Ngành than với nỗi lo thiếu thợ lò
Năng lượng Mới số 300
Vài năm trở lại đây, vấn đề thu hút người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động trực tiếp tại hầm lò của ngành than đã thực sự trở thành vấn đề “lực bất tòng tâm”. Mặc dù, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bằng mọi cách đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút, thậm chí là “giữ chân” người lao động nhưng số lượng công nhân bỏ việc vẫn diễn ra hằng ngày. Theo một số liệu thống kê chưa chính thức, chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2010 của Tập đoàn cho thấy, cứ tăng thêm 100 thợ lò thì đồng thời lại giảm đi trên một nửa (bao gồm các hình thức như xin chấm dứt hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bị sa thải, chuyển việc...).
Ngay ở những đơn vị vốn có tiếng truyền thống thu hút, giữ chân thợ lò như Nam Mẫu, Thống Nhất, Vàng Danh, Mạo Khê... hiện nay cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm, dẫn tới thiếu hụt lao động làm lò. Nếu đi sâu vào phân tích sẽ thấy, trong số hàng chục ngàn trường hợp bỏ lò những năm gần đây, đa phần có tuổi nghề dưới 5 năm (80%) và bậc thợ thấp, bậc 3/6-4/6 (88,8%). Số bỏ lò có tuổi đời dưới 25 là 58,3%, nhiều nhất; tiếp đó là số có tuổi đời 25-35 (36,7%); số có tuổi đời trên 35 bỏ lò ít nhất (5,1%). Ngoài ra, có trên một nửa số công nhân bỏ lò là những người sống xa nhà, ở tập thể. Số công nhân đã có gia đình riêng, có vợ con bỏ lò chiếm tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng trên dưới 1/4 tổng số.
Từ những số liệu nêu trên, đi tới một nhận xét, công nhân có tuổi đời, tuổi nghề càng cao, có vợ con, có nhà riêng, có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh (nơi đứng chân của các doanh nghiệp sản xuất than hầm lò) thì thường gắn bó với nghề hơn số công nhân trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề, bậc thợ thấp, chưa có gia đình riêng, ăn ở, sinh hoạt theo hình thức “ở tập thể”. Vì sao thợ trẻ, được đào tạo bài bản, có sức khỏe, có tay nghề lại hay bỏ lò cho dù sau đó họ phải vất vả bươn chải, tìm kiếm cơ hội thử vận may ở các ngành nghề, các doanh nghiệp khác?
Theo tìm hiểu, có thể liệt kê một số nguyên nhân mà nguyên nhân chính khiến giới trẻ quay lưng với nghề thợ lò là do nhận thức rằng, đây là nghề đặc biệt nặng nhọc, vất vả, thậm chí độc hại. Bên cạnh đó, nhiều công nhân mỏ có tay nghề, sau nhiều năm gắn bó với ngành đã bỏ việc khiến cho việc duy trì, mở rộng sản xuất ở một số đơn vị gặp khó khăn.
Thứ nhất, ngành khai thác than hầm lò với đặc thù độc hại, nguy hiểm, đòi hỏi cường độ lao động cao trong khi các yếu tố như mức thu nhập, đời sống tinh thần, vị thế; khả năng thăng tiến trong xã hội chưa đủ sức lôi cuốn lớp người trẻ tuổi gắn bó suốt đời với ngành nghề.
Thứ hai, nghề thợ lò cũng không hẳn là “con đường sống” như trước đây mà ngày nay công nhân có nhiều sự lựa chọn với các ngành nghề khác, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp với các ngành nghề đa dạng, ít nặng nhọc, đỡ vất vả hơn, điều kiện tuyển dụng, tiếp nhận lại thông thoáng, dễ dàng nên cho dù tiền công thấp, bấp bênh nhưng lại là môi trường có sức hút gây tò mò cho lớp lao động trẻ vốn bản tính hiếu động, thích dịch chuyển, thích phiêu lưu, ưa thử sức để tự khẳng định mình.
Thứ ba, thông thường hầu hết khai trường của các mỏ than hầm lò ở vùng sâu, vùng xa, không gắn với đô thị, cụm dân cư, khả năng tham gia sinh hoạt cộng đồng hạn chế. Nhiều đơn vị cố gắng tổ chức nhà ở tập thể, nhà ăn tập thể, nơi vui chơi cho công nhân, song cũng gần khai trường, xa dân cư; cán bộ quản lý khu tập thể thì theo kiểu sáng đi, tối về, câu lạc bộ, thư viện có nhưng là làm cho có, thiếu các hình thức vận động nên không thu hút sự chú ý, tham gia của công nhân. Nhiều người đã không chấp nhận ở tập thể, tìm kiếm thuê mướn nhà trọ gần phố, gần dân thì đi làm lại bất tiện, sinh hoạt không tuân thủ giờ giấc, dẫn tới buông lỏng kỷ luật lao động, tùy tiện nghỉ việc. Không ít người do thiếu sự quan tâm, quản lý của người thân, gia đình, thiếu sự “để mắt”, góp ý kịp thời của tổ chức, đoàn thể nên bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, gái mại dâm...
Thứ tư, khâu giáo dục tư tưởng, truyền thống, khơi dậy ý thức tập thể, giai cấp, lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp không đạt hiệu quả như mong muốn. Có một hiện tượng đáng suy ngẫm, trong khi lãnh đạo các cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, Tập đoàn thường xuyên đề cập đến niềm tự hào được đứng trong hàng ngũ thợ mỏ - công nhân than - khoáng sản Việt Nam, thì lại chưa có một cuộc thăm dò, đánh giá thực chất, có bao nhiêu công nhân lò hiểu biết, nắm rõ lịch sử, truyền thống của đơn vị mình và bao nhiêu trong số họ cảm thấy gắn bó mật thiết với công việc, với doanh nghiệp...
Cũng không thể không nhắc tới sự hụt hẫng của không ít công nhân trẻ mới từ môi trường đào tạo tới nhận việc ở các doanh nghiệp. Trong trường, họ sống tập thể, học tập, ăn uống, vui chơi thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ theo đúng thời gian biểu nhưng lạ thay, tốt nghiệp hôm trước, hôm sau xách balô về mỏ, được điều động tới các khai trường heo hút, không có bạn bè, người thân, dễ sinh buồn chán. Làm việc được một thời gian ngắn thì cáo ốm, cáo bận, nghỉ việc hoặc đi làm nhưng trễ nải, làm ảnh hưởng tới năng suất, định mức của công ty.
Một điều nữa, việc thu hút lao động trẻ chọn nghề thợ lò đã được Tập đoàn chú ý áp dụng nhiều chính sách ưu tiên ngay từ khâu đào tạo tại các trường nghề như miễn toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền ở, ra trường có việc làm ngay với mức lương rất cao so với chuẩn bậc 3/7: Từ 9-10 triệu đồng/tháng/người. Mặc dù vậy chỉ tiêu mãi vẫn không hoàn thành, tỷ lệ tuyển dụng lao động năm sau cứ thấp dần so với những năm trước đó.
Nguyễn Kiên