Những diễn biến nổi bật định hình bức tranh thế giới 2023
Thế giới bước vào năm 2023 với nhiều kỳ vọng, nhưng cũng ghi nhận nhiều sự kiện xảy ra trên mọi lĩnh vực và ở nhiều khu vực, từ xung đột kéo dài ở Ukraine, giao tranh bùng phát giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, cuộc nổi loạn của lực lượng Wagner ở Nga, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, đến NATO kết nạp thêm thành viên, khối BRICS mở rộng, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, Vua Charles III lên ngôi hay hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu.
Nga - Ukraine giằng co trên chiến trường
Lính Ukraine khai hỏa pháo ở Bakhmut (Ảnh: Reuters). |
Vào đầu năm 2023, phương Tây kỳ vọng chiến dịch phản công của Ukraine có thể phá vỡ sự kiểm soát của Nga ở miền Đông Ukraine và có thể cả bán đảo Crimea.
Cuộc phản công được chờ đợi của Ukraine đã bắt đầu vào đầu tháng 6 sau khi nhận được viện trợ quân sự của phương Tây. Mặc dù Ukraine tuyên bố gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga, nhưng chiến tuyến hầu như không thay đổi.
Quân đội Nga đã tận dụng khoảng thời gian mùa đông và mùa xuân để chuẩn bị lực lượng phòng thủ đáng kể. Mặc dù vẫn nhận được sự hỗ trợ của phương Tây, song Ukraine phải đối mặt với các phòng tuyến kiên cố và chướng ngại vật dày đặc của Nga trên khắp tiền tuyến.
Đầu tháng 11, giới chức quân sự hàng đầu của Ukraine mô tả tình hình chiến sự bế tắc và thừa nhận Kiev nhiều khả năng sẽ không đạt được đột phá đáng kể. Các cuộc đối thoại nhanh chóng chuyển sang vấn đề liệu Ukraine có thể duy trì, chứ chưa nói đến giành chiến thắng, trong cuộc chiến tiêu hao với Nga hay không.
Trong năm qua, Nga - Ukraine giằng co trên nhiều vùng lãnh thổ.
Vào tháng 5, Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt, tuy nhiên Ukraine cho đến nay vẫn tiếp tục nỗ lực giành lại khu vực này. Trong những tháng cuối năm, thành phố Avdiivka ở miền Đông Ukraine tiếp tục trở thành "tâm chấn" xung đột, khi cả hai bên đều dồn binh lực tới đây.
Bản đồ chiến sự tại Ukraine tính đến ngày 20/12. Nga đã tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm: Donetsk, Lugansk (vùng Donbass), Kherson và Zaporizhzhia (Đồ họa: Aljazeera). |
Máy bay không người lái (UAV) và pháo binh vẫn là vũ khí chủ lực trong các cuộc giao tranh suốt một năm qua. Ngoài ra, các vũ khí tác chiến điện tử, xuồng tự sát… cũng được Nga và Ukraine sử dụng trong các cuộc tấn công. Cầu Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga nhiều lần trở thành mục tiêu bị tập kích, buộc Moscow phải có biện pháp ứng phó.
Mặc dù chịu tổn thất nặng nề, song Nga đã tăng gấp đôi số lượng quân ở Ukraine vào mùa thu năm 2023 so với thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự và nền kinh tế Nga đang trên đà thích ứng với điều kiện chiến tranh. Trong khi đó, tâm lý mệt mỏi với chiến sự Ukraine đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ khi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ngần ngại gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Với các xu hướng dài hạn có thể nghiêng về phía Nga, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Ukraine chuyển từ tấn công sang phòng thủ và tìm kiếm lệnh ngừng bắn.
Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán, với điều kiện Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", bao gồm 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 và bán đảo Crimea. Trong khi đó, Ukraine khẳng định chỉ đàm phán khi Nga rút quân và chấp thuận công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.
Bùng phát xung đột đẫm máu Israel - Hamas
Người Palestine bật khóc trước sự mất mát của người thân ở Dải Gaza khi chiến sự bùng phát (Ảnh: AP). |
Vào cuối tháng 9, tình hình Trung Đông được kỳ vọng có nhiều tín hiệu tích cực khi hiệp định Abraham đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Israel và các nước Ả rập. Nhiều ý kiến suy đoán rằng Ả rập Xê út có thể sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Một lệnh ngừng bắn trong cuộc nội chiến ở Yemen được duy trì. Những xu hướng này khiến Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố: "Khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với hai thập niên trước".
Tất cả những điều trên đã thay đổi vào ngày 7/10, khi phong trào Hamas của Palestine mở chiến dịch tấn công vào Israel. Khoảng 1.200 người Israel đã thiệt mạng, ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel. Ngoài ra, khoảng 240 người bị Hamas bắt làm con tin.
Để đáp trả, với quyết tâm xóa sổ Hamas, Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza và mở chiến dịch quân sự ở miền bắc Gaza. Một lệnh tạm dừng giao tranh vào cuối tháng 11 đã đảm bảo việc thả khoảng 100 con tin. Tuy nhiên, giao tranh nhanh chóng tiếp tục khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực và quân đội Israel tiến vào miền Nam Gaza.
Số người chết tăng vọt (hơn 17.000 người) đối với dân thường Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên toàn thế giới rằng Israel đang phạm tội ác chiến tranh. Israel phủ nhận cáo buộc, cho rằng Hamas đang sử dụng dân thường Palestine làm lá chắn sống.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ quyền đáp trả của Israel và đã tới Israel ngay từ đầu cuộc xung đột. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, các quan chức Mỹ đã công khai kêu gọi Israel hành động nhiều hơn để bảo vệ dân thường, nếu không sẽ có nguy cơ "thất bại chiến lược".
Sau khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra, một số nhóm được Iran hậu thuẫn như Hezbollah (Li Băng) hay Houthi (Yemen) đã tăng cường tấn công Israel. Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng hàng loạt khí tài khác tới Trung Đông, trong bối cảnh các căn cứ quân sự của Mỹ bị tấn công dồn dập ở Syria, Iraq.
Những lo ngại ban đầu rằng xung đột với Gaza có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn đã giảm bớt vào cuối năm, nhưng không biến mất. Cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Trung
Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California vào tháng 11 (Ảnh: Reuters). |
Đầu năm 2023, căng thẳng Mỹ - Trung dường như đã hạ nhiệt. Tháng 11/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hiệu quả bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia.
Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến sẽ đến thăm Bắc Kinh vào tháng 2 để thảo luận về việc đặt "hàng rào bảo vệ" trước sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng giữa hai nước.
Tuy nhiên sau đó, một khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ, mà Washington cáo buộc là thiết bị do thám. Khinh khí cầu trôi dạt khắp nước Mỹ trong một tuần trước khi bị máy bay chiến đấu F-22 Raptor của không quân Mỹ bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu đã bị gió thổi lệch khỏi lộ trình ban đầu khi đang theo dõi thời tiết, nhưng Mỹ bác bỏ lời giải thích này.
Vụ việc đã thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung, khiến Ngoại trưởng Blinken phải hoãn chuyến thăm Bắc Kinh. Điều đáng lo ngại nhất là các quan chức Trung Quốc đã từ chối nhận cuộc gọi từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, cho thấy rõ việc thiếu một kênh liên lạc được thiết lập giữa hai siêu cường.
Ngoại trưởng Blinken cuối cùng đã tới Bắc Kinh vào tháng 6 để tham dự các cuộc hội đàm mà phía Washington cho là "mang tính xây dựng". Tuy vậy, các cuộc đối thoại này không ngăn Mỹ áp đặt các hạn chế bổ sung về thương mại với Trung Quốc hoặc thuyết phục Bắc Kinh giảm bớt hành vi gây căng thẳng đối với Đài Loan, Philippines hoặc lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cuối cùng có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Diễn đàn các nhà lãnh đạo APEC 2023 ở San Francisco hồi tháng 11. Các cuộc hội đàm đã đạt được một số thỏa thuận nhỏ, nhưng không có bước đột phá lớn. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất đồng, sẵn sàng leo thang căng thẳng bất cứ lúc nào.
Cuộc nổi loạn gây rúng động của Wagner
Thành viên Wagner rút khỏi Rostov vào đêm 24/6 sau vụ nổi loạn quân sự (Ảnh: Reuters). |
Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân Nga, là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Moscow ở miền Đông Ukraine, đặc biệt tại chiến trường Bakhmut.
Mối quan hệ giữa Wagner và quân đội Nga trở nên căng thẳng khi Wagner cho rằng Moscow không cung cấp đầy đủ vũ khí, đạn dược khiến họ tổn thất lớn về nhân lực. Wagner bất ngờ rút quân khỏi Ukraine từ tháng 5.
Căng thẳng leo thang vào tuần cuối tháng 6 khi quân đội Nga bị cáo buộc tập kích tên lửa vào các đơn vị của Wagner. Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner, đã đưa 25.000 lính Wagner từ chiến trường Ukraine thực hiện hành trình "đòi công lý". Lực lượng này chiếm các cơ sở quân sự của Nga ở Rostov-on-Don và tiếp tục tiến về thủ đô Moscow trước khi quay đầu về căn cứ theo thỏa thuận vào phút chót.
Với vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Belarus, Wagner đã đồng ý rút quân về doanh trại. Ông trùm Prigozhin và hàng nghìn thành viên Wagner đồng ý chuyển đến Belarus. Đổi lại, Nga cam kết hủy điều tra hình sự ông trùm Wagner, đảm bảo an toàn cho ông Prigozhin cùng một số nhượng bộ khác.
Ngày 23/8, Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga thông báo, một máy bay tư nhân Embraer Legacy 600 đã rơi ở vùng Tver chỉ khoảng 30 phút sau khi cất cánh từ Moscow đến thành phố St. Petersburg. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 10 người trên khoang thiệt mạng, trong đó có ông trùm Prigozhin và một số chỉ huy cấp cao của Wagner.
Số phận của Wagner trở nên khó đoán định sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga, đặc biệt sau cái chết của ông trùm Prigozhin. Một số nguồn tin cho biết sau những biến cố này, lực lượng Wagner cũng bắt đầu rút dần khỏi Belarus
Sự xuất hiện của Wagner ở Belarus, một đồng minh của Nga, gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng, bao gồm các thành viên NATO như Ba Lan, Estonia. Các nước này đề nghị Belarus trục xuất Wagner.
Căng thẳng trên Biển Đông
Một tàu tuần duyên Mỹ tham gia tập trận ở Biển Đông hồi tháng 6 (Ảnh: AFP). |
Trong năm 2023, khu vực Biển Đông tiếp tục ghi nhận những vụ việc căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn, trong đó có các vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines hay vụ Philippines cắt dây phao Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng ghi nhận các vụ chạm trán ở Biển Đông trong năm qua.
Các vụ việc cho thấy mức độ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong động thái của các bên cũng như quy mô căng thẳng có xu hướng tăng cường và mở rộng. Tuy vậy, các bên vẫn nỗ lực kiểm soát tình hình, tránh xảy ra xung đột trực diện tại khu vực này.
Trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn ở Biển Đông, các nước trong và ngoài khu vực vẫn tiếp tục có những động thái nhằm kêu gọi giảm thiểu căng thẳng, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Nhóm G7, trong đó có Mỹ, đã ra tuyên bố chung cảnh báo Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) cũng lên án hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự quan tâm đến việc thúc đẩy tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khuyến khích các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến thăm hải quân và các hoạt động diễn tập chung.
Mỹ tiếp tục điều các tàu chiến tới Biển Đông, trong đó có nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, tàu khu trục USS Milius, tàu khu trục USS Hopper nhằm hiện thực hóa các cam kết đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ cũng tiến hành các cuộc tuần tra chung và tập trận trên Biển Đông với sự tham gia của các nước. Các tàu chiến của Nhật Bản đã tham gia diễn tập cùng hải quân và không quân Australia trên Biển Đông. Các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng lần đầu tổ chức diễn tập chung trên Biển Đông.
Mặc dù tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp và Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục có những động thái cứng rắn, song trong năm qua, đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc cũng ghi nhận tiến triển trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đồng thời ASEAN cũng nhấn mạnh yếu tố lòng tin trong xử lý vấn đề Biển Đông.
Đây được xem là những tín hiệu tích cực trong việc giải quyết vấn đề này.
NATO kết nạp Phần Lan, Thụy Điển chờ "nối gót"
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ Antony Blinken (phải) sau khi trao văn kiện gia nhập NATO dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP). |
Phần Lan ngày 4/4 đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, liên minh quân sự duy nhất trên thế giới và từ đây trở thành thành viên NATO có đường biên giới dài nhất với Nga.
Việc gia nhập NATO đánh dấu sự kết thúc đường lối trung lập về quân sự của Phần Lan trong suốt 80 năm qua, đồng thời đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập niên.
Bởi vì sau khi gia nhập, các thành viên của Lực lượng vũ trang Phần Lan sẽ trở thành một phần trong cơ cấu chỉ huy quân sự của NATO, sẽ có đại diện trong các cơ quan của liên minh và được triển khai trong các nhiệm vụ quân sự.
Chặng đường gia nhập lần này của Phần Lan là ngắn nhất trong lịch sử NATO khi chỉ mất 11 tháng để trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự này.
Phần Lan cùng Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Ngày 5/7/2022, toàn bộ 30 nước thành viên NATO đã ký Nghị định thư về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Chỉ sau 2 tháng, đã có 28 quốc gia thành viên phê chuẩn Nghị định thư. Hồi cuối tháng 3, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chấp thuận việc kết nạp Phần Lan.
Tuy nhiên, Thụy Điển không được kết nạp trong cùng đợt với Phần Lan vì vấp phải sự phản đối gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Ankara nhiều lần đề nghị Stockholm phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại Đảng công nhân người Kurd (PKK) mà nước này xem là "những phần tử khủng bố" và có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Để trở thành thành viên của NATO, một quốc gia cần nhận được sự chấp thuận của tất cả thành viên trong khối. Vì vậy, theo các chuyên gia, triển vọng gia nhập NATO của Thụy Điển lại khá mịt mờ. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây đã bày tỏ lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm tiếp bước nước láng giềng Phần Lan trên con đường này.
Khối BRICS sẽ kết nạp 6 thành viên mới
Các nhà lãnh đạo Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Ngoại trưởng Nga chụp ảnh chung trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 hồi tháng 8 (Ảnh: CFR). |
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi diễn ra hồi tháng 8 trở thành hội nghị lịch sử của nhóm khi có đến 6 quốc gia mới được mời gia nhập khối.
Việc kết nạp thêm 6 thành viên mới gồm Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Argentina, Ai Cập, Iran và Ethiopia được ví như "hổ mọc thêm cánh", giúp nâng tầm vị thế và tầm ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế.
Nhóm BRICS ra đời năm 2009 với 4 quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi vào năm 2010. Với 5 thành viên này, BRICS có tổng số dân chiếm 40% dân số thế giới và tổng GDP chiếm 25% GDP toàn cầu. Khi mở rộng thêm, số thành viên của nhóm BRICS sẽ nâng lên thành 11.
Theo các nhà quan sát, việc kết nạp 3 cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Ả rập Xê út, UAE và Iran sẽ mang lại khả năng thanh khoản tiềm năng cho các thành viên BRICS với kế hoạch chiến lược là sử dụng nội tệ trong thanh toán. Trong khi đó, Ai Cập, Ethiopia và Argentina là những quốc gia có dân số đang bùng nổ và vị trí địa chiến lược quan trọng, có thể đảm bảo các dự án của khối trong tương lai.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và khu vực là những tiêu chí BRICS dựa vào để lựa chọn 6 thành viên đợt này.
6 quốc gia trên dự kiến trở thành thành viên đầy đủ của BRICS từ ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, tân Tổng thống Argentina Javier Milei, người nhậm chức hôm 10/12, đã tỏ ra không mặn mà đưa đất nước ông gia nhập khối này.
Vua Charles III lên ngôi
Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla vẫy tay chào người dân từ ban công Cung điện Buckingham sau Lễ đăng quang hồi tháng 5/2023 (Ảnh: EPA). |
Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhất trong năm 2023 là lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III. Bởi lẽ, đã 70 năm trôi qua, đây là lần đầu tiên nước Anh mới chứng kiến một lễ đăng quang của người đứng đầu Hoàng gia.
Đây cũng là lễ đăng quang vô cùng đặc biệt, lễ đăng quang đầu tiên diễn ra trong kỷ nguyên số với sự phát triển của mạng xã hội nên thu hút sự quan tâm và theo dõi quy mô lớn trên toàn thế giới. Lễ đăng quang lần này cũng chứng kiến sự có mặt của 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
So với lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953, quy mô cử hành lễ đăng quang lần này được tổ chức giản dị hơn trước, làm nổi bật sự hiện đại và phù hợp với tình hình kinh tế ở trong nước, nhưng vẫn giữ những nghi thức truyền thống đã tồn tại hơn 1.000 năm qua.
Khi còn ở cương vị Thái tử, Vua Charles III đã sáng lập gần 20 tổ chức từ thiện, đồng thời là người bảo trợ, chủ tịch của hơn 400 tổ chức khác nhau, từ đó đã giúp gây quỹ hơn 100 triệu bảng Anh mỗi năm cho các hoạt động có ảnh hưởng tốt tới cộng đồng.
Vì vậy, ngay sau khi đăng quang, Vua Charles III được kỳ vọng sẽ giúp chế độ quân chủ hơn 1.000 năm tuổi của Anh có một diện mạo mới, đồng thời được kỳ vọng sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động xã hội, đưa hình ảnh Hoàng gia Anh đến gần hơn với công chúng.
Sau hơn 6 tháng lên ngôi, giới chuyên gia cho rằng, Vua Charles III đã tạo ra được những dấu ấn tích cực, giúp giữ vững được vị thế của Hoàng gia và chế độ quân chủ như một biểu tượng chính trị và văn hóa của nước Anh.
Hơn 50.000 người thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Ông Mesut Hancer nắm tay cô con gái 15 tuổi đã thiệt mạng trong trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP). |
Trận động đất có cường độ 7,8 làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tây bắc Syria ngày 6/2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong vòng 100 năm qua tại châu Âu. Đây cũng là một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận động đất kéo theo hàng trăm cơn dư chấn đã được ghi nhận ở 11 tỉnh trên khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các quốc gia láng giềng, trong đó chủ yếu là Syria.
Trận động đất đã gây hậu quả thảm khốc khi đã cướp đi hơn 50.000 sinh mạng. Trong đó, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 44.000 và Syria ghi nhận gần 6.000 người chết. Trong khi đó, hàng chục nghìn người bị thương, hơn 160.000 tòa nhà với 520.000 căn hộ đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng. Theo báo cáo do Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ công bố, tổng thiệt hại do thảm họa này đã vượt quá 105 tỷ USD.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng cử lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cũng như hàng hóa, thuốc men để trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất.
Sau thảm họa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch "đại tái thiết" khu vực nhằm xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, công tác tái thiết sau đó đối mặt nhiều thách thức do tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Thỏa thuận lịch sử tại hội nghị COP28
Các quan chức dự phiên thảo luận tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP28 ở Dubai vào ngày 5/12 (Ảnh: Reuters). |
Kéo dài từ ngày 30/11 tới ngày 13/12 tại Dubai, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) kết thúc với việc đại diện của gần 200 quốc gia nhất trí giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu nhằm ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Nội dung thỏa thuận kêu gọi "chuyển dịch khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng theo cách công bằng, có trật tự và hợp lý... để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 phù hợp với khoa học".
Thỏa thuận này cũng kêu gọi tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, tăng tốc giảm sử dụng than và đẩy nhanh nghiên cứu các công nghệ (như thu hồi và lưu trữ carbon) có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử cacbon.
Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP) kết thúc với lời kêu gọi toàn cầu giải quyết nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng khí hậu: Nhiên liệu hóa thạch.
Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là "lịch sử", nhưng nhấn mạnh rằng thành công thực sự của thỏa thuận nằm ở khâu thực hiện. "Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để biến thỏa thuận này thành hành động thực chất", ông phát biểu trong phiên họp toàn thể ngày 13/12 tại hội nghị thượng đỉnh COP28.
COP28 cũng đã giành được chiến thắng ngay ngày mở đầu khi các đại biểu nhất trí lập quỹ mới giúp nước nghèo đối phó thảm họa khí hậu tốn kém. Quỹ này - có tên Quỹ Thất thoát và Thiệt hại - đã nhận được một số khoản đóng góp, bao gồm 245,39 triệu USD từ EU, 100 triệu USD từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), và 17,5 triệu USD từ Mỹ…
Tuy nhiên, COP28 vẫn gây tranh cãi vì một số vấn đề, trong đó có việc chọn UAE - nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn - làm chủ nhà hội nghị.
Thỏa thuận cuối cùng cũng được cho là yếu vì các nước phải thỏa hiệp với cụm từ "chuyển dịch khỏi" nhiên liệu hóa thạch, thay vì dùng từ mạnh hơn là "giảm dần". Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ đã không ký vào cam kết tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo.
Theo Dân trí
Một số vấn đề nổi bật của thế giới hiện nay |
Bức tranh thế giới năm 2023 và triển vọng năm 2024 |
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ