Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024)

Mới, nhưng phải chính xác, trung thực

13:30 | 19/06/2024

2,505 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Yêu cái đẹp, đó là con đường tiếp cận cái mới, đi đến tận cùng sự thật. Mang đến thông tin, mang đến cách nghĩ, cách làm hay, kéo thế giới gần lại, đó là trách nhiệm và hạnh phúc của người làm báo.
Mới, nhưng phải chính xác, trung thực
Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes tác nghiệp trên giàn khoan

Lịch sử báo chí thế giới đã trải dài hàng nghìn năm. Khi con người cần thông tin là cần tới công cụ truyền tin. Thế nhưng, cụm từ “Báo in” nói về những tờ báo được in ra, chỉ có thể tính từ sau năm 1447. Đó là thời điểm máy in ra đời - một phát minh vĩ đại của ông Johann Gutenberg, người Đức. Thế nhưng tờ báo in mang tính chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới thì phải chờ đến hơn 200 năm sau. Tờ báo in đầu tiên ở Anh là tờ The Gazette, ra mắt vào ngày 7-11-1665. Về sau nó được đổi tên là The London Gazette và tồn tại cho đến hôm nay.

Đó là chuyện châu Âu, chuyện thế giới. Việt Nam chúng ta cũng là một quốc gia có nền báo chí ra đời sớm. Ngày 15-4-1865, Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ Việt Nam đầu tiên ra số 1 tại Sài Gòn. Để rồi 60 năm sau, ngày 21-6-1925, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí đã đi qua tháng tháng, năm năm, đi qua thập kỷ, thế kỷ, thiên niên kỷ, nhưng vẫn giữ nguyên đặc trưng cơ bản là nói về cái mới, cái thật, cái điển hình, trong đó cái mới là cốt lõi, là cái xuyên suốt mọi quốc gia, mọi thời đại. Từ báo chí sơ khai với những bản chép tay in trên giấy sáp, đến báo chí chuyên nghiệp, báo chí hiện đại đều phải tuân thủ yêu cầu cốt tử là mới. Kể từ khi Internet ra đời, quãng 50 năm nay, khoa học công nghệ đã có những bước tiến như vũ bão, nhất là từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng vào đời sống xã hội. “Từ khóa” của năm 2023 là AI. Robot từng bước thay thế hoạt động của phóng viên, biên tập viên ở nhiều tờ báo lớn trên thế giới, nhất là khi cần đưa các loại tin bài mang tính công thức.

Vậy là khái niệm “mới” trở nên nóng rẫy. Bạn chậm hơn tôi vài phút, bạn trở nên cũ rồi. Một quả bóng sút vào lưới, báo chí cả thế giới cùng reo hò dậy đất. Thế giới bị san phẳng bởi tin tức. Đầu thế kỷ XX, nhà thơ Xuân Diệu sốt ruột giục bạn tình: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ” đã khiến ta kính nể ông về... tốc độ. Nay thì cái “mau” ấy phải nhân lên nhiều lần mới kịp. Nếu không anh chỉ là người bán hàng ế.

Vừa rồi, theo dõi Giải báo chí Pulitzer năm 2024, chúng tôi thấy toàn những bài viết, những thước phim, những tấm ảnh nóng bỏng được trao giải. Nghĩa là nó vô cùng mới. Đó là loạt bài xuất sắc về cuộc xung đột Hamas - Israel và nỗi thống khổ của người dân Palestine tại Dải Gaza, đăng trên tờ The Times của Mỹ và một số giải khác. Dịp này Hội đồng Giải Pulitzer cũng ra một tuyên bố đặc biệt để vinh danh các nhà báo đưa tin về cuộc xung đột kéo dài nửa năm nay.

Mới, nhưng phải chính xác, trung thực
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện

Báo chí thế giới, với những hãng tin, tờ báo, cùng những tờ báo “khét tiếng” cũng luôn bám sát các sự kiện nóng. Tin tức, bài vở hầu như không dừng một phút nào. Chuyện cuộc chiến Nga - Ukraine, chuyện “chảo lửa” Trung Đông, chuyện tranh chấp trên Biển Đông... Đương nhiên, báo chí Việt Nam cũng đã vươn tầm theo hướng nhanh hơn, mới hơn, đúng hơn và hay hơn. Câu chuyện “đốt lò” chống tham nhũng ở nước ta đang được báo chí thế giới cùng quan tâm. Chưa bao giờ trong lịch sử Đảng ta có chuyện Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư viết đơn xin thôi giữ chức vụ, vì vi phạm những điều đảng viên không được làm, vì vi phạm quy định về sự nêu gương của cán bộ cao cấp. Cái khó ở đây là, mới nhưng phải chính xác, trung thực. Phải khẳng định bản lĩnh và thái độ kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Phải định hướng được thông tin trước một biển thông tin dày đặc, nhất là thông tin qua mạng xã hội. Cùng với cái mới của thông tin là cái mới trong lý lẽ, để làm sao cho bạn đọc, công chúng báo chí hiểu được bức tranh toàn cảnh, nâng cao sức đề kháng trước những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, nhằm chia rẽ khối đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân.

Cái mới trong báo chí không hẳn chỉ là những vấn đề thời sự. Có những sự vật, hiện tượng cách đây hàng trăm, hàng nghìn năm, loài người đã biết đến, nhưng nay vẫn rất mới. Xưa như trái đất, cũ như mặt trăng mà mới vô cùng. Đầu năm 2024, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... công bố kế hoạch trong những năm tới sẽ đưa xe tự hành (rover) lên khám phá bề mặt mặt trăng và từ đây có thể tìm kiếm nguồn nước, các khoáng chất quý hiếm. Người ta đưa ra một dự báo lạc quan rằng, kho báu trên mặt trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỉ USD. Có thể khai thác từ hành tinh này đất hiếm, bạch kim, palladium, titan... Chao ôi, giấc mơ không còn xa nữa của nhà giàu khiến nhà nghèo hoảng hốt một cách hào hứng!

Bây giờ xin nói về cái thật. Một nhà báo lão thành, thầy nghề của tôi ở Báo Nhân Dân, từng nói với tôi rằng, tôi có gì đóng góp cho nghề này là ở chỗ nói thật. Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Cái thật ấy chính là sự trung thực khi quan sát, mô tả, suy ngẫm về sự thật. Bởi có khi hình thức phản ánh không đúng nội dung. Bởi không phải sự thật nào cũng bê nguyên xi đặt lên trang báo, trang báo rặt những tiền, tình, tù, tội thì có thể câu view, câu like, nhưng sẽ đầu độc bầu khí quyển xã hội. Mới đây, Viện Công nghệ Massachusettse (MIT) của Mỹ công bố một nghiên cứu khoa học: Để lan truyền thông tin đến 100 người, tin thật - do phải điều tra, kiểm chứng - phải mất một lượng thời gian gấp 6 lần so với tin giả.

Báo chí thế giới, với những hãng tin, tờ báo, cùng những tờ báo “khét tiếng” luôn bám sát các sự kiện nóng. Tin tức, bài vở hầu như không dừng một phút nào... Báo chí Việt Nam cũng đã vươn tầm theo hướng nhanh hơn, mới hơn, đúng hơn và hay hơn.

Có sự thật về cái xấu và sự thật về cái tốt. Dù nói về cái tốt hay cái xấu thì cũng phải đúng và trúng. Dành tiền xây lớp học, xây nhà văn hóa sẽ bớt tiền xây trại cai nghiện, nhà tù. Viết báo để xây, chính là để phòng ngừa, để chống. Cố nhiên, phải hài hòa, chớ có ngợi ca một chiều. Viết về sự thật như sự thật vốn có, đừng leo thang ngôn từ. Đấy chính là sự trung thực của một ngòi bút. Một nhà báo giỏi, có lương tâm, có trách nhiệm thì viết ra một tác phẩm không thể làm vừa lòng mọi người. Viết đúng sự thật, người ta có thể ghét anh mà không dám khinh anh. Nêu rõ chính kiến của anh, nhưng lấp lánh sau chính kiến ấy là quyền lợi của anh và những người thân, có thể người ta ngại anh mà không trọng anh. Giữ được cái thật quả không dễ dàng gì!

Gần đây có đồng nghiệp cho rằng, cách tuyên truyền điển hình không còn phù hợp nữa trong cơ chế thị trường. Chỗ nào cũng thấy sợ trách nhiệm, thấy đùn đẩy, né tránh, ai cũng không hài lòng nhưng rồi ai cũng giơ tay đồng ý (!). Như thế thì làm gì có động lực, làm gì có điển hình? Lại còn tuyên truyền cả vệt bài về một điển hình tiên tiến như “ngày xưa”, mơ hơi bị hoang đấy! Nước lã ra sông mất thôi.

Thưa rằng, chúng ta đang kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Không ai được lãng quên truyền thống, trong đó có truyền thống làm báo cách mạng. Chúng ta chiến thắng thực dân, đế quốc, chiến thắng đói nghèo lạc hậu là chiến thắng của truyền thống yêu nước, của văn hóa dân tộc. Tuyên truyền bằng điển hình tiên tiến là nguồn sông lớn trong dòng chảy báo chí cách mạng. Chẳng hạn trong ngành Dầu khí, chúng ta đang chứng kiến “làn sóng” chuyển dịch năng lượng trong nhiều doanh nghiệp. Cần khẳng định, đây là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng thế giới, vì thế các doanh nghiệp năng lượng Việt Nam phải nhanh chóng vào cuộc. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín với 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Đó là “vỉa quặng” quý của báo chí trong tuyên truyền điển hình.

Thời toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, thời cách mạng công nghiệp 4.0, xuất hiện không ít các cá nhân, tập thể tiêu biểu. Có những điển hình đã đang và sẽ xuất hiện. Nhà báo là nhà viết sử hiện tại và dự báo tương lai. Phát hiện nhân tố mới từ khi còn là cái nụ, cái mầm chứ không đợi đến khi nó thành cây, ra hoa, kết trái. Phát hiện nhân tố mới như tìm ra bóng râm của những tán cây lớn trong những ngày nắng lửa, bởi ở đời “lòng tốt thường quên mình như bóng mát”. Tại sao lại không thể tuyên truyền điển hình? Có người nói năm 2023 vừa qua là “Năm cao tốc”. Riêng trong năm này cả nước đã đưa vào khai thác 475km đường cao tốc. Con số đó bằng cả giai đoạn 2016-2020. Điển hình ở đó. Đây là bức tranh của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhưng tiếc rằng, các tác phẩm báo chí và cả văn học nữa nói chưa tới, nghĩ chưa thấu, viết về con số về sự kiện nhiều hơn là viết về con người - con người lao động say mê, sáng tạo, cả năm không biết tới ngày nghỉ, con người trong chiều sâu nhân văn.

Yêu cái đẹp, đó là con đường tiếp cận cái mới, đi đến tận cùng sự thật, đi đến điển hình tiên tiến. Và suy cho cùng, nghề báo là nghề làm đẹp cho cuộc đời này. Mang đến thông tin, mang đến cách nghĩ, cách làm hay, kéo thế giới gần lại, đó là trách nhiệm và hạnh phúc của người làm báo.

Một nhà báo giỏi, có lương tâm, có trách nhiệm thì viết ra một tác phẩm không thể làm vừa lòng mọi người. Viết đúng sự thật, người ta có thể ghét anh mà không dám khinh anh. Nêu rõ chính kiến của anh, nhưng lấp lánh sau chính kiến ấy là quyền lợi của anh và những người thân, có thể người ta ngại anh mà không trọng anh. Giữ được cái thật quả không dễ dàng gì!

Hải Đường