Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/10/2022
Lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moscow có thể tăng nguồn cung trong mùa đông tới. Ảnh minh họa: TASS |
Pháp lần đầu tiên trực tiếp cung cấp khí đốt cho Đức
Tập đoàn điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Pháp - GRTgaz - sáng 13/10 cho biết, đã chính thức cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức. Khí đốt được vận chuyển từ thành phố Obergailbach thuộc tỉnh Moselle của Pháp nằm sát biên giới Pháp - Đức đến điểm kết nối vào hệ thống khí đốt của Đức.
Công suất vận chuyển là 31 Ggwh mỗi ngày và có thể tăng lên tối đa 100 Ggwh mỗi ngày nếu cần thiết. Phía nhà cung cấp của Pháp đánh giá đây là sự kiện lịch sử vì trước đây nước này luôn phải cung cấp khí đốt cho Đức thông qua hệ thống đường ống của Bỉ.
Việc Pháp cung cấp khí đốt cho Đức được thực hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa có dấu hiệu suy giảm khi các nước châu Âu không chỉ phải lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt sưởi ấm cho mùa đông mà còn đang chật vật ứng phó với việc giá năng lượng tăng cao gấp nhiều lần so với trước kia. Trong các nước châu Âu, Pháp đã sớm hoàn tất việc trữ đầy 100% kho dự trữ khí đốt và được cho là có nhiều lợi thế hơn Đức trong nguồn cung năng lượng nhờ số lượng nhà máy điện hạt nhân đông đảo.
Nga khẳng định đủ sức cung cấp khí đốt cho EU
Tại phiên họp toàn thể "Năng lượng toàn cầu trong thế giới đa cực" diễn ra ngày 12/10 trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Tuần Năng lượng Nga lần thứ 5 (REW 2022) ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu theo nhánh đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 còn nguyên vẹn.
Ông Putin cho biết: “Công suất của Dòng chảy phương Bắc 2 là 27,5 tỉ m3/năm, tương đương khoảng 8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Nga sẵn sàng khởi động nguồn cung này”. Thậm chí, lãnh đạo Nga nhấn mạnh Moscow có thể tăng nguồn cung trong mùa đông tới.
Liên quan đến sự cố tại các tuyến Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng thống Putin cho rằng đây là hành động tấn công khủng bố. Tổng thống Nga cũng bày tỏ rất lấy làm tiếc khi Nga không được tham gia điều tra vụ rò rỉ đường ống. “Nhưng đường ống vẫn có áp suất đồng nghĩa vẫn ở trong điều kiện có thể vận hành” - ông Putin khẳng định.
Pháp kêu gọi Mỹ giảm giá LNG
Tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington ngày 12/10, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire đã thúc giục Mỹ đưa ra mức giá rẻ hơn cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Trước đó, ngày 5/10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc các nước, trong đó có Mỹ, áp giá khí đốt quá cao trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang vật lộn để tái cân bằng năng lượng trong bối cảnh không có nguồn cung từ Nga.
Bộ trưởng Habeck kêu gọi EU hợp tác mua khí tự nhiên nhằm giảm giá cả. Theo ông, khối này nên “tập hợp sức mạnh thị trường của mình và đặt lệnh mua một cách thông minh, kết hợp giữa các quốc gia để từng nước thành viên không phải trả giá cao hơn nước khác”.
Nga, Saudi Arabia bảo vệ quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày của OPEC+
Phát biểu tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga ngày 12/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) chỉ nhằm mục đích cân bằng thị trường toàn cầu, theo hãng thông tấn Nga TASS.
Cùng ngày, theo tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, nước này cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu là quyết định thuần túy về kinh tế, nói rằng nó phục vụ lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, hãng Reuters đưa tin.
Trước đó, vào ngày 5/10, các nước OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 11 (so với mức tháng 8). Động thái này ngay lập tức được phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tán dương là hành động mang tính công bằng và thấu đáo, giúp xoa dịu tình trạng thị trường hỗn loạn do Mỹ tạo ra.
“Ông lớn” khí đốt Nga không bán dầu cho các quốc gia áp đặt mức giá trần
Ngày 12/10, phát biểu bên lề Tuần lễ Năng lượng Moskva, ông Alexender Dyukov - người đứng đầu Gazprom Neft cho hay tập đoàn này không có ý định cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt mức giá trần. “Như Alexander Valentinovich (Phó Thủ tướng Novak) đã nói ngày hôm nay, nếu mức giá trần được đưa ra, thì chúng tôi sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia áp đặt mức giá trần này”, ông Duykov nói.
Ông Alexey Miller dự báo giá dầu vẫn ổn định trong khoảng từ 80-100 USD/thùng trong một thời gian dài. Ông cũng cho biết, theo ước tính của Gazprom, châu Âu có thể thiếu khoảng 800 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, tương đương một phần ba tổng lượng tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga do liên quan tới tình hình tại Ukraine, bao gồm khung pháp lý để áp đặt giá trần đối với dầu của Nga, cũng như hạn chế vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu bằng đường biển tới các nước thứ ba.
Hungary đạt thỏa thuận hoãn thanh toán tiền mua khí đốt của Nga
Sau cuộc hội đàm diễn ra ngày 12/10 tại Moscow với người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Alexei Miller, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto công bố, Budapest đã đạt được thỏa thuận cuối cùng với Gazprom về việc hoãn thanh toán tiền mua khí đốt của Nga.
Ông Szijjarto xác nhận: “Để cải thiện điều kiện tài chính, Giám đốc điều hành của Akaszt Meg Sport sẽ ký thỏa thuận trả chậm (tiền mua khí đốt của Nga) vào ngày mai (13/10), để các điều khoản thanh toán của chúng tôi trở nên thuận lợi hơn”.
Nguồn cung khí đốt của Nga cho Hungary sẽ được chuyển từ tuyến phía Tây sang phía Nam thông qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream).
Nga vẫn thu được lợi nhuận với mức giá trần 60 USD/thùng dầu
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 12/10 cho biết, giới hạn giá 60 USD/thùng áp lên dầu xuất khẩu của Nga có thể đủ để làm giảm doanh thu từ ngành năng lượng của Moskva, trong khi vẫn cho phép hoạt động sản xuất dầu có lãi.
Phát biểu trên của bà Yellen được đưa ra trong hội nghị chung do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức ở Washington. Vị bộ trưởng lưu ý rằng Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang thảo luận về xác định mức giá cho một cơ chế giới hạn nhằm trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong khi vẫn duy trì nguồn dầu thô của nước này trên thị trường toàn cầu.
Theo bà Yellen, các công ty năng lượng Nga đã sản xuất và bán dầu trong phạm vi 60 USD/thùng trong 5 đến 7 năm qua. Vì vậy, một mức giá trong phạm vi đó sẽ đủ để khiến Nga cảm thấy họ có thể sản xuất và bán dầu có lãi. Bà Yellen còn nói thêm rằng chi phí sản xuất của Nga là "thấp". Dầu thô Urals của Nga gần đây đã giao dịch ở mức khoảng 75 USD/thùng, cho thấy mức chênh lệch lên tới 17 USD so với giá dầu Brent kỳ hạn.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/10/2022 |
T.H
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VI)
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3