Một bệnh viện được xây dựng để 'giết người' ở Trung Quốc (Phần 2)
Một bệnh viện được xây dựng để 'giết người' ở Trung Quốc |
Số lượng nội tạng mà Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã cấy ghép dường như lớn hơn nhiều con số mà bệnh viện này công bố, và nguồn gốc của số lượng chênh lệch là một bí ẩn. Các nhà nghiên cứu nói rằng nội tạng có thể đã được lấy từ các tù nhân lương tâm đang bị ngược đãi trong các trại lao động của Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Rob Counts / Epoch Times) |
Phần I của loạt bài điều tra này đã nêu lên nghi vấn về số lượng ca ghép tạng và nguồn gốc nội tạng mà chế độ Trung Quốc công bố, bởi có nhiều bằng chứng cho thấy nó chỉ là một phần nhỏ so với con số thực tế và nguồn gốc nội tạng không hẳn chỉ là của các tử tù.
Tiêu biểu trong hệ thống ghép tạng của Trung Quốc là Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, một bệnh viện tai tiếng nhất Trung Quốc, nơi được cho đã tiến hành số ca ghép nội tạng lớn hơn gấp nhiều lần nguồn cung từ các tử tù bị hành quyết tại Thiên Tân.
Hơn nữa, bệnh viện này dường như đã cấy ghép số nội tạng gấp nhiều lần con số họ công bố. Ngành ghép tạng Trung Quốc nói chung và lĩnh vực ghép tạng của bệnh viện này nói riêng đã phát triển nhanh chóng từ năm 2000, thời điểm mà bỗng nhiên xuất hiện nguồn cung nội tạng dồi dào và liên tục.
Thậm chí vào năm 2003, bệnh viện này còn xây dựng thêm một tòa nhà 17 tầng dành riêng cho ghép tạng, nó có tên là Trung tâm Ghép tạng Đông phương, được đưa vào sử dụng từ năm 2006.
Thông tin số lượng ghép tạng là 'Bí mật quốc gia'
Để có được số lượng chính xác các ca ghép tạng đã được thực hiện ở Trung Quốc trong những năm qua là vô cùng khó khăn, cho dù đó là tổng số lượng trên cả nước Trung Quốc hay chỉ tính riêng số lượng ghép tạng của một bệnh viện đơn lẻ. Ở một xã hội khép kín như Trung Quốc, thông tin loại này đặc biệt nhạy cảm về mặt chính trị.
Thậm chí chỉ rất gần đây Trung Quốc mới có một hệ thống quốc gia về ghép tạng. Trước đó, tình trạng rất lộn xộn khi mà các bệnh viện cạnh tranh làm ăn, giao dịch với các cò nội tạng, và kiếm nguồn cung nội tạng bằng đủ mọi cách có thể. Dù là thống kê đầy đủ hay bất kỳ con số thống kê chính thức nào cũng đều đã tối thiểu hóa số nạn nhân bị lấy tạng.
Tại Hoa Kỳ, rất dễ để biết được số lượng các ca ghép tạng. Mạng lưới Thu mua Nội tạng và Cấy ghép, liên kết với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, luôn duy trì một cơ sở dữ liệu có thể được truy vấn bằng hàng chục tiêu chí. Có thể truy vấn theo tiêu chí tháng, năm, ví dụ như tổng số ca ghép tạng được thực hiện tại Hoa Kỳ từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2015 là 23.134 ca.
Hoa Kỳ cũng có các bộ dữ liệu khác cung cấp thông tin cụ thể của các bệnh viện. Hệ thống Đăng ký Người nhận Tạng của nước này có thể cung cấp một báo cáo cho biết chi tiết các thông tin ghép tạng tại bất kỳ trung tâm cấy ghép nào.
Ví dụ, có thể tìm được bệnh viện hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực ghép tạng ở tiểu bang New York là bệnh viện Presbyterian NY/Trung tâm Y tế Đại học Columbia. Một báo cáo được công bố từ tháng 4 năm 2015 cho hay trung tâm này đã thực hiện 110 ca ghép gan vào năm 2013 và 142 ca trong năm 2014.
Báo cáo dài 60 trang này cung cấp rất nhiều thông tin về danh sách những người chờ ghép tạng, kiểu hiến tạng (người hiến tạng còn sống, là thân nhân hoặc không là thân nhân của người được nhận tạng, hoặc người hiến tạng đã chết), tỷ lệ được ghép tạng, và nhiều thông tin khác.
Nhưng các thông tin như trên lại không được công khai ở các bệnh viện Trung Quốc, nó được giới chức của nước này giải thích với một lý do hiển nhiên: các thông tin đó là bí mật quốc gia!
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với các nhà báo Trung Quốc năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu (quan chức dại diện cho chính quyền Trung Quốc trao đổi với quốc tế về chính sách ghép tạng) đã trao đổi thẳng thắn rõ ràng về lý do tại sao rất khó để có được con số các ca ghép tạng.
Cuộc phỏng vấn này là một phần trong chiến dịch truyền thông rầm rộ với việc ông Hoàng cố gắng truyền tải thông điệp (sau đó bị vạch trần là lừa bịp) rằng Trung Quốc đã không còn sử dụng nội tạng từ các tử tù.
Ông Hoàng Khiết Phu tại một hội nghị ở Đài Bắc, Đài Loan, năm 2010. Các sinh viên tại trường Đại học Hồng Kông đã chỉ trích việc trường đại học này trao một tấm bằng danh dự cho ông Hoàng, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, vì họ cho rằng ông Hoàng có dính líu tới tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Bi-Long Song / Epoch Times) |
Ông Hoàng nói: "Án tử hình là một bí mật quốc gia", "Vì nội tạng được lấy từ các tử tù. Nên nếu bạn biết số lượng các ca ghép tạng, có khác gì cho bạn biết bí mật quốc gia".
Khi một phóng viên hỏi kỹ hơn, ông Hoàng đáp lại rằng: "Vấn đề bạn đang nói quá nhạy cảm. Vì vậy tôi không thể nói cho bạn rõ được. Nếu bạn suy nghĩ, bạn sẽ hiểu. Bởi vì đất nước ta không minh bạch, nên bạn không biết các nội tạng đã được thu hoạch như thế nào; số lượng ca ghép tạng cũng là một bí mật".
Nhưng số lượng các ca ghép tạng dường như không thể tránh khỏi bị rò rỉ ngay cả khi Trung Quốc có một bộ máy tuyên truyền, kiểm duyệt vô cùng gắt gao.
Với riêng Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, có một vài cách để thu thập được các con số này. Cách lấy dữ liệu có thể có đôi chút đơn điệu, nhưng hãy để chúng tôi lần lượt đánh giá từng dữ liệu đó.
Dữ liệu từ trang web của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân
Dữ liệu tham khảo đầu tiên chính là một đồ thị có trên một trang tư liệu thuộc Trung tâm Ghép tạng Đông phương nhưng hiện nay trang này đã không còn tồn tại. Nó biểu thị số ca ghép gan lũy tích từ năm 1998 đến năm 2004 của Trung tâm này.
Số lượng ca ghép tạng hàng năm gần như tăng theo cấp số nhân: lần lượt là 9, 24, 78, 129, 272, 289, và 800. Tuy nhiên những con số này mâu thuẫn với các con số trong các nguồn chính thức khác.
Trang đó cũng quảng cáo rằng thời gian chờ đợi được ghép gan là hai tuần – một điều chưa từng nghe thấy ở các nước có hệ thống hiến tạng tự nguyện.
Gan là loại nội tạng có thể giúp tính toán ra số vụ tử hình được thực hiện và lấy tạng. Vì gan là một cơ quan quan trọng, mỗi lần ghép một lá gan đầy đủ tương ứng với cái chết của một người cho tạng.
Cứ cho rằng tử tù ở Trung Quốc là nguồn nội tạng duy nhất phục vụ cho ghép tạng – điều này có đúng hay không chưa nói tới – nhưng số lượng bao nhiêu mới là điều rất quan trọng.
Nhưng điều khó hiểu với đồ thị này là nó chỉ thống kê tới năm 2004.
Một đồ thị từ trang web của Trung tâm Ghép tạng Đông phương thuộc Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân. |
Dữ liệu thu thập từ báo chí, truyền thông
Một cách lấy thông tin khác chính là theo dõi các số liệu trên các bản tin truyền thông. Với cách này, ta có số lượng các ca ghép gan ở Trung tâm Ghép tạng Đông phương là 78 vào năm 2000, tương tự như con số trong đồ thị trên.
Con số trên lấy từ một bài báo tâng bốc bác sĩ Trầm Trung Dương (giám đốc Trung tâm Ghép tạng Đông phương) trên Nhật báo Khoa học và Công nghệ, bài báo có tiêu đề "Ông đã đưa kỹ thuật ghép gan đạt đến đỉnh cao của y học thế giới". Một bản tin sau đó đã đưa ra con số lũy tích là 100 ca ghép gan tính đến năm 2000 (con số trên đồ thị là 111).
Năm 2001, không tìm thấy con số lũy tích, nhưng tổng số trong năm là 109 ca ghép gan và 80 ca ghép thận. Thông tin này lấy từ một cuốn bách khoa toàn thư y tế của Trung Quốc và các bản tin thời sự.
Năm 2002, không có số liệu của năm, nhưng có số lượng lũy tích là 300, theo một tiểu sử cá nhân của bác sĩ Trầm Trung Dương.
Năm 2003, tổng số lũy tích là 645 ca (mặc dù còn có đến 400 ca ghép tạng khác được thực hiện bởi các bác sĩ Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân tại nhiều bệnh viện khác trên khắp Trung Quốc, theo một bản tin của chế độ) và con số riêng năm 2003 là 253.
Chính vào cuối năm 2003 này, một ngân sách đã được phê duyệt để xây dựng Trung tâm Ghép tạng Đông phương cao 17 tầng.
Trong năm 2004, không có con số cụ thể của năm được công bố – nhưng tổng số lũy tích cho đến năm này đạt mức 1000 ca, theo một báo cáo trên Medical Education Net (một bộ bách khoa toàn thư rất lớn trên internet về y tế của Trung Quốc).
"Ông (Trầm Trùng Dương) đã đưa kỹ thuật ghép gan đạt đến đỉnh cao của y học thế giới" – Nhật báo Khoa học và Công nghệ |
Năm 2005, con số lũy tích không được công bố, nhưng số lượng trong năm là 647 (theo một tiểu sử chính thức, ca ngợi bác sĩ Trầm Trùng Dương được công bố vào năm 2014).
Năm 2006, 655 ca cấy ghép đã được ghi nhận, theo một tiểu sử chính thức của ông Trầm và một bài báo y tế do chính ông viết. Trong bài báo đó, ông nói rằng trung tâm của ông đã vượt qua kỷ lục thế giới về số ca ghép gan đã tồn tại suốt 10 năm qua của Đại học Pittsburgh.
Và kể từ sau bài báo đó … không có thêm thông tin nào được đưa ra.
Trung tâm Ghép tạng Đông phương của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân chính thức khai trương vào ngày 1 tháng 9 năm 2006. Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao, ngay khi số ca ghép tạng sẽ được dự kiến là sẽ tăng vọt nhờ có trung tâm mới, thì dữ liệu hàng năm không được công bố nữa.
Không rõ ngẫu nhiên hay không, nhưng vào tháng 3 năm 2006 bắt đầu xuất hiện các báo cáo cho rằng nhiều người bị giam giữ bất hợp pháp là nguồn nội tạng chủ yếu của ngành buôn bán nội tạng đang bùng nổ ở Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ các báo cáo trên, cho rằng chúng là các luận điệu tuyên truyền sai trái, mặc dù không bao giờ phản bác lại một cách nghiêm túc các lập luận hay suy luận trong các báo cáo đó.
Trong tất cả các nguồn thông tin có thể tìm thấy, chỉ có hai con số xuất hiện sau năm 2006, cả hai đều từ một nguồn, đó là tiểu sử cá nhân hoa mỹ của bác sĩ Trầm Trung Dương được viết bởi cơ quan tuyên truyền của thành phố Thiên Tân.
Dữ liệu từ tiểu sử chính thức của ông Trầm Trung Dương
Tiểu sử chính thức của bác sĩ Trầm Trung Dương, giám đốc Trung tâm Ghép tạng Đông phương, được công bố trên trang web ttwj.gov.cn, một trang web được điều hành bởi Văn phòng Nhân lực Dành cho Tổ chức Nhỏ của chính quyền thành phố Thiên Tân. Trang web đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của lãnh đạo thành phố này. Mục 'Về chúng tôi' của trang web này có viết rằng: "Đảng bộ và chính quyền Thiên Tân đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự".
Tiểu sử của bác sĩ Trầm liệt kê những thành công đáng kinh ngạc của ông này, ca ngợi tinh thần dám nghĩ dám làm của ông đã giúp xây dựng nên ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc, và cung cấp một vài con số về cấy ghép tạng.
Các số liệu ban đầu gần giống với những nguồn ở trên (đồ thị và các bản tin, báo cáo) và mặc dù sau năm 2006 không có con số chính xác nào được đưa ra, nhưng tiểu sử của bác sĩ Trầm tuyên bố rằng "trong hai năm tiếp theo Trung tâm Ghép tạng Đông phương đã trở thành trung tâm ghép gan đứng đầu về số lượng, và là trung tâm ghép tạng có quy mô lớn nhất châu Á".
Nó cho biết thêm, tính đến cuối năm 2013, Trung tâm đã thực hiện số lượng ca phẫu thuật lớn nhất ở Trung Quốc trong 16 năm liên tiếp. Một số kỹ thuật của nó đã đạt tới trình độ "tiên tiến nhất" thế giới.
Một điểm quan trọng là tiểu sử này cung cấp thêm một con số: Số lượng lũy tích "gần 10.000" ca ghép gan tính đến cuối năm 2014, được cho là chiếm một phần tư tổng số ca ghép gan toàn Trung Quốc.
Ngoài ra còn có thêm con số lũy tích 5000 ca ghép gan tính đến cuối năm 2010, đến từ một bài phát biểu của ông Trầm được đăng trên trang web Mặt trận Thống nhất, một đơn vị chiến tranh chính trị.
Dữ liệu trên được mô tả qua đồ thị dưới đây:
Số lượng tích lũy các ca ghép tạng qua từng năm ở Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân (Epoch Times) |
Các con số và chênh lệch giữa các năm thực sự quá cao, và quá khó có thể ăn khớp với báo cáo của chính quyền nói rằng nguồn nội tạng là từ các tử tù.
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao dữ liệu thống kê về số ca ghép tạng hàng năm không được công bố sau khi trung tâm ghép tạng chủ chốt này được xây dựng, nghi vấn được đặt ra là liệu các con số tròn trịa trên có đáng tin cậy không.
Theo các ghi chép khác, số lượng các ca ghép tạng trên thực tế có thể cao hơn như vậy rất, rất nhiều.
Có ba dấu hiệu ủng hộ cho khả năng vừa nói: một là những giai thoại về việc nở rộ dịch vụ ghép tạng cho khách du lịch Hàn Quốc; hai là số lượng ghép tạng đáng chú ý của các đồng nghiệp của ông Trầm Trung Dương tại Trung tâm Ghép tạng Đông phương; và ba là một phân tích số liệu bắt nguồn từ các hồ sơ xây dựng cải tạo của chính Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, được thu thập từ một cơ sở dữ liệu ít người biết đến của Trung Quốc.
Bệnh nhân Hàn Quốc tới Thiên Tân ghép tạng
Vào năm 2002, các bệnh nhân Hàn Quốc bắt đầu đổ xô tới Trung Quốc, và đặc biệt là tới Thiên Tân (nơi chỉ cách Seoul 90 phút máy bay từ Seoul), theo Lý Liên Tiến, y tá trưởng tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân.
Trong một bài báo có tựa đề "Một khảo sát về hàng vạn người nước ngoài đến Trung Quốc để ghép tạng" của Tuần báo Phượng hoàng (1), Lý nói rằng bệnh viện này đã ghép tạng cho hơn 500 bệnh nhân Hàn Quốc từ năm 2002 đến năm 2006.
Tất cả hơn 500 ca này được thực hiện trước khi Trung tâm Ghép tạng Đông phương đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2006.
Vì vậy, thời kì đó các bác sĩ ở trung tâm này phải tìm cách xoay xở phẫu thuật, điều trị cho số lượng rất đông bệnh nhân.
Một phần ba tòa nhà 12 tầng đã được chuyển đổi thành nơi phục vụ bệnh nhân ghép tạng; tầng 8 của một bệnh viện khác (Bệnh viện Tim mạch quốc tế) cũng được sử dụng cho bệnh nhân Hàn Quốc; và các tầng 24 và 25 của một khách sạn gần đó cũng được dành cho những người chờ đợi ghép tạng.
Hai y tá đã được phân công đến khách sạn này. "Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn bị thiếu giường", Lý cho biết.
Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân |
Thiên Tân là một điểm đến làm hài lòng các du khách ghép tạng Hàn Quốc vì ở Hàn Quốc họ thường chỉ có thể được ghép gan từng phần từ những người hiến tạng sống. Nhưng ở Trung Quốc, họ có thể nhận được toàn bộ lá gan, "và gan được hiến có chất lượng tuyệt vời", báo cáo cho biết.
Thủ tục cũng được tiến hành nhanh chóng: Bệnh nhân nước ngoài chỉ cần gửi hồ sơ bệnh án của họ qua fax, sau đó đi máy bay tới nơi ghép tạng. Thời gian chờ đợi được ghép tạng là vô cùng ngắn so với tiêu chuẩn ở các nước khác.
"Thời kỳ đầu, bệnh nhân phải chờ khoảng một tuần. Nhưng hiện nay, vì ngày càng có nhiều người xếp lượt chờ đợi, nên thời gian chờ đợi đã lâu hơn. Thời gian chờ đợi lâu nhất hiện nay là hơn ba tháng một chút", bài báo cho biết.
Ba tháng vẫn là một thời gian rất ngắn cho việc chờ đợi có được một lá gan.
Báo Phượng Hoàng đã trích dẫn tin từ Chosun Ilbo, một tờ nhật báo lớn của Hàn Quốc, rằng Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã thực hiện 44 ca ghép gan trong một tuần của tháng 12 năm 2004, trong đó có ngày thực hiện đến 24 ca (bao gồm cả ghép thận).
Theo Chosun Ilbo đưa tin, có cả bệnh nhân đến từ các nước khác: Nhật Bản, Malaysia, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Oman, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Quán cà phê ở khu tầng bốn đã trở thành một "câu lạc bộ quốc tế", là nơi mà các bệnh nhân của các dân tộc khác nhau gặp gỡ nói chuyện.
Bài báo còn nói về một giai thoại như sau: "Ngày nào các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện cũng bận rộn, họ đi lại như con thoi giữa các khu điều trị và các phòng phẫu thuật. Họ thậm chí không có thời gian để chào nhau.
Mỗi ngày họ lẩm nhẩm một câu giống nhau: 'Hôm nay mình rất bận, có 10 ca phẫu thuật hôm nay'. Một số bác sĩ còn làm việc suốt đêm trong phòng phẫu thuật".
Không có con số nào được đưa ra trong bài báo, nhưng ít nhất nó cũng xác nhận rằng các nhân viên tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã vô cùng bận rộn trước ngày hoàn thành tòa nhà ghép tạng mới – Trung tâm Ghép tạng Đông phương.
Nhân sự
Trung tâm ghép tạng Đông phương có 110 bác sĩ tham gia ghép gan và thận, trong đó có 46 bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ điều trị chính, và 13 bác sĩ điều trị, theo Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG). Tổ chức này gồm một mạng lưới các nhà nghiên cứu, họ đã kỳ công tập hợp danh sách nhân viên của hàng trăm bệnh viện trên toàn Trung Quốc.
Từ các bản tin truyền thông, các bài phát biểu của một số các đồng nghiệp của Trầm Trung Dương, cũng như thông tin trên trang web riêng của bệnh viện và các ghi chép khác, có thể thấy rằng phần đông các bác sĩ đều đã tiến hành rất nhiều các ca ghép tạng.
Ví dụ, vào năm 2011, phó giám đốc của bệnh viện là Chu Chí Quân đã thực hiện ít nhất 1400 ca ghép gan, trong số đó có 100 ca có người hiến tạng là người thân của bệnh nhân và gan được hiến từng phần, theo tiểu sử của ông Chu trên trang web "We Doctors Grop", một thư viện tra cứu bác sĩ Trung Quốc.
Ảnh bác sĩ Phan Thành (trái) và bác sĩ phẫu thuật chính Cao Vĩ. (Nguồn ảnh: WOIPFG) |
Tính đến tháng 7 năm 2006, phó khoa ngoại Phan Trừng đã đích thân thực hiện hơn 1000 ca ghép gan, và 1600 ca ghép mô gan.
Trưởng khoa ngoại Cao Vĩ đã hoàn thành hơn 800 ca ghép gan sau mười năm hành nghề, theo tiểu sử không đề ngày tháng của ông trên "Good Doctors Online", một cơ sở dữ liệu nổi tiếng khác về các bác sĩ Trung Quốc.
Phó khoa ngoại Tống Văn Lợi ở ban ghép thận đã thực hiện khoảng 2000 ca ghép thận; phó khoa ngoại Mộ Xuân Ba đã thực hiện hơn 1500 ca. Thông tin hai bác sĩ này lấy từ hồ sơ không đề ngày tháng cũng trên cơ sở dữ liệu "Good Doctors Online".
Một số ca ghép tạng trong số trên không khiến người hiến tạng phải chết – ví dụ, hàng trăm người hiến tạng là những người thân còn sống của bệnh nhân (giả thiết rằng nội tạng thực sự là từ người thân), nhưng rất nhiều ca còn lại thì người hiến tạng chắc chắn đã mất đi mạng sống.
Từ con số trung bình tổng các ca ghép tạng của các bác sĩ này, nếu suy ra số lượng các ca ghép tạng của các bác sĩ còn lại – mặc dù không hoàn toàn là một phương pháp tin cậy – ta sẽ có tổng số các ca ghép tạng cho đến năm 2014 lớn hơn nhiều lần so với con số được công bố là 10.000. Tuy nhiên, dù chỉ từ tiểu sử của vài bác sĩ, ta thấy rõ là các con số đã gần đạt tới con số 10.000 mà bệnh viện này công bố.
Tất nhiên, các bác sĩ mà công khai tiểu sử của mình có thể chỉ là ngoại lệ. Có thể họ đã thổi phồng các con số hoặc họ đã tham gia phẫu thuật chung – mọi khả năng đều có thể xảy ra. Bất kể là khả năng nào, thậm chí cả khi các con số được đưa ra đã bị giảm xuống đáng kể, tổng số ca ghép tạng của các bác sĩ dường như vượt xa những con số chính thức.
Nhưng các hồ sơ xây dựng cải tạo của bệnh viện này còn chỉ ra rằng số lượng các ca ghép tạng thậm chí có thể cao hơn vậy rất nhiều.
Cải tạo Trung tâm ghép tạng Đông phương
Được biết chính quyền thành phố Thiên Tân đã chi khoảng 20 triệu đô la Mỹ (khoảng 400 tỷ đồng Việt Nam) để xây dựng Trung tâm ghép tạng Đông phương, theo lẽ thường nó chỉ được xây cho một nhiệm vụ cụ thể nào đó.
Nhưng đây là ở Trung Quốc. Rất nhiều tiền chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bị lãng phí, chúng thường được sử dụng để làm đẹp số liệu kinh tế địa phương hơn là tạo ra các công trình cần thiết. Như vậy, các thông tin đơn thuần về xây dựng và cải tạo không thể cho chúng ta biết tất cả mọi điều.
Tuy nhiên có bằng chứng thuyết phục cho thấy tòa nhà mới xây đã được đưa vào sử dụng ngay lập tức với hiệu suất cao. Chi tiết này đến từ hồ sơ xây dựng và cải tạo của bệnh viện tại Cơ sở dữ liệu Xây dựng và Tu sửa Trung Quốc, một nguồn thông tin công khai được duy trì bởi một loạt các cơ quan chính quyền có liên quan. Nó cung cấp thông tin chi tiết về việc xây dựng và tu sửa các công trình khắp Trung Quốc.
Các tài liệu này chỉ ra những điều dường như đã cố tình bị che giấu trong tất cả các cơ sở dữ liệu công khai khác của Trung Quốc: đó là Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã hoạt động vượt công suất sau khi Trung tâm ghép tạng Đông phương được đưa vào hoạt động năm 2006.
Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân |
Bằng chứng chỉ ra điều trên là một file tài liệu dài 22 trang, có thể tải về sau khi tạo một tài khoản trên trang web google.com. Tài liệu này có vẻ như được hoàn thành vào cuối năm 2008 (dựa vào ngày chụp bức ảnh ở trang 13) và công bố chính thức vào tháng 10 năm 2009, trong đó có chứa thông tin về các lần cải tạo sau này của trung tâm mới xây, được thực hiện bởi Viện Thiết kế Kiến trúc Thiên Tân.
Tài liệu cho hay, quá trình cải tạo được thực hiện chủ yếu đối với tòa nhà chính, tòa nhà ngoại trú, và khu cấp cứu (quá trình tu sửa không động tới tòa nhà Trung tâm ghép tạng Đông phương), và bao gồm việc bổ sung các vật liệu cách nhiệt cho mặt tiền "để tiết kiệm năng lượng và tăng sự thoải mái của bệnh nhân". Khu ngoại trú cho bệnh nhân cũng được xây thêm một tầng nữa thành bốn tầng.
Nhưng dòng sau đây trong tài liệu mới có ý nghĩa then chốt: "Trung bình hàng ngày có 2000 dịch vụ dành cho bệnh nhân ngoại trú được thực hiện, công suất sử dụng giường bệnh là 86 phần trăm; công suất sử dụng giường bệnh phục vụ cho ghép thận và gan là 90 phần trăm".
Tổng số giường dành cho ghép tạng ở Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân trong giai đoạn này
"Công suất sử dụng giường bệnh là 86 phần trăm; công suất sử dụng giường bệnh phục vụ cho ghép thận và gan là 90 phần trăm". – theo các tiểu sử xây dựng cải tạo của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân |
là 500 giường, đều thuộc Trung tâm ghép tạng Đông phương. Tổng số giường tại bệnh viện là 1226, với 726 đã có từ trước khi xây trung tâm mới. Tổng diện tích sàn là 46.558 mét vuông, tài liệu này cho hay.
Như vậy, theo tài liệu này, 450 giường (công suất 90%) đã được sử dụng để cấy ghép, gan, thận, hoặc các nội tạng khác.
Theo quảng cáo trên trang web du lịch ghép tạng của Thiên Tân dành cho bệnh nhân nước ngoài, tổng thời gian dự kiến ở lại bệnh viện của một du khách có nhu cầu ghép tạng có thể kéo dài từ một đến hai tháng, tùy thuộc vào thời gian chờ đợi nội tạng, và thời gian hồi phục.
Nhưng thời gian lưu trú tại bệnh viên trên thực tế có khả năng ít hơn nhiều mức tối đa. Ví dụ, trải nghiệm của những bệnh nhân du lịch ghép tạng đã được thu thập bởi các nhà nghiên cứu Canada vào năm 2007 cho hay họ chỉ ở lại bệnh viện trong 7 ngày.
Một phó giám đốc ở Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh cho biết thời gian ở bệnh viện thường là 2 tới 3 tuần, và một mẫu thống kê các nguồn khác tại Trung Quốc cũng thường cho biết thời gian chờ đợi chỉ là 2 tuần. Có khả năng trình độ y tế đã được cải thiện, theo đó thời gian lưu trú tại bệnh viện đã giảm xuống.
Độ dài thời gian lưu trú trung bình tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với các ước tính tổng số ca ghép tạng có thể đã được thực hiện. Ví dụ, nếu thời gian lưu trú trung bình cho một ca ghép tạng là 30 ngày, thì ước tính có 5400 ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm tại Trung tâm Ghép tạng Đông phương từ cuối năm 2006 đến cuối năm 2008. Nếu thời gian lưu trú trung bình là 2 tuần, thì số lượng là 10.800 ca. Nếu là 2 tháng, thì số lượng là 2700.
Độ dài thời gian lưu trú trung bình tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc ước tính tổng số ca ghép tạng có thể được thực hiện
Nếu thời gian trung bình một bệnh nhân ở lại là 30 ngày cho mỗi ca ghép tạng, vậy thì tính từ cuối năm 2006 đến cuối năm 2008, có thể đã diễn ra 5400 ca ghép mỗi năm tại Trung tâm cấy ghép nội tạng Đông phương. Nếu thời gian là hai tháng, tổng số ca ghép sẽ là 2700.
Không thể biết được thời gian trung bình thực tế của mỗi bệnh nhân tại bệnh viện này, nhưng các bác sĩ phẫu thuật ghép tạng xét duyệt tài liệu này đã mặc nhiên thừa nhận một trong 2 con số trên là hợp lý.
Tuy nhiên thời gian nằm viện của người cần ghép tạng có thể còn ngắn hơn rất nhiều. Ví dụ theo dữ liệu thu thập từ 2 nhà nghiên cứu người Canada vào năm 2007 thì thời gian chờ đợi chỉ trong vòng 7 ngày.
Một trợ lý trưởng khoa tại Bệnh viện Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng thời gian nằm viện thường vào khoảng 2 đến 3 tuần và một trích dẫn khác từ các nguồn tin ở Trung Quốc đại lục cho thấy thời gian chờ đợi chỉ vào khoảng 2 tuần. Qua phân tích ở trên có thể thấy thời gian chờ đợi càng ngắn thì tổng số ca cấy ghép thực hiện trong một năm càng lớn.
Nhưng liệu có phải tần suất sử dụng dày đặc trên chỉ là hiện tượng trong hai năm đầu sau khi khai trương trung tâm mới? Không phải vậy, theo những báo cáo khác về quá trình cải tạo bệnh viện này. Tần suất này về sau đã nhanh chóng trở thành bình thường.
Dữ liệu có thể tìm thấy tiếp theo nói về công suất sử dụng giường bệnh liên quan tới ghép tạng tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân là một tiểu sử của bệnh viện này trên Enorth Netnews (cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Thiên Tân) vào ngày 25 tháng 6 năm 2014.
Nó viết rằng các khoa của bệnh viện đã "có những tiến bộ" trong năm 2013, và đã đạt được công suất sử dụng giường bệnh là 131,1 phần trăm, tăng 5,7 phần trăm so với năm 2012. (Báo cáo này không nói rõ bệnh viện đã đạt công suất hơn 100 phần trăm như thế nào, nhưng công suất sử dụng giường bệnh lớn hơn 100 phần trăm là chuyện phổ biến ở các bệnh viện Trung Quốc khi mà họ còn phải bố trí bổ sung thêm các giường bệnh vào các chỗ trống có thể).
Cho đến năm 2013, họ đã bố trí thêm 300 giường, nâng tổng số giường lên 1500 như hiện nay. Bệnh viện này cũng sẽ điều chỉnh lại số giường bệnh được bố trí tại các khoa, trong đó có Trung tâm ghép tạng Đông phương, dù nó không nêu rõ mỗi khu sẽ được bố trí bao nhiêu giường bệnh. |
Rất khó để biết bao nhiêu trong số 1500 giường của toàn bệnh viện, hoặc 500 giường ở Trung tâm ghép tạng Đông phương được sử dụng cho ghép tạng vào các năm 2012 và 2013.
Nhưng có một sự nhất quán trong các công suất sử dụng giường bệnh được báo cáo: công suất 90 phần trăm trong năm 2009, và 130 phần trăm trong năm 2013.
Không thể nhận xét được là liệu công suất đó từ năm 2009 đã giảm mạnh trong bốn năm, trước khi tăng vọt vào năm 2013, hay từ từ tăng lên giống như trong báo cáo chính thức (mặc dù chúng bị làm giả rõ ràng), mặc dù sự gia tăng ổn định có vẻ phù hợp với trực giác nhất và có tính nhất quán nhất.
Hơn nữa, bệnh viện này tiếp tục có thêm những công trình được xây dựng trong năm 2015 tại một vị trí mới mở, trong đó có một khu ngoại trú có thể phục vụ từ 6000 đến 7000 bệnh nhân mỗi ngày, một trung tâm cấp cứu có thể phục vụ 1200 người mỗi ngày, một bãi đậu xe ngầm đủ chỗ cho 2000 xe, và một sân bay trực thăng.
Công trình xây dựng mới, bắt đầu vào tháng 7 năm 2015 và được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, sẽ góp phần nâng tổng số giường bệnh lên 2000. Hiện chưa rõ có bao nhiêu trong số đó sẽ được dành cho việc cấy ghép.
(Còn tiếp)
Một bệnh viện được xây dựng để 'giết người' ở Trung Quốc Hàng chục ngàn người Trung Quốc có thể đã bị giết hại tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân nhằm phục vụ cho ngành ghép tạng thu lợi nhuận. |
Nội dung nghị quyết 343 của Mỹ lên án mổ cướp nội tạng ở TQ Nghị quyết 343 của Hạ viện Mỹ lên án mổ cướp nội tạng tù nhân ở Trung Quốc. |
Báo Mỹ: Chính quyền Trung Quốc cưỡng ép mổ bán nội tạng người Báo cáo năm 2007 của ông David Matas và Kilgour, mang tên “Thu hoạch đẫm máu” cho biết giá bán của một loạt nội tạng, cụ thể là: 98.000$-130.000$ một lá gan, 150.000$-170.000$ cho phổi. Như vậy các quan chức chính phủ Trung Quốc có động lực tài chính để tiếp tục chính sách vô nhân tính này. |
Bí mật về việc Trung Quốc lấy nội tạng tử tù (Bài 4) Ngày 10-8-2014, Tòa án tỉnh Giang Tây, đã tuyên phạt 12 đối tượng, trong đó có bác sĩ và nhân viên y tế trong đường dây mua bán thận, trục lợi hơn 1,5 triệu NDT (khoảng 250.000 USD) với các mức án từ 2 đến 9,5 năm tù giam. |
Matthew Robertson, Epoch Times và Sophia Fang, Epoch Times
VĐKN
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp