Châu Âu có thể đón nhận một cuộc khủng hoảng mới sau "cú sốc" do xung đột Nga - Ukraine
Giới chuyên gia nhận định rằng, vẫn còn nhiều yếu tố có khả năng gây bất ổn cho "Lục địa già", có thể đẩy khu vực này quay lại một cuộc khủng hoảng mới.
Thực tế cho thấy, Châu Âu rất dễ bị tổn thương về năng lượng. Đáng tiếc là những thách thức vẫn chưa kết thúc và không thể đánh giá thấp rủi ro xảy ra sự cố.
Thời điểm hiện tại, sự lạc quan dựa trên thực tế là bất chấp các đợt rét đậm của mùa Đông năm nay, Châu Âu vẫn ổn định nhờ trữ lượng khí đốt cao. Ngay cả khi xung đột Israel - Palestine leo thang vào tháng 10/2023, tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ dường như không ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của châu Âu.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí châu Âu tại HSBC Holdings, Kim Fustier nhận định: "Đây là mùa đông thứ hai Châu Âu không có khí đốt của Nga. Thực tế là mùa đông 2022-2023 trôi qua mà không có vấn đề gì lớn xảy ra".
Trading Economics nhận định nhu cầu tổng thể về khí đốt yếu và sẽ vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Do đó, Châu Âu dự kiến bước vào mùa Xuân với hơn 50% công suất lưu trữ khí đốt dưới lòng đất.
Trước đó, trong một báo cáo hồi cuối năm 2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đánh giá rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một "cú sốc năng lượng lớn và mang tính lịch sử" đối với thị trường.
Đây là một trong những yếu tố chính khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 giảm xuống còn 3,1%.
Trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, các dự báo ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ vào khoảng 5%. Trong báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái, OECD dự báo GDP toàn cầu 2023 sẽ ở mức 3%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả dưới trung bình, đánh dấu mức tăng trưởng hằng năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009), trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch đại dịch Covid-19.
"Cú sốc" năng lượng do xung đột Nga - Ukraine gây ra đã làm thay đổi dòng chảy năng lượng toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, từ thời Liên Xô cho đến thời điểm xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Nga và phần lớn châu Âu có mối quan hệ ràng buộc về hydrocarbon. Nga cần thị trường năng lượng ổn định để xuất khẩu dầu khí, châu Âu muốn nguồn năng lượng được cung cấp trực tiếp qua các đường ống dẫn, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông - một thị trường không ổn định với nguồn cung được vận chuyển bằng tàu biển.
Năm 2022, trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, 60% lượng dầu mỏ và 74% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga là sang châu Âu.
Với sự phụ thuộc lớn ấy, việc châu Âu từ bỏ khí đốt của Nga là điều không dễ dàng. Một số giải pháp thay thế trên thực tế đã phải trả giá bằng các mục tiêu giảm phát thải, vì một số nước châu Âu đã tăng cường sản xuất điện than.
Nhiều dự đoán cho rằng hiện tượng giá xăng giảm sẽ sớm chấm dứt và các nước Châu Âu cũng như Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng mới trong những tháng tới.
Ông Balint Koncz, người đứng đầu bộ phận kinh doanh khí đốt tại MET International ở Thụy Sĩ nói: "Chỉ cần nhìn vào giá cả, có vẻ như cuộc khủng hoảng đã kết thúc. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phụ thuộc vào các yếu tố toàn cầu, điều này có thể thay đổi nhanh chóng".
Mặc dù thị trường ghi nhận các khoản đầu tư quốc tế lớn đổ vào việc tạo ra các tuyến trung chuyển LNG, hầu hết công suất khai thác mới sẽ không có sẵn cho đến năm 2025 - 2026. Và thỏa thuận về tuyến trung chuyển cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine đến các nước Trung và Tây Âu sẽ hết hạn vào cuối của năm 2024.
Ukraine đã phát tín hiệu sẽ không tham gia đàm phán với Nga về việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt. Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây cho biết, Nga có thể sử dụng các tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống tới châu Âu nếu thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại giữa Nga và Ukraine không được gia hạn vào cuối năm 2024.
Việc đóng cửa tuyến trung chuyển sẽ làm giảm nguồn cung cấp khí đốt. Hơn nữa, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây căng thẳng cho các hệ thống năng lượng và có thể làm tăng nhu cầu về LNG. Theo nguồn tin từ trang Politico, việc Chính phủ Mỹ đang xem xét lại chiến lược xuất khẩu khí đốt tự nhiên liên quan đến khí hậu đang khiến ngành năng lượng vốn rất mong manh của Châu Âu lo sợ.
Nếu Bộ Năng lượng Mỹ dừng phê duyệt giấy phép xuất khẩu LNG có nguy cơ chặn các dự án mà châu Âu phụ thuộc vào để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Đối với EU, đây sẽ là một "cú sốc", do từ năm 2023, khối này đã tăng gấp ba lần lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, đạt 60 tỷ m3.
Bình An
Tổng hợp
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi
-
Giá dầu hôm nay (21/10): Dầu thô giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/10: Giá dầu sáng nay tăng nhẹ