Làm thêm - Bài toán đau đầu đối với sinh viên
Ảnh minh họa. |
Luật này có 8 chương, 145 điều, với những quy định toàn diện, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua là Điều 30, quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên: “Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động”.
Băn khoăn nhất chính là số giờ lao động trong một tuần. 48 giờ là ít hay nhiều? Những sinh viên “nhà có điều kiện”, đi làm để trải nghiệm, đi làm “cho vui”, thì thấy thời gian đó là hợp lý, nhưng số đông cần có thu nhập để bù cho nguồn chu cấp eo hẹp của gia đình thì thấy như vậy là quá ít. Ít bởi mỗi giờ làm thêm đối với những công việc lao động chân tay thường chỉ được trả 20 đến 25 nghìn đồng. Như vậy tuần làm thêm 48 giờ thì chỉ kiếm được khoảng 1 triệu đồng.
Tôi có đứa cháu gái đang học Đại học Tài chính. Cháu bảo, tìm việc làm phù hợp với chuyên môn đang học khó lắm. Cháu làm part time (bán thời gian) ở một quán cà phê, mỗi giờ được trả 25 nghìn đồng. Đầu tuần cứ xem lịch học, “hở” khoảng nào là đăng ký với chủ quán đi làm, cho nên cũng có thêm chút đỉnh đóng tiền học và mua sắm đồ dùng cá nhân, bớt gánh nặng cho bố mẹ làm nông ở quê. Cũng có bạn ở trường khác vào dịp đi thực tập thì có thể làm full time (toàn bộ thời gian), sẽ có mức thu nhập cao hơn.
Bù lại khoảng thời gian làm thêm các bạn sinh viên sẽ vô cùng vất vả, chuyện trắng đêm học bài, ôn thi là... bình thường. Họ rất ít thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Ngày lễ ngày tết cũng không về quê mà ở lại thành phố đi làm. “Nghề” làm thêm thì đủ, từ làm gia sư, biên dịch sách báo, đến bán hàng tại các shop thời trang, chạy xe ôm, cửu vạn, bưng bê ở nhà hàng... Sinh viên báo chí, văn chương xem ra có vẻ sang trọng hơn thì tìm đến các tòa soạn báo xin thực tập và đi viết tin bài đăng báo. Nhà báo tương lai nào viết giỏi thì cũng có thu nhập chính đáng từ nhuận bút. Nhưng chuyện này khó như “hái sao trên trời”, vì để có thể làm việc với chính quyền, doanh nghiệp đã khó, đăng bài càng khó hơn.
Trở lại vấn đề chính, nhiều chuyên gia lao động việc làm cho rằng, quy định sinh viên làm thêm 48 giờ trong tuần là không phù hợp, nói rõ hơn là quá ít.
Không phải chỉ ở nước ta mà sinh viên các nước trên thế giới cũng đều được khuyến khích đi làm ngoài giờ học, một phần để có thêm thu nhập, phần khác là để gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Chúng tôi có dịp đến một số nước châu Âu, mới nhất là đến Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Trung bình các nước châu Âu như Pháp, Hà Lan, Anh... cho phép sinh viên làm thêm mỗi năm không quá 1.000 giờ (trung bình mỗi tuần 20 giờ).
Tuy nhiên, ở châu Á, thời gian cho phép làm thêm nhiều hơn. Cụ thể, sinh viên tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan được phép làm thêm không quá 30 giờ mỗi tuần. Xin lưu ý, những quốc gia nêu trên là các nước phát triển, thu nhập cao. Và con số giờ làm thêm chỉ áp dụng đối với sinh viên từ các quốc gia khác đến du học, không có giới hạn nào với sinh viên trong nước. Còn Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập trung bình, không thể áp dụng như vậy.
Khi quy định về việc tham gia lao động cần thực hiện đúng luật pháp, coi lao động là quyền của mỗi công dân. Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng trong quyền được làm việc. Theo đó, sinh viên cũng có đầy đủ các quyền lợi như mọi công dân. Chỉ có sinh viên quốc tế mới phải tuân thủ quy định về số giờ làm thêm, với mục đích bảo vệ quyền cư trú hợp pháp và bảo vệ lao động nội địa.
Qua các phân tích nêu trên, chúng tôi thấy, dự thảo Luật Việc làm yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người lao động nhưng lại giới hạn về giờ làm việc của sinh viên là mâu thuẫn. Đấy là nói bài bản, còn nói giản dị hơn thì việc tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tìm việc và làm việc tốt là giúp họ có thêm đồng ra đồng vào và trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, tích lũy kinh nghiệm, nhất là các bạn chọn được công việc gần với chuyên môn được đào tạo. Kiến thức là cái học được, tích lũy được, còn kỹ năng là khả năng ứng dụng và thực hành. Sinh viên sư phạm đi làm gia sư, sinh viên mỹ thuật đi vẽ tranh, sinh viên âm nhạc đi biểu diễn (dẫu chưa phải ở những sân khấu sang trọng)... thì còn gì lý tưởng hơn.
Tôi nhớ mãi tâm sự của một sinh viên năm cuối Học viện Báo chí & Tuyên truyền: Đi làm thêm có được và có mất, nhưng được nhiều hơn mất. Được nhất là tự chủ, tự lập, tự hoàn thiện mình. Còn mất, có thể là, không bố trí hợp lý thời gian học và làm, căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, và không tránh khỏi rủi ro, thậm chí bị lừa gạt. Hãy coi mất là học phí cho mình. Thay vì ngần ngại, than vãn, hãy tỉnh táo và thử sức mình để không vuột mất cơ hội!
Hải Đường