Người đàn bà bán cơm và 30 cuốn sổ nợ
Năng lượng Mới số 335
Người tử tế
Quán cơm bình dân Thanh Thanh của bà Lã Thị Thanh (SN 1949) nằm ở ngã ba, đoạn Quốc lộ 2 từ thị trấn Đoan Hùng đi Tuyên Quang không còn lạ với những người dân nơi đây.
Bà Lã Thị Thanh có gương mặt phúc hậu, giọng nói sang sảng và rất hiếu khách. Với những vị khách quen, cái tên thật của bà ít khi được xưng danh, thay vào đó là cách gọi “bầm” rất thân mật.
65 tuổi, bà đã nếm đủ những thứ khổ cực của cuộc đời, từng trắng tay vì buôn bán, từng phải bôn ba khắp nơi để kiếm những đồng bạc lẻ mua mắm, mua gạo sống qua ngày, giờ đây, khi cuộc sống đã đủ đầy, tính cách bà vẫn không thay đổi.
Những cuốn sổ nợ chồng chất nhưng chưa bao giờ bà đi đòi
Bắt đầu câu chuyện, bà không nói về mình, bà muốn nói về những mảnh đời cơ nhỡ, những con người khổ cực lang thang, không nhà, không cửa, có người chẳng biết phân biệt ngày đêm. “Sống như bầm vậy là sướng lắm rồi. Còn rất nhiều người so với cái khổ của mình ngày xưa thì họ còn khổ gấp trăm, gấp vạn lần bầm. Mấy chục năm mở quán cơm bình dân này, bầm chỉ mong giúp đỡ một phần nào những con người đó”, bà Thanh nói.
“Làm để sống và sống sao cho thanh thản” là suy nghĩ mà bà Thanh nói về 25 năm kinh doanh quán cơm bình dân này.
Nói về quán cơm, bà bảo: “Ai cũng mong lợi nhuận cao, nhưng không vì thế mà mất đi tình người. Người ta vào ăn ngoài cái ngon, phải cho họ sự thoải mái nữa, nên ai vào quán ăn, tôi chỉ khuyên họ gọi vừa đủ ăn, đừng gọi nhiều. Nếu thiếu thì gọi thêm, vừa nóng sốt, vừa không phung phí”.
Trò chuyện, có những lúc bà trầm ngâm: “Cuộc đời còn nhiều người khổ cực quá. Giá như ai vào quán ăn cũng nghĩ được, gọi ít đi một tí để vừa ăn thôi thì còn dành được sự no đủ cho nhiều người đang ngày đêm lang thang ngoài đường tìm miếng ăn, thức uống”.
Bà Thanh cho hay: “Dù sau này tôi có chết đi, con cái tôi kế thừa quán này thì tôi vẫn không cho đổi. Nó không phải là thương hiệu để kinh doanh, mà nó chính là cái tâm của tôi mong muốn ngoài việc kiếm tiền ra thì mình còn giúp đỡ được những người thất cơ lỡ vận. Đó là điều mà tôi xem chữ “cơm” nó quan trọng như thế nào.
“Nghe chuyện, nhiều người cứ nghĩ tôi thờ cúng chữ “Cơm” nhưng tôi chỉ thờ trong tâm thôi. Tôi thờ nó như người ta thờ chữ “Tâm”, chữ “Nghĩa”... Tuy nhiên theo tôi, thờ được và làm được hay không là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nói “thờ” nhưng mình phải làm được thì mọi người mới phục chứ”, bà nói.
“Thấy ai đói khát gọi vào cho cơm”
Có cô ở huyện Cẩm Khê, đã có chồng và một cậu con trai nhưng không hiểu sao cô lại đi lang thang, vật vờ ở thị trấn Đoan Hùng rồi chết gục ở vỉa hè. Người đi đường thấy vậy chạy đến gọi tôi và bảo với tôi rằng: “Hình như cô này mấy hôm nay vẫn ăn cơm ở nhà bà đấy”. Không hiểu sao tay chân tôi rụng rời, tôi chạy thẳng đến nơi cô gái đang nằm, kéo cái chiếu ra, tôi lặng người đi. Đúng là cô này mấy hôm nay vẫn ăn cơm ở nhà tôi. Nhưng cơ sự sao lại khổ như vậy? Không thấy người thân đến nhận, tôi chạy vội về nhà nấu cơm, cho vào cái bát, rồi mang đến thắp hương cho cô gái xấu số”, bà xúc động nhớ lại.
Nói về cái chết của cô, nhiều người dân xung quanh cho biết, chắc là do bị bệnh tâm thần nên cô gái bỏ nhà đi lang thang, nhặt được gì thì ăn nấy. Thấy hoàn cảnh như vậy, bà Thanh đã gọi cô vào quán cho ăn cơm mỗi ngày. Hằng ngày, cô chỉ gọi được chữ bầm ơi, bầm ơi. Hỏi tên, cô không biết, nhưng nhìn người, bà Thanh đoán tuổi cô gái khoảng ngoài 20 gì đó.
25 năm, quán bà chỉ có ba chữ "Cơm bình dân"
Trường hợp nữa mà bà Thanh cũng không bao giờ quên là về một cựu binh bị tâm thần. Bà không rõ người đàn ông này quê ở đâu, nhưng tới nằm ngủ ở trước nhà bà, bị bệnh tả rất nặng. Sáng ngủ dậy, phát hiện có người nằm trước nhà, bà lay gọi thì người đàn ông gần như đã ngất xỉu vì mất nước, người hôi thối nồng nặc. Chẳng kịp suy nghĩ, bà vội dìu người này vào nhà, tắm rửa, thay quần áo rồi lấy cơm cho ăn, lấy nước cho uống. Ăn uống xong, người đàn ông có vẻ tính táo hơn, nhưng mồm thì gào thét: Xung phong, xung phong, bắn bắn...
“Tôi nghĩ người đàn ông này là cựu chiến binh và do bị thương nên giờ mới như vậy. Không hiểu sao, cả cuộc đời tôi, đến bây giờ, vẫn luôn yêu quý, trân trọng những con người như vậy. Người đàn ông này tôi không biết tên là gì, nhiều hôm cho cơm ăn cũng cười, cũng biết đưa hai tay ra bê cơm nhưng lại không thể nào đưa cơm vào mồm được. Những lúc như thế, tôi lại phải xúc cơm cho ăn. Ở với tôi được một thời gian thì một đêm, người đàn ông này bỏ đi. Vào một buổi sáng, người ta phát hiện ông đã chết. Đến giờ tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao nữa”, giọng bà Thanh chùng xuống.
Chỉ vào tấm biển quán cơm tên Thanh Thanh bà bảo, đó cũng là một sự tình cờ nhưng bà cảm thấy tâm đắc. “Trước kia tôi chỉ ghi mỗi tên “Cơm bình dân” thôi, sau này, tôi đi in cái tấm biển to hơn, người chủ cửa hàng quảng cáo bảo với tôi, sao không có tên chủ cửa hàng. Sau khi ngồi trò chuyện, biết được việc làm của tôi bao năm qua như vậy, người này khuyên tôi nên lấy tên là Thanh Thanh. Thanh vừa là tên của tôi, vừa là cách tôi lựa chọn để sống thanh thản. Vậy là tôi đồng ý, thấy cũng rất ý nghĩa và đúng với mình”, bà cười.
Sổ nợ không đòi
Trước khi chuyển sang nghề kinh doanh ăn uống, bà Thanh từng bôn ba buôn bán đủ thứ. Từ vải vóc đến hàng gia dụng từ khắp nơi về nhưng cuối cùng bị mất hết. Thời đó, bà là một con buôn đánh hàng từ Trung Quốc về nổi tiếng, khi có của ăn, của để thì bà bị bắt vì buôn hàng lậu. Một lần, hai lần rồi nhiều lần khiến bà trắng tay. Từ một người vốn liếng đầy trong tay, bà thành con nợ khắp nơi. Đi đâu bà cũng bị đòi nợ, cuộc sống vợ chồng, con cái khó khăn vào đường cùng. Cũng may, trước bà hay giúp đỡ người khác nên khi sa cơ, cũng rất nhiều người giúp bà. Khi đã trả được phần nào nợ, bà quyết định mở quán bán cơm để mưu sinh.
Một câu chuyện về bà nghe như tiểu thuyết mà ít người tin nổi. Hiện nay bà có gần 30 cuốn sổ nợ. Nó được bà ghi chép cẩn thận từ những năm mới bắt đầu mở quán bánh cuốn. Lần dở những trang giấy đã mục và phai màu mực, bà Thanh chỉ cho tôi những người nợ nhiều, người nợ ít, thậm chí là người qua đường cũng... nợ, các cơ quan, ban ngành, các cán bộ cũng nợ rất nhiều. Nhưng với bà, những thứ đó bây giờ đã gần như chỉ là kỷ niệm.
“Nó đã quá lâu, mấy chục năm rồi, từ thời đồng tiền còn có giá trị, giờ có người đã chết, có người vào tù, có người giàu sang phú quý, có người nghèo đi nhưng chưa một ai tôi cầm sổ nợ đi đòi cả. Tôi nghĩ không ai muốn nợ và cũng như tôi, ai kinh doanh chả cần phải có lãi. Tôi muốn họ nợ, họ nhớ thì họ trả mình, nếu không trả có thể do quên hoặc không có tiền. Đến bây giờ, tôi không thích lòng tốt của mình bị lợi dụng và tôi cũng không muốn suy nghĩ đến những người lợi dụng mình”, bà Thanh giải thích.
Bà Thanh tâm sư: “Tôi rất muốn giúp đỡ nhiều nhưng sức mình có hạn, quán cơm này lời lãi không được bao nhiêu. Nằm trong khả năng của mình, giúp được đến đâu thì giúp. Tôi vẫn tự nhủ, mình sống được đến đâu sẽ làm việc thiện đến đó. Tôi đã thờ chữ “Cơm” được 25 năm rồi thì tôi sẽ thờ cho đến hết cuộc đời này”.
Minh Vũ
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp