Nhân lực công nghệ thông tin: Lượng thiếu, chất yếu
Chưa bao giờ một doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin như Viettel phải phát đi rộng rãi thông báo tuyển dụng tới 500 nhân sự CNTT/năm. Kèm theo thông tin tuyển dụng là chế độ “trải thảm đỏ” ưu đãi đối với người trúng tuyển nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao như: Thu nhập cao hơn 15% so với trung bình ngành CNTT; mức lương khởi điểm trung bình cho nhân sự CNTT giỏi là 1.000 USD/tháng... Ấy vậy mà công cuộc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao của Viettel vẫn như… mò kim đáy biển.
Nhân lực CNTT hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng |
Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết: “Viettel luôn đi đầu trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới trên thế giới, nên phải liên tục tìm kiếm nhân sự cho các lĩnh vực mới. Thời điểm này, chúng tôi cần nhiều nhân sự cho các dự án lớn về Big Data, trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không vũ trụ, toán học ứng dụng… nhưng chưa tìm đủ nhân sự”.
Tương tự Viettel, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT IT) thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng cần tuyển dụng 500 nhân sự CNTT ngay trong tháng 4/2019 để làm việc tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Tiền Giang. Mức thu nhập VNPT IT chi trả cho kỹ sư trúng tuyển cũng hấp dẫn không kém Viettel với mức 200-700 triệu đồng/năm. Còn VNPT cần tới 5.000 kỹ sư CNTT. Nhưng đại diện của VNPT cho rằng, không dễ dàng để có thể tuyển được số kỹ sư CNTT đó.
Đón đầu để phát triển lĩnh vực mới của mình, Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam để “đặt hàng” khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong vòng 10 năm tới...
Có thể nói nhân sự CNTT chưa bao giờ “hot” như bây giờ. Phân tích của Vietnamworks (thuộc Vinagos, một tổ chức chuyên nghiên cứu và hoạt động về dịch vụ tuyển dụng) cho biết, năm 2019 có 53% số công ty CNTT cần tuyển thêm 10-30% nhân sự CNTT; 26% doanh nghiệp tuyển thêm 30-50% nhân sự CNTT; 8,7% công ty muốn tuyển dụng hơn 50% nhân sự CNTT.
Với nhu cầu đó thì số sinh viên CNTT đang được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, cả nước hiện có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo về CNTT, hằng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường, không đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định: “Số lượng sinh viên CNTT ra trường rất thiếu so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó ưu tiên khởi nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến CNTT”.
Không những không đáp ứng về số lượng, các kỹ sư CNTT hiện nay cũng chưa bảo đảm về chất lượng để có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng. Bởi trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường, chỉ có 30% làm việc được, 70% phải đào tạo bổ sung.
Ông Nghiêm Phú Hoàn, thành viên Hội đồng Thành viên VNPT cho biết, VNPT đang chuyển đổi mô hình kinh doanh từ việc cung cấp các dịch vụ viễn thông - CNTT truyền thống sang cung cấp các dịch vụ số. Để thực hiện chiến lược phát triển mới, VNPT cần khoảng 5.000 nhân lực CNTT nhưng chỉ tuyển được khoảng 50-60%. Đã thế, rất nhiều nhân sự tuyển dụng được cũng phải đào tạo lại và bổ sung kỹ năng CNTT. Trong 2 năm tới, VNPT phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung trên 10.000 người.
Ông Hoàn nói: “VNPT đang thực hiện nhiều chính sách để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, như hợp tác với các trường đại học có chuyên ngành CNTT, xây dựng các chương trình học bổng, tài trợ, chương trình thực tập, làm việc hấp dẫn cho sinh viên; xây dựng cơ chế đãi ngộ riêng cho các chuyên gia… để thu hút nhân lực chất lượng cao”.
Trước sự thiếu hụt cả về lượng và chất của nguồn nhân lực CNTT như vậy, giải pháp đầu tiên và là nền tảng để thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong cả nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải tập trung đầu tư vào khâu đào tạo và đặt hàng đào tạo. Bởi đây là nguồn tài nguyên lớn nhất của doanh nghiệp, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động, mà còn là người đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, nên doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này, phải coi việc đào tạo người lao động như một khoản đầu tư tương tự với máy móc, thiết bị. Làm như vậy doanh nghiệp mới phát triển được”.
Phân tích của Vietnamworks (thuộc Navigos) cho biết, năm 2019 có 53% số công ty CNTT cần tuyển thêm 10-30% nhân sự CNTT; 26% doanh nghiệp tuyển thêm 30-50% nhân sự CNTT; 8,7% công ty muốn tuyển dụng hơn 50% nhân sự CNTT. |
Muốn ra “biển lớn”, doanh nghiệp nông nghiệp phải trầy trật tìm nhân lực chất lượng |
Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong ngành du lịch |
Nguyễn Anh
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024