Ngành than: Chi phí khai thác mỗi ngày một cao
Vì sao chi phí cao?
Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong những chuyến công tác tại Quảng Ninh, về thăm thợ mỏ đều nhận xét rằng, chưa có ngành nghề nào chăm sóc thợ mỏ chu đáo như thế. Thợ mỏ giờ đây xe đón tận quê để đi làm. Ví dụ những ai quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, ở Kinh Môn, Thanh Hà, Hải Dương đã có xe về đón tận nơi, việc ăn ở cũng vậy, công nhân luôn nhận được sự quan tâm hết sức chu đáo, hoàn toàn được bao cấp miễn phí ở từng đơn vị trong ngành.
Theo tính toán, tới đây, Vinacomin sẽ kết thúc khai thác tại nhiều khu vực và đưa mỏ xuống sâu. Việc tăng sản lượng than ngày càng khó khăn do than lộ thiên giảm. Hiện nay Vinacomin chủ yếu khai thác than hầm lò với tỷ lệ hầm lò trên tổng số than nguyên khai là gần 50%. Dự kiến đến 2015, tỷ lệ này sẽ lên tới 65%, tăng tới 20 triệu tấn than hầm lò chỉ trong vài năm. Khai thác than hầm lò xuống mức sâu hơn, đương nhiên sẽ phải chịu giá thành cao hơn như: Chi phí thông gió, thóat nước, chi phí đi lại, vận tải than, vật liệu, chi phí điện năng, công tác an toàn v.v... Tất cả các chi phí trên sẽ tăng theo chiều sâu của mỗi mét lò.
Khai thác than tại mỏ Cọc Sáu
Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đang phải chịu áp lực rất lớn về công tác an toàn, môi trường, hay công tác xã hội hóa. Mỗi năm, toàn Tập đoàn chi phí hàng ngàn tỉ đồng cho công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác mỏ. Nhiều khu vực dân cư chủ yếu là các gia đình thợ mỏ nằm trên địa bàn gần khu mỏ cũng được xây dựng đường sá, trồng cây xanh, cảnh quan v.v… Tất cả các chi phí trên đều được trích trên đầu tấn than khai thác để thành lập các loại quỹ về môi trường, công tác xã hội… Vì những lý do đó mà hiện nay giá thành khai thác của nhiều đơn vị lên quá cao. Nhưng dường như, những chi phí đó đã là những điều không thể cắt giảm.
Tăng năng suất để hạ giá thành
Không thể cắt giảm những chi phí cho các chỉ tiêu công nghệ, chăm lo đời sống thợ mỏ, Vinacomin chỉ còn con đường duy nhất là tăng năng suất lao động. Đây chính là một trong những giải pháp cốt lõi, mang tính quyết định để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Vinacomin chỉ đạo sâu sát đến các đơn vị chú trọng tổ chức sản xuất ở từng vị trí sản xuất, từng gương lò, từng đơn vị một cách hợp lý, khoa học theo hướng tăng tỷ lệ lao động trực tiếp, giảm lao động gián tiếp và phụ trợ; quản lý tốt lao động hiện có, quản lý hiệu quả ngày, giờ công, tận dụng tối đa thời giờ làm việc tại gương để tăng năng suất lao động, nâng cao sản lượng.
Chẳng hạn, các gương khấu lò chợ phải bố trí tối đa các cặp khấu theo công nghệ để nâng cao năng suất tại guơng, việc tổ chức sản xuất phải khoa học và thực sự hợp lý; các gương đào lò phải bố trí đủ lao động, không để tình trạng thiếu hoặc thừa ảnh hưởng đến năng suất lao động. Từng tổ đội, phân xưởng của cũng quan tâm đến việc đào tạo được các cặp thợ, nhóm thợ, đội thợ đa năng sãn sàng đảm nhận giải quyết các công việc tại các vị trí khó khăn, các diện, các công trình trọng trọng điểm nhằm đẩy mạnh sản xuất tăng năng suất lao động.
Cần giảm thiểu tổn thất
Cùng với đó, Vinacomin duy trì, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chỉ đạo của các phó quản đốc, lò trưởng, gương trưởng; quản lý tốt công tác kỹ thuật cơ bản, vệ sinh công nghiệp; nghiệm thu sản phẩm phải đảm bảo chất lượng tránh việc làm đi sửa lại ảnh hưởng đến năng suất lao động. Đồng thời, công ty xây dựng định mức lao động hợp lý cho từng công việc. Về cơ chế tiền lương, Vinacomin khoán cả quỹ lương đối với bộ máy quản lý, phòng ban, các đơn vị không làm ra sản phẩm. Các đơn vị phải giao khoán tiền lương cho từng phòng ban, phân xưởng trên cơ sở định biên lao động từng đơn vị, nếu tiết kiệm được lao động thì đuợc hưởng nguyên tổng tiền lương khoán. Đối với các đơn vị sản xuất chính làm ra sản phẩm đơn vị xây dựng hệ thống định mức lao động phù hợp với điều kiện thực tế để các đơn vị phát huy hết khả năng đạt năng suất lao động cao nhất.
Ngoài ra, Vinacomin cũng quan tâm nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất than trong khai thác. Việc làm này không những có ý nghĩa bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, mà còn đem lại những hiệu quả kinh tế to lớn. Trước đây, tình trạng tổn thất than trong khai thác các mỏ hầm lò lên tới 40-50%. Thậm chí, có những mỏ cao hơn do điều kiện địa chất phức tạp không thể khai thác được. Đối với các vỉa mỏng, dốc có điều kiện địa chất phức tạp (góc dốc vỉa lớn, biến động, đá vách khó sập đổ), nhiều mỏ chưa huy động phần tài nguyên này vào khai thác hoặc có huy động nhưng hiệu quả khai thác thấp, chủ yếu khai thác bằng phương pháp đào lò lấy than có chi phí giá thành khai thác lớn, tỷ lệ tổn thất than cao. Nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả khai thác không cao (so với các vỉa dày) và đặc biệt chưa lựa chọn được công nghệ khai thác phù hợp. Tuy nhiên, con số tổn thất hiện nay chỉ là trên 27-31% thể hiện sự cố gắng của Vinacomin.
Với nhiều giải pháp đồng bộ trong quản lý, điều hành cũng như nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Hy vọng rằng, Vinacomin sẽ cân đối được giá thành sản xuất, ổn định việc làm và đời sống cho người lao động.
Tùng Kiên
-
Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
-
Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành”: Khơi dậy sáng kiến trẻ về bảo vệ môi trường
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Văn hóa "sức mạnh mềm" góp phần phát triển TKV bền vững
-
“Xanh hóa” ngành than