“Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”
“Nhất sĩ, nhì nông…”
Thực tiễn cho thấy nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế xã hội, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 vừa qua một lần nữa cho thấy vai trò gánh vác của nền nông nghiệp nước ta.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” |
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nước ta đã từng bước triển khai thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Nhìn nhận về sự đóng góp của ngành nông nghiệp, phát biểu tại buổi tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong đại dịch Covid-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Nông nghiệp quan trọng được ví như câu “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.
9 tháng đầu năm, mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan tỏa, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.
Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. “Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải một nhóm người”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
"Từ câu chuyện trong đại dịch vừa qua có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác. Sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân, đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm của người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cũng cho rằng đất nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam. Quá trình công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin…
Trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, nhưng cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.
Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.
Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn.
Tái cấu trúc ngành nông nghiệp để phát triển
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đất nước đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có đặt ra vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Như vậy phải có tinh thần doanh nhân trong doanh nghiệp. Khi nói đến kinh tế nông nghiệp là phải gắn với nông nghiệp, nông dân cũng phải có tinh thần doanh nghiệp, và chúng ta phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp, đó là lưu ý quan trọng nhất.
Nông nghiệp phải có sự kết hợp, tập trung liên kết thành chuỗi lớn để thích ứng với đại dịch |
Nguồn lực cho sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp là nguồn lực về văn hóa, vốn xã hội vô cùng lớn, cần phát huy yếu tố này. Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ, chúng ta biết tác động của kinh tế số bây giờ, một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp; phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ nhưng không lẻ, phải liên kết lại với nhau.
Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả, chứ không phải thủ tiêu đi cái nhỏ, cái nhỏ kết nối thành chuỗi lớn. Đây cũng là một cách, còn tập trung, tích tụ lại trong một tổ hợp cũng là một cách.
Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự đồng tình qua dẫn chứng: “Như Uber, Grab, từng chiếc xe nhỏ nhưng hợp lại, kết nối thành những doanh nghiệp kinh doanh vận tải; người ta kinh doanh khách sạn lưu trú nhưng không sở hữu một khách sạn nào cả vì họ kết nối thôi. Tôi sẽ làm nông nghiệp bằng tư duy như thế, bằng cách thức như thế, để đỡ xáo trộn thị trường, đỡ xáo trộn sở hữu riêng miếng đất của người nông dân”, Bộ trưởng Hoan nhìn nhận.
Chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc, nhất là do tác động của đại dịch Covid-19 vừa rồi, do mô thức hoạt động trong xã hội mùa Covid-19 nên giờ người ta chia nhỏ ra nhiều hơn. Ví dụ như việc chia nhỏ một nhà máy lớn ra rất nhiều nhà máy nhỏ, nếu bị F0 họ sẽ đóng cửa ở một chỗ còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được, tức là họ sẽ chia nhỏ mà không theo xu thế tích tụ được, giống như trước đây ta quy hoạch những đại đô thị.
“Trước bối cảnh đại dịch, các đại đô thị này cũng bị chia nhỏ và kết nối những đô thị nhỏ lại, bản chất là chia nhỏ những mô thức. Nông nghiệp cũng vậy, cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch”, Bộ trưởng cho hay.
Nông nghiệp phải dần loại bỏ “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 mà Bộ đề ra từ 2,5-2,8%. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta. “Mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngay cả ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới..., tuy nhiên dư địa chúng ta còn và chúng ta có niềm tin”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi vì đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực…
Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “cần tránh” của nông nghiệp, trong giai đoạn “bình thường mới” ngành nông nghiệp cần tránh 3 điều đó thì mới có thể thoát ra được vòng luẩn quẩn để phát triển
Nhận định về kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, như mọi năm, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Trong thời gian qua, Bộ nông nghiệp đã có nhiều buổi làm việc sơ bộ với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chúng tôi rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
Chúng ta cũng biết những ngày gần đây, sự chuyển hướng trong phòng chống dịch sang xác định sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, chủ trương sẽ không còn “Zero Covid-19”, dòng người lao động từ khu đô thị về các địa phương đã xuất hiện ổ dịch cũng khiến lãnh đạo một số địa phương không tránh khỏi lao ngại.
"Tôi nghĩ rằng có niềm tin rất lớn vào các doanh nghiệp nội của chúng ta vì cuối cùng doanh nghiệp Việt của chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng để thu hút FDI. Hiện nay, Chính phủ đã tạo ra một hào khí cho các doanh nghiệp trên cả nước, trong nguy có cơ, cái cơ ở đây là các doanh nghiệp đã thức tỉnh, bản thân doanh nghiệp cũng nhìn lại sức chống chịu rủi ro của mình để tích cực hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. |
Minh Châu