Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ma túy trá hình - hiểm họa từ cơn lốc mới

07:20 | 16/11/2015

2,325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 “Viên giấy”, “bánh lười”, “cỏ Mỹ” - toàn những cái tên nghe chừng như xa lạ, không liên quan gì đến ma túy nhưng thực chất đó lại là những thứ ma túy trá hình vô cùng nguy hiểm.

Một ngày nào đó, nếu bạn không biết gì về những thứ chết người này, có ai đó chìa cho bạn xem hoặc dúi vào tận tay bạn, bạn cũng không thể nhận ra đó là độc dược bởi vẻ ngoài cực kỳ bình thường của nó. Cỏ Mỹ, nhìn chỉ giống như những cây cỏ thông thường được sấy khô, kiểu như cây cỏ khô vẫn được bày bán ở các cửa hàng thuốc Nam ngoài chợ.

“Viên giấy”, nhìn chỉ là những viên nhỏ và ngửi thì thơm lừng. Còn bánh lười thì vẫn chỉ là những chiếc bánh, giống như bánh quy thông thường, ẩn trong những bao bì thật lộng lẫy như những gói bánh hạng sang vẫn bán đầy rẫy ở các cửa hàng.

Được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, ban đầu những thứ ma túy trá hình này chỉ được nhóm những thanh niên ăn chơi từng sống ở nước ngoài mang về sử dụng nhưng hiện đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn ở một số thành phố lớn…

Những “gia vị” giết người

“Cỏ Mỹ” được phát hiện thường là các gói thảo mộc khô cắt sợi nhỏ, được tẩm một số hoạt chất và có mùi hương đặc trưng. Tiếng nước ngoài gọi “cỏ Mỹ” là gia vị (spice), cần sa tổng hợp (synthetic cannabis), cần sa hợp pháp (legal marijuana), chất giống cần sa (cannabinoid). Thực chất “cỏ Mỹ” không phải là cần sa nhưng nó tác dụng gây ảo giác giống y cần sa.

Cần sa thuộc loại ma túy bị cấm còn “cỏ Mỹ” không phải cần sa nhưng chứa chất giống như cần sa mà không bị cấm nên người ta gọi nó là “cần sa hợp pháp”. Hoạt chất chính có trong “cỏ Mỹ” là XLR-11 (tên khác là: 5-fluoro-UR-144). Đây là một hóa chất do Công ty Dược phẩm Abbott tìm ra có tác dụng hạ sốt (hypothermic) nhưng sau đó người phát hiện nó gây ảo giác giống y như cần sa.

Từ năm 2012, “cỏ Mỹ” được dùng như cần sa hợp pháp và được giới trẻ nước ngoài lạm dụng rất nhiều.Việc sử dụng cỏ Mỹ cũng khá đơn giản. Hỗn hợp cây cỏ này được cắt vụn rồi dùng giấy chuyên dụng (loại để quấn thuốc lá) bán đầy rẫy ở các cửa hàng thuốc lá tại nhiều tuyến phố quấn lại và hút như hút thuốc lá thông thường.

Cháu tôi, một học sinh trung học thuộc loại ăn chơi ở quận Hoàn Kiếm, bảo: “Tối tối, cô cứ lên khu vực phố Nhà Thờ xem chúng nó (ý chỉ các cô cậu choai choai - PV) “trà chanh chém gió” mà xem! Chúng nó hút đầy. Thơm lừng. Chả ai biết đấy là “cần” hay “cỏ”. Cũng chính bởi nó “sạch” và “thơm”, đã thế lại “hợp pháp” nên cỏ Mỹ dần dần đánh bại các loại cần sa, tài mà giá rẻ.

ma tuy tra hinh hiem hoa tu con loc moi

Lượng thanh niên ăn chơi, trong đó có không ít học sinh trung học, sử dụng và lệ thuộc vào “cỏ Mỹ” ngày một nhiều. Trên  mạng xã hội, những trang rao bán “cỏ Mỹ” không hề ít. Những mời chào kiểu: “Chỗ mình bán 1 gói nguyên team là 300k 5 gói thì 270k, 10 gói thì 250k… ngoài ra còn có bịch lẻ 100k nữa. Anh em ai thích thì liên hệ số đt 0126xxxxxx nhé… mình sẽ ship tận nơi cho các bạn” đầy rẫy trên mạng.

Ngoài ship (giao hàng) tận nơi, những người ở xa có nhu cầu mua sẽ được người bán chuyển bằng đường bưu điện. Nhiều vụ vận chuyển “cỏ Mỹ” đã bị cơ quan chức năng phát hiện.

Mới đây, lực lượng cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ tại Đông Anh trong khi kiểm tra hành chính 2 đối tượng có biểu hiện nghi vấn đã phát hiện trong người chứa một gói “cỏ Mỹ”. Đối tượng khai nhận đây là một dạng chất kích thích tương tự ma túy, cần sa, khi hút loại cỏ này sẽ tạo cảm giác “phê” giống như một số loại ma túy tổng hợp khác.

Công an tỉnh Đắk Lắk bắt được 2 vụ. Vụ thứ nhất, đối tượng là Vũ Mạnh Phú (22 tuổi), trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar đang bán “cỏ Mỹ” hiệu Bonzai cho Phạm Phú Nam (16 tuổi), cùng trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, thu giữ tại chỗ 6 gói nilon nhỏ chứa “cỏ Mỹ”.

Vụ thứ hai, qua mạng Internet, đối tượng có tên là Trung, ở TP Buôn Ma Thuột “đặt hàng” Trần Nam Thành, trú tại phố Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội mua ma túy gửi vào cho Trung.

Ngày 6-9, Thành đã mua một ít “cỏ thơm” và 1 gói ma túy đá với giá 1,5 triệu đồng, bỏ trong hộp giấy gửi vào cho chị gái là Trần Thị Huyền Trang, trú tại TP Buôn Ma Thuột, nhờ chị Trang nhận hộp giấy này, sẽ có người đến lấy…

Ngày 8-9, chị Trang đưa hộp giấy có chứa ma túy đến chợ nơi chị bán hàng tạp hóa thì bị Công an phát hiện. Bên trong hộp giấy, ngoài số ma túy đá có trọng lượng hơn 4,4 gram, một gói thảo mộc khô ghi chữ “Scooby Snax”, có trọng lượng gần 2 gram nghi là “cỏ Mỹ”.

Cùng với cỏ Mỹ là “viên giấy”. Đây cũng được coi là một loại ma túy trá hình mà nhìn bên ngoài, chúng tôi dám chắc là rất ít người phát hiện được. “Viên giấy” bản chất là một chất gây ảo giác tên đầy đủ là Lysergic Acid (LSD).

Theo một chuyên gia về tiền chất ma túy, LSD là loại ma túy tồn tại ở dạng viên nhộng, viên nén. LSD gây ảo giác mạnh, khiến mắt người sử dụng bị khuếch đại, sai lệch về các hình thể, lẫn lộn độ gần xa, không phân biệt được sự tiếp giáp giữa sáng tối, đặc biệt là vùng tiếp giáp về màu sắc.

Người sử dụng LSD sẽ mất đi cảm giác sợ hãi, làm được những việc mà người bình thường không làm được như nhảy từ độ cao hàng chục mét. Nó cũng khiến người sử dụng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. LSD là một chất gây nghiện, đã bị cấm lưu hành ở nhiều nước trên thế giới.

Trên thị trường, LSD chủ yếu xuất hiện ở dạng “viên giấy” - là giấy được sao tẩm LSD. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5x1,5cm. “Viên giấy” được gắn một lớp nilon mỏng có khả năng tan trong nước và chất cồn, đặc biệt nó có tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác  là lưỡi.

Thời gian để “viên giấy” tan hết trong miệng thường là 3 giờ, song chỉ cần ít phút từ khi ngậm nó, “thuốc” sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng.

Về LSD, một dân chơi kể, phương Tây thường gọi mỗi cuộc chơi LSD là một “trip” (một cuộc du hành, du lịch) vì LSD gây ảo giác đến nỗi cảm giác đưa ta vào một thế giới hoàn toàn khác.

Giống như “viên giấy”, “bánh lười” cũng rất khó phát hiện đó là ma túy. Bởi nhìn bên ngoài, nó giống như những chiếc bánh thông thường. Phụ huynh, nếu không biết, thấy con ăn, tưởng là bánh có khi còn khuyến khích.

Tuy nhiên trên thực tế, “bánh lười” không ngọt ngào, thơm ngon như vẻ bề ngoài của nó. Nguyên liệu để làm “bánh lười” gồm phần búp của cây cần sa (hay còn gọi là pin, cỏ) được xay nhuyễn rồi trộn với bơ.

Hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, chocolate… rồi nướng như cách làm bánh brownie thật nên thoạt nhìn trông nó sẽ rất ngon mắt, nhưng khi ăn, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác “phê”, đầu óc được giải phóng…

Đặc biệt, tác dụng phụ của loại ma túy này là khiến cho người sử dụng dễ buồn ngủ, chỉ thích nằm (ngồi) một chỗ và… cười. Vì thế, bánh này còn được gọi là “bánh lười”.

Hoảng hốt với “bánh lười”, một nữ nhân viên hiện đang làm cho một công ty nước ngoài kể lại với báo chí về chuyện chị đã mắc lừa một nhóm bạn để bị sử dụng “bánh lười” rằng, bao bì của chiếc bánh khá đơn giản nó được bọc trong một chiếc túi nilon, ở ngoài có dòng chữ Lazy Cakes - Brownie.

Nhìn thấy dòng chữ này trên chiếc bánh chị không hề nghi ngờ bởi theo hiểu biết của chị, brownie là một loại bánh ngọt khá phổ biến ở châu Âu. Hình thức của chiếc bánh mà người bạn kia mang ra cũng khá giống với những chiếc bánh browine mà chị đã từng thưởng thức trước đó.

Tuy nhiên, chừng khoảng 15 phút sau khi ăn bánh, chị bắt đầu bỗng thấy có cảm giác khó chịu, người mềm nhũn và toàn thân nặng trịch, mắt cứ hoa lên, còn đầu óc thì quay cuồng. Tay chân không nhấc lên được, người cũng không xoay được, cảm giác như có người kéo mình nằm bệt xuống. Sau này, chị mới biết đó chính là “Bánh lười” và những người bạn thấy chị quá ngoan hiền nên bày trò để trêu chị.

Hiểm họa

Dù được gọi với những cái tên rất đỗi bình thường, thậm chí “lành hiền” có vẻ không liên quan đến ma túy nhưng “cỏ Mỹ”, “bánh lười”, “viên giấy” thực chất là một dạng khác của ma túy và người sử dụng cũng sẽ bị lệ thuộc vào nó như lệ thuộc vào ma túy. Hoặc nói như một dân chơi mà chúng tôi đã gặp - “trắng phớ luôn, là nghiện”.

Nhưng nghiện, chỉ là giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình. Bởi tất cả những loại ma túy trá hình kể trên đều gây ảo giác cho nên bị cuồng vì nó, liều mình như chẳng có dám làm những việc mà khi tỉnh táo có thể không dám làm, chính là sự nguy hại trước mắt dễ nhìn thấy nhất.

Kể về ảo giác sau khi dùng “cỏ Mỹ”, một thanh niên xin được giấu tên, buồn rầu nói: “Ngu nhất là tưởng nó không có ma túy như quảng cáo nên dùng tẹt ga. Hút dễ như hút thuốc lá, lại thơm nữa chứ. Chỉ cần rít một hơi thôi là hương thơm đượm cả khoang miệng. Hút xong rồi người như trên mây. Cảm giác như mặt đất rất gần với nóc tầng 10, với chân là xuống”.

Nhưng, nói như một dân chơi thì “ngu” còn là ảo giác dễ chịu nhất. Còn điên loạn, không kiểm soát được lý trí, nhìn ai cũng muốn đập cho bét nhè mới là đáng sợ. “Có đứa bạn em, nhìn thấy bố mẹ trong nhà lại tưởng là hổ, muốn xông vào giết”. Ảo giác ấy mới dễ đưa người nghiện đến nhà giam!

Xin được khép lại bài viết này bằng những cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP HCM) về hiểm họa của những chất ma túy gây ảo giác này: “XLR-11 có trong “cỏ Mỹ” được xác định là chất kích thích (chủ vận) thụ thể cannabinoid có trong não động vật kể cả người, gây các tác dụng chủ yếu là có hại, thậm chí mạnh hơn tác dụng của cần sa nhiều: ảo giác mãnh liệt, loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, lo lắng, có tư tưởng cực đoan dễ hành động gây hại cho mình và cho người khác…

Đã có nhiều báo cáo cho thấy người say chất ảo giác là cần sa nhảy lầu như: chơi vì có ảo giác khoảng cách lầu cao và mặt đất quá gần trong khi bản thân trở thành chim có thể vỗ cánh bay. Còn “cỏ Mỹ” đã được xác định gây cho khá nhiều người hút nó bị tổn thương thận cấp.

Hiện nay, nhiều nước cấm dùng “cỏ Mỹ” như: Liên minh châu Âu, New Zealand. Còn ở Mỹ, có 2 bang là Florida và Arizona đã có lệnh cấm mua bán, sử dụng “cỏ Mỹ”, trong khi FDA Mỹ đã đưa “cỏ Mỹ” thuộc diện các chất hóa học cần phải quan tâm.

Nguy hại của lạm dụng chất gây ảo giác như “cỏ Mỹ” còn phải kể là rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Bởi vì, khi đã quen với cảm giác “phê” với ảo giác, người hút rất dễ và sau đó có sự cưỡng chế, tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn.

Người đã quen hút “cỏ Mỹ” để “phê” thì sẽ có lúc chơi “thuốc lắc”, “hàng đá”. Đến lúc này sẽ chơi thử heroin, từ hút đến tiêm chích, và rồi, chắc chắn sự nhiễm HIV/AIDS đến để gióng hồi chuông báo tử. Giới trẻ xin đừng lạm dụng nó mà hại thân!”.

 

Song Thi

Năng lượng Mới 474