Nga ra tối hậu thư để mở lại đường ống khí đốt lớn nhất tới Đức
Việc Nga đóng Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn đã tác động tới an ninh năng lượng của châu Âu (Ảnh: Reuters). |
RT đưa tin, phát ngôn viện điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/9 cho biết, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ bị đóng van cho đến khi lệnh trừng phạt áp lên Nga được dỡ bỏ.
Ông Peskov nhấn mạnh, các vấn đề kỹ thuật liên quan tới việc chuyển khí đốt sang châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ vẫn tồn tại vì Nga vẫn đang bị áp các lệnh cấm vận do mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Quan chức Kremlin cho hay, các lệnh hạn chế nói trên đã tác động tới việc bảo trì đường ống.
Ngày 2/9, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo khóa van vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1, viện dẫn lý do kỹ thuật. Trước đó, Gazprom thông báo tạm dừng cấp khí đốt đường ống này trong 3 ngày để bảo trì, nhưng họ không thể mở lại theo đúng lịch trình vì vấn đề phát sinh nói trên.
"Các vấn đề trong việc vận chuyển khí đốt đã nảy sinh do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga và một số công ty, bao gồm cả ở Đức và Anh. Không có lý do nào khác đằng sau việc ngắt nguồn cung năng lượng", ông Peskov nói.
Người phát ngôn của Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng, không phải lỗi của Gazprom khi "người châu Âu đưa ra quyết định từ chối bảo dưỡng thiết bị của họ một cách vô lý", điều mà họ có nghĩa vụ phải làm theo như hợp đồng.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng, toàn bộ các hoạt động Dòng chảy phương Bắc 1 đều phụ thuộc vào "một thiết bị cần được bảo trì".
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cáo buộc EU đã gây ra tình trạng Dòng chảy phương Bắc 1 bị khóa van vô thời hạn.
"Toàn bộ vấn đề nằm ở phía EU, vì tất cả các điều kiện của hợp đồng sửa chữa đã bị vi phạm hoàn toàn, cùng với các điều khoản vận chuyển thiết bị", ông nói.
Việc đóng hoàn toàn Dòng chảy phương Bắc 1 được xem là đòn giáng vào an ninh năng lượng của châu Âu. EU đã cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, điều mà Moscow đã bác bỏ.
Những quốc gia châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga đang lo lắng vì những diễn biến trước mắt.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo, nước này sẽ phải đối diện với tối đa 10 mùa đông khó khăn.
Ông De Croo thừa nhận, xung đột Nga - Ukraine đã tác động tới nền kinh tế châu Âu nhiều hơn hẳn so với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông kêu gọi châu Âu đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện tại có mặt tích cực. "Chúng ta có thể tiến nhanh 20 năm về phía trước, liên quan tới việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và thoát phụ thuộc vào những quốc gia mà chúng ta không muốn giao thương", ông nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Paolo Gentiloni, ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, tuyên bố khối này đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn khí đốt sau những động thái gây lo ngại của Moscow gần đây.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới