Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/10/2022
Kho dự trữ khí đốt của Đức đã đạt mức 95%, sớm hơn so với dự kiến ban đầu là vào tháng 11. Ảnh: NNN.news |
Bộ Công Thương đề xuất dừng phát triển 6.800 MW nhiệt điện than
Bộ Công Thương vừa có Tờ trình số 6328 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, Bộ đề xuất dừng phát triển 5 dự án với 6.800 MW nhiệt điện than đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn và và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối.
“Nhưng để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng, chấm dứt các dự án. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ”, Bộ Công Thương thông tin.
Mới đây, báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, dù đánh giá việc triển khai tiếp 6.800 MW nhiệt điện than rất khó khăn, song, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. 5 dự án nói trên gồm: Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).
EU khởi động dự án kết nối lưới điện Á - Âu
Ngày 14/10, CH Cypus đã khởi động một dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm kết nối mạng lưới điện giữa châu Âu và châu Á. Với khoản đầu tư lên tới 2,5 tỷ euro (2,4 tỷ USD), dự án có tên "EuroAsia Interconnector" có 2 giai đoạn gồm kết nối mạng lưới điện của Israel, Cyprus và Hy Lạp và truyền tải điện từ các nguồn điện tái tạo tại Israel tới châu Âu.
Thông cáo của Ủy ban châu Âu cho biết ở giai đoạn 1, chi phí xây dựng hạ tầng ước tính khoảng 1,57 tỷ euro và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2026. Việc lắp đặt hệ thống cáp điện dưới biển giữa Ai Cập và châu Âu thông qua Cyprus sẽ được thúc đẩy trong tương lai gần.
EuroAsia Interconnector được xem là dự án đường cáp điện dưới biển dài và sâu nhất thế giới. Tuyến kết nối này bao gồm 1.200 km cáp dưới biển ở độ sâu 3.000 m với công suất tối đa là 2.000 megawatt, nối từ Israel đến Cyprus và đảo Crete của Hy Lạp. Nguồn điện tái tạo từ Israel sẽ được truyền tải đến các nước EU thông qua Ai Cập và lưới điện của Hy Lạp. Dự kiến, tuyến kết nối này có thể đưa vào vận hành vào nửa đầu năm 2028.
Ai Cập, Israel, Palestine thúc đẩy hợp tác sản xuất khí đốt
Trong bối cảnh Israel và Liban giải quyết tranh chấp liên quan tới các mỏ khí đốt ở Địa Trung Hải, Ai Cập thúc đẩy hợp tác với Israel và Palestine hướng tới khai thác khí tự nhiên ngoài khơi Dải Gaza. Một quan chức Palestine giấu tên cho hay Ai Cập, Israel và Palestine có thể đạt được một thỏa thuận và Palestine sẽ thu được lợi ích khổng lồ sau hơn 2 năm bắt đầu thăm dò.
Các băng rôn có dòng chữ "Khí đốt của chúng tôi là quyền của chúng tôi" bằng cả tiếng Anh và Arab đã xuất hiện ở cảng cá của thành phố Gaza, kêu gọi Ai Cập và Israel khôi phục kế hoạch phát triển các mỏ khí Marine 1 và 2 ở Địa Trung Hải.
Chính quyền Palestine (PA) năm 1999 đã trao quyền cho công ty năng lượng British Gas tiến hành thăm dò khí đốt tại khu vực, nhưng sau đó công ty này đã rút khỏi hợp đồng. Công ty Shell năm 2016 nhận thầu nhưng 2 năm sau cũng rút đi do Israel phản đối và một số tranh chấp khác. Kể từ đó đến nay Palestine vẫn tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án trị giá 1,1 tỷ USD nhằm khai thác khoảng 28 tỷ mét khối khí tự nhiên.
Đức lấp đầy kho dự trữ khí đốt sớm hơn dự kiến
Ngày 14/10, hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết kho dự trữ khí đốt của nước này đã đạt mức 95%, sớm hơn so với dự kiến ban đầu là vào tháng 11.
Theo AFP, chính phủ Đức đã áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng trong nhiều tuần qua, đồng thời việc tìm được các nguồn cung năng lượng từ các nhà cung cấp khí đốt mới như Na Uy, Mỹ, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã giúp Berlin tăng mức dự trữ đáng kể.
Ông Habeck cho biết thêm, dự trữ khí đốt của nước này hồi tháng 10/2021, vài tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là 72%. Hồi tháng 7, chính quyền Berlin đề ra một loạt biện pháp để tăng dự trữ khí đốt lên mức 95% vào tháng 11.
Đức, Thụy Điển và Đan Mạch từ bỏ việc điều tra chung về vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Nord Stream
Sáng 14/10, kênh truyền hình ARD của Đức dẫn một số nguồn tin trong Chính phủ nước này cho biết Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đã từ bỏ kế hoạch điều tra chung về vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream và mỗi nước sẽ thực hiện riêng.
Theo báo Đức, ngay sau khi phát hiện có rò rỉ ở các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic, giới chức Đức đã quyết định vào cuộc truy tìm thủ phạm gây ra các sự cố. Tuy nhiên, Thụy Điển từ chối thành lập một đội điều tra chung để điều tra sự việc. Phía Thụy Điển cho rằng vì yêu cầu bảo mật đối với kết quả điều tra quá cao nên không thể chia sẻ với các nước khác.
Vì tính chất nghiêm trọng của vụ rò rỉ, Cơ quan Công tố liên bang Đức đã tiến hành các thủ tục điều tra, coi đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào nguồn cung năng lượng, có thể tác động tới an ninh bên ngoài và nội địa của Đức. Ngày 14/10, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết, Cảnh sát Liên bang Đức đã hoàn tất điều tra tại hiện trường.
Mỹ muốn đạt thỏa thuận giải quyết tranh chấp năng lượng với Mexico
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 14/10 tuyên bố Mỹ đã quyết định không yêu cầu lập hội đồng giải quyết khác biệt về chính sách năng lượng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), mà thay vào đó mong muốn đạt thỏa thuận với Mexico về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Mexico cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiến triển.
Trước đó, ngày 20/7, Washington đã yêu cầu Mexico mở cuộc tham vấn, với lập luận rằng các chính sách năng lượng của chính quyền Tổng thống Andrés Manuel López Obrador ưu tiên cho các dự án của tập đoàn dầu khí quốc doanh Pemex và Ủy ban Điện lực Quốc gia (CFE) và ngăn cản các công ty Mỹ, bao gồm cả các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và điện gió, tiếp cận thị trường Mexico.
Canada cũng chia sẻ quan điểm này và đưa ra yêu cầu tương tự đối với Mexico. Thời hạn tham vấn ban đầu đã kết thúc vào ngày 3/10 vừa qua.
Anh sẽ xây dựng nhà máy năng lượng nhiệt hạch đầu tiên vào năm 2040
Anh có kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng nhiệt hạch đầu tiên vào năm 2040. Thông tin trên được Bộ trưởng Kinh doanh Anh Jacob Rees-Mogg công bố tại hội nghị của đảng Bảo thủ Anh. Theo Bộ trưởng Rees-Mogg, nhà máy nói trên sẽ được xây dựng ở Nottinghamshire, miền Trung nước Anh, thay thế một nhà máy điện than ở khu vực này.
Bộ trưởng Rees-Mogg nhấn mạnh: "Đây sẽ là nhà máy đầu tiên thuộc loại này, được xây dựng vào năm 2040, và có khả năng sản xuất điện năng hòa vào lưới điện. Điều này sẽ chứng minh với thế giới tính khả thi về mặt thương mại của năng lượng nhiệt hạch".
Không giống công nghệ phân hạch hạt nhân hiện nay, phản ứng nhiệt hạch mô phỏng quá trình ở lõi của các ngôi sao, tạo ra năng lượng sạch có thể tái tạo mà không xả chất thải độc hại. Nhiệt hạch không tạo ra khí nhà kính và có thể tạo ra năng lượng gấp bốn triệu lần so với than, dầu hoặc khí đốt mà không giải phóng khí độc hại.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/10/2022 |
T.H (t/h)
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VI)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4