Nga cảnh báo EU sẽ phải trả nhiều hơn nếu áp lệnh cấm vận dầu
Nga sẵn sàng tìm người mua mới
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Nga sẵn sàng chuyển bất kỳ nguồn cung nào mà các nước châu Âu từ chối sang khu vực khác như châu Á.
Theo ông, châu Âu sẽ phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế khác với giá đắt đỏ hơn.
Bình luận của ông Novak đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergeu Lavrov hồi đầu tháng đã thách thức phương Tây áp lệnh cấm đối với dầu của Nga. "Hãy để cho phương Tây phải trả nhiều hơn so với con số họ từng trả cho Liên bang Nga và hãy giải thích cho người dân hiểu vì sao họ ngày càng nghèo hơn", ông nói.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Nga sẵn sàng chuyển bất kỳ nguồn cung nào mà các nước châu Âu từ chối sang khu vực khác như châu Á (Ảnh: Bloomberg). |
Ngày 18/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một gói trị giá 210 tỷ euro nhằm giúp châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 và nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo.
EU cũng đang hướng đến việc loại bỏ dần các nguồn cung dầu Nga và muốn đưa biện pháp này vào gói trừng phạt thứ 6 sau khi tuyên bố hạn chế nhập khẩu than từ Nga cách đây 2 tháng.
Tuy nhiên, Hungary vẫn tiếp tục phản đối, trong khi lệnh trừng phạt này đòi hỏi sự ủng hộ từ khối thương mại. Các nhà đàm phán EU và chính phủ Hungary trong nhưng ngày gần đây đang đàm phán về một giải pháp tài chính nhằm bù đắp những khó khăn về kinh tế do cắt nguồn cung dầu Nga. Con số đề xuất được cho là gần 1 tỷ euro.
Châu Âu là khách hàng hàng đầu của Nga, điều đó có nghĩa việc loại bỏ 4 triệu thùng dầu từ Nga cũng sẽ khiến EU gặp khó khăn và nó cũng sẽ là đòn giáng mạnh đối với Kremlin.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, EU đã chi 18 tỷ euro để mua dầu mỏ của Nga, nhiều hơn đáng kể so với các khoản viện trợ mà khối này cam kết cho Ukraine.
Tuần trước, Callum Macpherson, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của Investec, cho biết Nga sẽ rất khó trong việc tìm được người mua mới mà có thể mua khối lượng tương đương như những người mua ở châu Âu.
Điều đó có nghĩa thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung dầu trên và thúc đẩy giá tăng trở lại. Hiện giá dầu vẫn đang ở trên mốc 100 USD/thùng.
"Nếu lệnh cấm toàn diện được nhanh chóng đưa ra thì đó sẽ là một thách thức thật sự đối với Nga khi chuyển hướng nó, và như vậy, nguồn cung dầu này sẽ thoát ra thị trường. Trong khi đó, EU sẽ phải cạnh tranh với những người mua hiện hữu ở các nguồn dầu khác. Điều đó chắc chắn sẽ khiến cho giá dầu cao hơn", ông nói.
Chuyên gia phân tích Craig Erlam tại Oanda cũng cho rằng: "Tôi nghĩ sẽ có lệnh cấm, vấn đề là nó được thực hiện như thế nào và liệu nó có đặc biệt hiệu quả hay không. Thời gian thực hiện lệnh cấm càng lâu thì Nga càng có cơ hội tìm kiếm các thị trường thay thế".
Một nửa khách hàng của Gazprom đã mở tài khoản thanh toán bằng đồng rúp
Cho đến nay, EU vẫn chưa áp lệnh trừng phạt đối với khí đốt Nga, chỉ có Lithuania đã đơn phương đưa ra lệnh cấm. Châu Âu đang phụ thuộc khoảng 40% lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, vì vậy châu lục này đang lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông năm nay khi chưa có nguồn cung thay thế.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Novak tiết lộ một nửa trong số 54 khách hàng của Gazprom đã mở tài khoản tại Gazprombank. Trước đó, Điện Kremlin đã buộc các khách hàng mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp, bất chấp thực tế gần như tất cả hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu đã được thỏa thuận bằng đồng euro hoặc đồng USD.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật yêu cầu các khách hàng nước ngoài "không thân thiện" phải thanh toán bằng đồng rúp. Yêu cầu này nhằm tăng cường đồng nội tệ của Nga và trả đũa các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây đối với nước này.
Theo đó, các công ty châu Âu sẽ phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và chuyển euro hoặc USD sau đó được chuyển đổi sang đồng rúp trong quá trình giao dịch.
Mặc dù phản đối yêu cầu này của Nga song EU vẫn "bật đèn xanh" cho phép các công ty năng lượng mua khí đốt của Nga với điều kiện họ phải làm rõ các giao dịch đó đã được hoàn tất một khi họ chuyển euro hoặc USD vào các tài khoản của Gazprombank.
Tháng trước, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan trong tháng 4 sau khi cả 2 nước này từ chối đáp ứng yêu cầu thanh toán cho các đơn hàng khó đốt bằng đồng rúp của Nga.
Giới phân tích đang cho rằng, Phần Lan có thể là nước tiếp theo khi Gasum - nhà cung cấp năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của quốc gia này - từ chối chuyển sang cách thức thanh toán mới.
Tuần này, Gasum cho biết họ sẽ đưa tranh chấp về các khoản thanh toán bằng đồng rúp với Gazprom Export của Nga ra trọng tài. Phần Lan gần đây cũng tuyên bố sẽ gia nhập NATO, điều này càng khiến Điện Kremlin không hài lòng.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc