Nhọc nhằn đường về quê ăn Tết
Nhà xe “móc túi” hành khách
Chỉ còn một ngày nữa là tới đêm giao thừa, có rất nhiều viên chức, người lao động và sinh viên được nghỉ Tết, nên số lượng hành khách tại các bến xe, bến tàu tăng đột biến và thường xuyên diễn ra tình trạng tắc nghẽn.
Các bến xe buýt, xe khách như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước ngầm hay ga tàu Lê Duẩn, Trần Quý Cáp … đều có chung một tình trạng: người chen người, xe chen xe. Hành khách ngồi la liệt, chen chúc nhau tại băng ghế chờ, người không đủ kiên nhẫn thì nhấp nhổm, thậm chí ra luôn bãi xe hay ven đường để mong có được tấm vé về nhà càng sớm càng tốt.
Các xe khách đều không chạy đúng tuyến, đúng giờ mà chỉ cần đủ khách là chạy, nhiều xe còn diễn ra tình trạng “nhồi nhét” khách. Một ghế có 2, 3 người ngồi, nhiều người còn ngồi ghế nhựa ở lối đi, nhưng không hành khách nào “dám” kêu ca.
Càng gần Tết, giá vé xe khách càng bị nhà xe “hét” cao khiến nhiều hành khách “choáng váng”. Bạn Vũ Thùy Linh (Sinh viên ĐH Khoa học XH và Nhân văn), quê Thái Bình chia sẻ : “Mọi lần em đi xe khách về quê chỉ mất 65.000 đồng/vé, hôm nay hỏi chỗ nào cũng đã tăng lên 100.000 đồng/vé, thậm chí có xe còn đòi 130.000 đồng. Bây giờ xe nào cũng thế, không đi thì biết bao giờ về được nhà”.
Đồng cảnh ngộ với bạn Linh, bạn Nguyễn Linh Chi (nhân viên văn phòng, quê Nghệ An) ngao ngán: “Năm nay không mua được vé tàu ở ga, nên mình đành phải mua vé “chợ đen”. Phải trả 400.000 đồng/vé, bình thường chỉ có 280.000 đồng/vé thôi. Thế nhưng không mua nổi vé lượt ra. Chẳng lẽ về rồi lại không ra?”.
Không may mắn có được tấm vé về quê như hai bạn trên, bác Lê Văn Đình (người lao động) quê Thanh Hóa cười khổ: “Năm nay ít người thuê làm, nên tôi ở cố thêm mấy hôm xem có kiếm được cái áo cho các cháu không mà khó khăn quá, đành về sớm. Cứ nghĩ Tết nhất cũng tăng giá, cùng lắm là vài chục nghìn, thế mà giờ người ta bảo 200.000 đồng/vé. Tôi vay mượn của anh em bạn bè cũng chỉ được 180.000 đồng. Tết này tôi về quê làm sao?”.
Đắng lòng đón Tết xa quê
Không may mắn như nhiều người có được tấm vé về đoàn tụ với gia đình, người thân trong những ngày Tết cổ truyền, có một số lượng lớn sinh viên và người lao động phải “đắng lòng” chịu cảnh ăn Tết xa nhà.
Bạn Đỗ Việt Trung (ĐH Giao thông Vận tải) cho biết: “Mình tranh thủ ở lại mấy ngày Tết để làm thêm, thu nhập gấp 3, 4 lần bình thường. Cũng biết là Tết thì phải ở bên bố mẹ, gia đình, nhưng bố mẹ khó khăn, mình đi làm thế này cũng coi như thêm vào tiền ăn học”.
Cũng giống như Trung, rất nhiều bạn sinh viên lựa chọn cách đón Tết tại Hà Nội để giảm bớt một phần áp lực tiền bạc cho gia đình. Vào những ngày giáp Tết và 3 ngày Tết, một số cửa hàng phục vụ ăn uống, siêu thị hay rạp chiếu phim thường đưa ra mức lương ưu đãi hơn rất nhiều so với những dịp trong năm.
Cũng như bạn Trung, bác Nguyễn Thị Hoa (người giúp việc) quê Phú Thọ chia sẻ: “Năm nay nhà chủ cứ giữ tôi lại, vì nhà có ông bà già yếu, cháu lại còn nhỏ, 2 cô chú xoay xở không được. Cô chú cũng thưởng Tết và quà bánh cho nhà tôi nên tôi cũng đành ở lại đỡ người ta một tay. Nhớ nhà, nhớ quê, nhưng miếng cơm manh áo thì sao bỏ được”.
Có công ăn việc làm ổn định trong một cơ quan nhà nước, nhưng anh Nguyễn Thái (nhân viên văn phòng) cũng lựa chọn cách ăn Tết tại Hà Nội. Anh nói: “Thưởng Tết chỉ được hơn 1 triệu, cả tiền lương cũng chỉ ngót nghét 4, 5 triệu. Giờ về quê ăn Tết, lại phải mất thêm một khoản quà cáp, bánh kẹo… thì chẳng biếu được bố mẹ bao nhiêu. Tôi đành nói dối là cơ quan phân công trực Tết, chỉ gửi được tiền về cho bố mẹ sắm Tết, chứ mình cũng không dám về”.
Tết Nguyên đán là dịp Tết quan trọng nhất của Việt Nam, là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình, người thân, nhưng với nhiều công chức, người lao động và sinh viên, đường về quê sao gian nan và nhọc nhằn đến vậy!
Vương Tâm
-
Năm học mới, tân sinh viên “nháo nhác" tìm phòng trọ
-
Startup Kite 2024: Thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
-
Truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên khát vọng khởi nghiệp
-
TP HCM: Hơn 10.000 vị trí việc làm cho sinh viên, người lao động
-
Yêu cầu doanh nghiệp vận tải không tùy tiện tăng giá cước dịp nghỉ lễ
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn