Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những nhà báo có ảnh hưởng nhất thế giới

07:45 | 21/06/2014

1,474 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Báo chí không phải là một công việc thích hợp dành cho những người yếu tim hay kỳ vọng ở khả năng kiếm tiền. Mặc dù vậy, cũng không phải khó để tìm thấy những nhà báo dũng cảm và đam mê nghề nghiệp thực sự, những người đã dành trọn cuộc đời mình để vạch trần tội ác, tham nhũng, mặt trái của chiến tranh và phát hiện ra những vụ bê bối chính trị và kinh tế. Nhưng thật khó để giới hạn những nhà báo như vậy trong một danh sách ngắn.

Bài viết này chỉ có thể kể tên 10 nhà báo đã góp phần định hình, thay đổi thế giới thông tin và đang tiếp tục phát huy ảnh hưởng của mình đến thế giới thông tin và lịch sử ngành báo chí.

1. Walter Cronkite

Huyền thoại truyền hình Mỹ Walter Cronkite được mệnh danh là “người đàn ông trung thực nhất nước Mỹ”. Đã có tờ báo cho rằng Walter Cronkite còn được quần chúng tin tưởng hơn cả Tổng thống, Phó tổng thống.

Sinh ngày 4/11/1916 ở St. Joseph, Missouri, Walter Cronkite trở thành phóng viên của United Press năm 1939 và là một trong số những nhà báo đầu tiên được các lực lượng vũ trang Mỹ công nhận sau khi nước này tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai năm 1941. Năm 1950, Cronkite chuyển qua làm việc ở CBS và chính những năm làm việc cho CBS là những năm tháng huy hoàng nhất trong sự nghiệp của ông.

Ông là một trong những người đã giúp công chúng Mỹ đến gần hơn, chân xác hơn với cuộc chiến tranh Việt Nam, vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy, những trận chiến về quyền dân sự, cuộc đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo, cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon, vụ bê bối Watergate…

Ông được coi là người tiên phong trong lĩnh vực báo chí truyền thông, với câu nói nổi tiếng “And that’s the way it is” (tạm dịch: Sự việc đã diễn ra như vậy đấy) cuối mỗi bản tin.

Khi Walter Cronkite qua đời vào năm 2009 ở tuổi 92, đích thân Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama đã lên truyền hình nói về Walter Cronkite trong niềm xúc động trào nước mắt: "Walter Cronkite luôn có ý nghĩa hơn một phát thanh viên truyền hình. Ông ấy là người chỉ bảo cho chúng ta về hầu hết những vấn đề quan trọng nhất; một tiếng nói tin cậy trong một thế giới đầy phản trắc. Ông ấy là gia đình. Ông ấy khiến chúng ta tin tưởng và ông ấy không bao giờ làm cho ta thất vọng".

2. Veronica Guerin

Nổi tiếng về những bài báo phanh phui tội ác của các băng đảng tội phạm ở Dublin những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước trên tờ Sunday Independent, Veronica Guerin - nữ nhà báo người Ireland thường xuyên nhận được những lời đe dọa giết chóc, thậm chí từng bị bắn vào chân. Nhưng nữ nhà báo dũng cảm này vẫn không bỏ cuộc và trong quá trình điều tra về một tên trùm ma túy ở Dublin, cô đã bị ám sát vào năm 1997, khi mới 36 tuổi.

Cái chết đột ngột của Guerin đã gây sốc cho toàn dân tộc Ireland và được cho là một động lực dẫn đến việc thành lập Cục điều tra tội phạm Ireland. Cuộc đời của nữ nhà báo dũng cảm cũng được tái hiện trong bộ phim mang tên cô vào năm 2003.

3. Peter Jennings

Cùng với Tom Brokaw và Dan Rather, Peter Jennings là một phần của bộ ba huyền thoại dẫn các chương trình thời sự của nước Mỹ trong suốt hơn 20 năm, kể từ khi tin truyền hình cáp ra đời cho tới khi xuất hiện Internet. Phong cách duyên dáng và nhiều năm kinh nghiệm làm phóng viên quốc tế đã giúp ông giành được cảm tình của người xem.

Ông là một trong những nhà báo quốc tế đầu tiên có mặt ở Berlin khi bức tường Berlin được xây dựng và chứng kiến giây phút nó sụp đổ. Ông cũng là một trong những phóng viên đầu tiên đến Việt Nam vào những năm 1960 và truyền tải những hình ảnh chân thực về cuộc chiến tới người dân Mỹ.

Jennings là gương mặt của kênh tin tức ABC mỗi khi có sự kiện lớn. Trong tuần lễ xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ông đã thực hiện tới hơn 60 giờ phát sóng - một con số kỷ lục.

Theo lời Ted Koppel, một phát thanh viên truyền hình và là bạn lâu năm của Peter Jennings: Peter luôn cảm thấy hối tiếc vì chưa học xong đại học nhưng bù lại, ông rất tích cực tự học hỏi, tìm hiểu về các nền văn hóa và dân tộc. 

Jennings cũng là đồng tác giả hai cuốn sách thuộc hàng best seller: The Century (Thế kỷ) và In Search of America (Hành trình nước Mỹ).

Ông qua đời vào tháng 8 năm 2005 ở tuổi 67 do biến chứng của bệnh ung thư phổi.

4. Kate Adie

Kate Adie là biên tập viên, người dẫn chương trình của chuyên mục “Phóng viên chiến trường” trên kênh số 4 của đài phát thanh BBC (Anh). Bên cạnh đó bà còn là một trong số ít những nhà báo nữ có mặt tại những điểm “nóng” nhất trên thế giới như vùng Vịnh, Nam Tư (cũ), Albania, Ruwanda, Sierra Leone… và đưa tin về sự kiện trên quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc) năm 1989.

Hiện nay Adie đang tham gia sản xuất chương trình “Phóng viên chiến trường” và một số chương trình khác của BBC. Bên cạnh đó, bà còn là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó cuốn tự truyện “The Kindness of Strangers” là một trong những sách bán chạy nhất năm 2003.

Mỗi khi tác nghiệp tại nước ngoài, đặc biệt các nước nghèo, bà đều tham gia các hoạt động từ thiện nơi đó, vì thế, Kate Adie không chỉ được biết đến như một nữ nhà báo dũng cảm mà còn là một người phụ nữ nhân hậu.

Bà từng nói: “Tôi không bao giờ mong muốn đi vào khu vực chiến tranh. Tôi không bao giờ có bất kỳ suy nghĩ về việc này. Nó chỉ đơn giản là một phần của công việc phóng viên chiến trường”.

5. Hồ Thúc Lý (Hu Shuli)

Nhà báo Hồ Thúc Lý – người từng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time năm 2011 – là cây bút kinh tế nổi tiếng nhất của Trung Quốc.

Khởi đầu sự nghiệp báo chí của bà Hồ Thúc Lý là phóng viên của tờ nhật báo Người lao động vào năm 1982. Sau đó, bà trở thành một biên tập viên quốc tế và trưởng phòng phóng viên của tờ Thời báo kinh tế Trung Quốc, trước khi sáng lập tạp chí Tài Kinh – một ấn phẩm kinh tế hàng đầu Trung Quốc. Những điều tra về tham nhũng và gian lận, cũng như những dự đoán về tình hình kinh tế Trung Quốc của bà gây được tiếng vang lớn, rất có uy tín, thể hiện tư duy cực kỳ nhạy bén.

Nữ nhà báo Hồ Thúc Lý hiện vẫn đảm nhận vị trí biên tập chính của tập đoàn truyền thông Tài Kinh, đồng thời là cố vấn ban biên tập hãng thông tấn Reuters.

6. Christiane Amanpour

Phóng viên Amanpour đang phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trên kênh CNN

 

Phóng viên Amanpour là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong các chương trình tin tức trên truyền hình Mỹ, hiện đang phụ trách mảng quốc tế của CNN và các vấn đề toàn cầu của ABC News.

Xuất thân là phóng viên chiến trường, Amanpour từng được biết tới khi tuờng thuật trực tiếp về cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 và truớc đó là cuộc chiến tranh giữa Iraq với Kuwait năm 1990.

Trong sự nghiệp của mình, nữ phóng viên Amanpour từng phỏng vấn nhiều nguyên thủ và tổng biên tập các tờ báo danh tiếng. Bà cũng có mặt tại các vùng chiến sự ác liệt ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Somalia, Rwanda và vùng Balkan.

Cũng chính nữ phóng viên nổi tiếng này là người đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trên kênh CNN về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 911 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mới đây.

7. Anna Stepanovna Politkovskaya

Anna Stepanovna Politkovskaya là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền người Nga, nổi tiếng với các phóng sự về cuộc chiến Chechnya lần hai.

Ngày 7/10/2006, bà bị bắn chết trong thang máy ở dãy nhà có căn hộ của bà, một vụ ám sát chưa được làm sáng tỏ và vẫn thu hút sự chú ý của quốc tế.

Năm 2007 để đánh dấu ngày giỗ đầu của Anna Politkovskaya, tổ chức “Reach all Women in War” (RAW in WAR) - một tổ chức nhân quyền tập trung vào việc ngăn chặn bạo lực đối với các phụ nữ trong chiến tranh và xung đột - đã lập ra "Giải thưởng Anna Politkovskaya", nhằm tôn vinh các phụ nữ hoạt động nhân quyền, giống như Politkovskaya, sống một cuộc sống dũng cảm và nói lên sự thật, đối mặt với hiểm nguy nghiêm trọng, đứng về phía các nạn nhân của cuộc xung đột, thường chịu nguy hiểm cá nhân lớn lao.

8. Robert Fisk

Hiếm có nhà báo phương Tây nào có cơ hội phỏng vấn tới 3 lần người đàn ông bị truy nã gắt gao nhất thế giới – trùm khủng bố Osama bin Laden như nhà báo người Anh Robert Fisk.

Fisk là một phóng viên chiến trường đã có mặt trong cuộc chiến Iran – Iraq, Lebanon và Algeria, 2 lần chiến tranh vùng Vịnh… và là một cây bút Trung Đông kỳ cựu của tờ The Independent (Anh).

Không nhiều người biết, ông chính là tác giả của thuật ngữ “hotel journalist” mà chúng ta hay gọi là “nhà báo salon” để chỉ những nhà báo không trực tiếp đi thực tế.

9. Hunter S Thompson

Nhà báo Mỹ Hunter S Thompson nổi tiếng với thể loại phóng sự, là người khởi xướng phong cách báo chí gonzo (phong cách báo chí không phụ thuộc vào tính khách quan của sự kiện và con số, các vấn đề báo chí được phản ánh qua câu chuyện chủ quan của nhà báo).

Thompson là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như Hell’s Angels và Fear and Loathing in Las Vegas. Cuộc đời ông chìm trong rượu, ma túy và các loại súng ống. Đặc biệt, ông nổi tiếng với lối viết tùy hứng, thông tục, thậm chí thô lỗ.

Ông đã tự kết liễu cuộc đời ở tuổi 67 nhưng tên tuổi ông đã trở thành bất tử vì được coi là một nhà báo thiên tài, người tiên phong của lối viết rất hiện đại và dám xả thân vì công việc. 

Năm 2008, đạo diễn từng đoạt giải Oscar Alex Gibney đã làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời nhà báo Hunter S Thompson có tựa đề “The life and work of Dr.Hunter S.Thompson”.

10. Sami Al-Hajj

Phóng viên quay phim người Sudan Sami Al-Hajj đang làm việc Đài Truyền hình Al-Jazeera khi bị bắt ở biên giới giữa Pakistan và Afghanistan vào năm 2001. Ông đã bị nhốt trong hơn 6 năm ở nhà tù khét tiếng tàn bạo của Mỹ ở Vịnh Guantanamo và bị cáo buộc có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Giống như hầu hết 770 nghi phạm khác bị giam giữ tại đây, Al-Hajj chưa từng có cơ hội được bào chữa cho bản thân trước một tòa án hợp pháp. Đến cuối tháng 5/2008, quân đội Mỹ mới trả tự do cho Al-Hajj, thông qua trung gian là nhà chức trách Sudan mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào, cũng giống như khi họ bắt giữ anh 6 năm trước đó.

Al-Hajj đã viết lại những năm tháng anh bị giam giữ tại Guatanamo, tiết lộ cho cả thế giới biết về những trải nghiệm của anh về thời gian “tồn tại” - chứ không phải “sống” - dưới cái tên “Phạm nhân số 345”, qua đó bóc trần “sự chà đạp tất cả các giá trị con người, giá trị đạo đức, giá trị tôn giáo ở Guatanamo của chính quyền Mỹ”.

Sau khi được thả ra, Al-Hajj lại tái gia nhập Đài truyền hình Al-Jazeera, công tác trong bộ phận nhân quyền thuộc Phòng Tin tức.

Linh Phương