Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam, dự báo GDP tăng 6,9-7%
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC vừa công bố, định chế tài chính này thông báo tăng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,6% lên 6,9%, có khả năng đứng đầu toàn khu vực ASEAN.
Khối nghiên cứu của HSBC đánh giá mức tăng trưởng 7,7% của Việt Nam trong quý II so với cùng kỳ 2021 là ngoạn mục, vượt xa con số dự báo 5,9% của các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó. Ngoài ngành dịch vụ hồi phục ấn tượng sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ngành sản xuất cũng giữ đà tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh lịch sử.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ quý II cũng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy sức mua đã phục hồi trở lại. HSBC đánh giá một nguyên nhân quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, trong khi số lượng việc làm đã tăng về mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của HSBC lưu ý ảnh hưởng từ giá năng lượng lên nền kinh tế Việt Nam ngày càng rõ hơn. Giá xăng tăng có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi, giảm tốc độ phục hồi sức mua. Giá xăng dầu cao vẫn là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng. Ngoài ra, chỉ số giá lương thực bao gồm nhiều mặt hàng thịt, trứng và rau củ đều tăng. Với việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng, HSBC dự báo áp lực lạm phát trong nước sẽ còn mạnh lên. Lạm phát trong nước có thể vượt mức 4% kể từ quý IV năm nay đến quý II/2023.
Tương tự HSBC, khối nghiên cứu của ngân hàng UOB cũng tăng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,5% lên 7% sau kết quả ấn tượng trên quý II và dựa trên dữ liệu lịch sử cho thấy kết quả tăng trưởng 6 tháng cuối năm thường khá tích cực. Tổ chức này giả định nền kinh tế không chịu thêm sự gián đoạn nào do Covid-19, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm của Việt Nam vào khoảng 7,6-7,8%.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt (Ảnh: Hải Long). |
Một số thách thức hiện hữu với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo UOB gồm các tác động của xung đột Nga - Ukraine kéo dài ảnh hưởng tình hình địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tiếp tục tăng cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là một rủi ro đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn như trên, UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.
Tương tự hai tổ chức trên, ngân hàng đầu tư Maybank cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% trước đây lên 6,9% sau kết quả tích cực 6 tháng đầu năm. Dù vậy, bộ phận nghiên cứu của Maybank lưu ý động lực của nền kinh tế trong nửa cuối năm nay có thể yếu đi do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến ngân sách của các hộ gia đình.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 11/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tiến sát mốc 150 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 24/7: HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,5%
-
Tin tức kinh tế ngày 23/1: Xử nghiêm ngân hàng để ATM hết tiền dịp Tết
-
HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm 2024
-
Ba động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
-
Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo như thế nào?
-
Chậm thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón có thể khiến nông sản Việt thua thiệt trên trường quốc tế
-
Tin tức kinh tế ngày 28/10: Tín dụng bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024