách, đã và đang góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng các biện pháp linh hoạt như là giảm giờ làm, bố trí làm việc luân phiên, trả lương ngừng việc, chia sẻ việc làm, hỗ trợ người lao động để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Đặc biệt với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ của cộng đồng là điều quan trọng để người lao động đồng cảm, chia sẻ với doanh nghiệp và Nhà nước để khắc phục khó khăn trong cuộc sống, tuân thủ các biện pháp cách ly, tham gia chống dịch.
GIẢI PHÁP NÀO?
Thời điểm đã vào quý 4/2021, các doanh nghiệp đang gấp rút hoạt động trở lại. Nhiều nơi thiếu lao động, doanh nghiệp còn phải gọi điện thoại mời lao động trở lại làm việc. Theo ông, những giải pháp cần có cho doanh nghiệp lúc này là gì?
- Giải pháp đặt ra hiện nay với doanh nghiệp là phải làm sạch môi trường, khử khuẩn và chuẩn bị điều kiện làm việc an toàn trong điều kiện chung sống an toàn với Covid-19.
Tức là kiểm soát dịch chứ không để dịch kiểm soát chúng ta, đảm bảo cho người lao động tiêm đủ liều vaccine.
Đồng thời, doanh nghiệp phải có các chính sách thu hút người lao động như là: Miễn hoặc giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề hoặc đào tạo lại cho người lao động, chính sách tiền lương ưu đãi, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chính sách hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ và phương tiện đi lại bảo đảm an toàn phòng dịch.
3 GÓI HỖ TRỢ LỚN Theo ông Bùi Sĩ Lợi, 3 gói hỗ trợ có tổng trị giá 126 ngàn tỷ đồng đã được triển khai: Gói hỗ trợ lần thứ nhất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng gói hỗ trợ dự kiến là 62 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần thứ hai theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính Phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng gói hỗ trợ là 26 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần thứ ba theo Nghị Quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với tổng gói hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng. |
Tôi cho rằng đây là các biện pháp tích cực thu hút lao động nhưng doanh nghiệp phải tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thậm chí còn lỗ để bảo đảm duy trì sản xuất, đảm bảo sức lao động chuẩn bị cho sự phát triển phục hồi, ổn định và tăng tốc trong tương lai. Đây có thể được coi như là giải pháp đi trước đón đầu, cho phục hồi phát triển.
Chính phủ và địa phương sẽ có vai trò ra sao trong thúc đẩy sự phục hồi của thị trường lao động, thưa ông?
- Để chuẩn bị cho bài toán tổng quát phục hồi và phát triển kinh tế, khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động, chính phủ cần có nhanh những sự đánh giá và lên phương án xử lý ngay từ bây giờ.
Qua đó nhằm giảm thiểu cú sốc thiếu hụt lao động khi nền kinh tế mở cửa trở lại, bảo đảm cơ sở vững chắc để nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất ngay khi dịch được khống chế.
Ngoài những chính sách đã ban hành đang thúc đẩy triển khai thực hiện, đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ thực hiện 3 trụ cột: Y tế, kinh tế và xã hội, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút nguồn lực tập trung tiêm vaccine cho toàn dân và các giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khôi phục phát triển.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên.
Địa phương cần chủ động kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
Cùng với đó là những chính sách, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp cần thiết để tái sử dụng lại những lao động đã bị dừng/nghỉ việc do dịch bệnh thông qua các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh khi thị trường lao động sôi nổi trở lại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí
Giải bài toán lao động hậu đại dịch |
Cần có chính sách khuyến khích người lao động trở lại làm việc |
Ngành dệt may trước “cơn bão” COVID-19 |
-
Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM