Làm gì để giá hàng hóa giảm theo giá xăng?
Làm gì để giá hàng hóa giảm theo giá xăng? |
Ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA): Chi phí sản xuất tăng
Ông Trương Tiến Dũng |
Giá xăng dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi hàng hóa tiêu dùng rất đa dạng. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ giá nguyên liệu, chi phí đầu vào, tiền nhân công, điện nước, chi phí vận chuyển logistics... tăng cao. Tất cả các yếu tố này chưa có dấu hiệu giảm giá.
Trong lĩnh vực hàng hóa lương thực, thực phẩm, có hai nguồn là tự sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việt Nam cũng nhập gia súc, gia cầm và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác. Thời gian qua, giá hàng hóa nhập khẩu tăng, chi phí vận chuyển quốc tế (logistics) tăng tối thiểu 5-15 lần, tùy theo vùng vận chuyển. Ở trong nước, sau dịch Covid-19, việc nuôi trồng dần phục hồi, nông dân quay lại sản xuất, nhưng thực tế chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, vẫn có thời điểm, một số mặt hàng sản xuất lương thực, thực phẩm thiếu và cung ứng chưa kịp thời.
Giá xăng giảm liên tiếp trong thời gian vừa qua là tín hiệu đáng mừng, giúp chặn đà tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có thể kéo giá tiêu dùng xuống, tôi cho rằng cần có thời gian, độ trễ. Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa tiêu dùng được kiểm soát, giá một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường sẽ trở lại bình ổn.
Việc điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ và cần quyết liệt hơn nữa về cơ chế điều tiết giá trên thị trường.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Nỗ lực bình ổn giá
Ông Nguyễn Nguyên Phương |
Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vẫn nỗ lực kìm giá và chỉ điều chỉnh tăng 4 lần từ đầu năm đến nay với rất ít mặt hàng. Cụ thể, doanh nghiệp điều chỉnh giá lần 1 đối với sản phẩm sữa, lần 2 chỉ tăng giá sản phẩm tương ớt, lần 3 điều chỉnh giá trứng gia cầm và lần điều chỉnh thứ 4 là tăng giá thịt lợn.
TP HCM đang cố gắng “kìm cương” giá hàng hóa tiêu dùng. Riêng về giải pháp bình ổn giá trong thời điểm hiện tại, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp quản lý giá, bình ổn thị trường, ưu tiên bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa trẻ em, dược phẩm. Ngoài ra, thành phố chủ động tìm kiếm nguồn cung từ các địa phương khác, do sản phẩm nông nghiệp của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu khi sản lượng thấp. Đồng thời, thành phố cũng tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, kích thích tiêu dùng, góp phần giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngành Công Thương đặc biệt chú ý đến các giải pháp liên quan đến việc khuyến khích hệ thống phân phối giữ chiết khấu hợp lý, không tăng theo giá xăng dầu, giúp cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM tính toán các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trần Phú - Phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM: Đẩy mạnh quản lý giá
Ông Nguyễn Trần Phú |
Sở Tài chính TP HCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023 rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay; rà soát, đánh giá, điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá. Do giá xăng dầu vừa qua đã liên tiếp nhiều lần điều chỉnh giảm, việc rà soát giá nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Trường hợp điều chỉnh giảm giá, doanh nghiệp có văn bản đăng ký giảm giá kịp thời gửi về Sở Tài chính. Trường hợp không điều chỉnh giảm giá, đề nghị các doanh nghiệp cũng phải có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để Sở Tài chính làm cơ sở xem xét.
TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế: Thiết lập mặt bằng giá mới
Ông Lê Đăng Doanh |
Nếu giá cả các loại hàng hóa không giảm sẽ tác động lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2022, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, bên cạnh Nga - Ukraine, sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ xuất hiện mới đây cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Đáng lưu lý, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa những tháng cuối năm 2022 tăng cao. Để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta phải tìm mọi cách để thiết lập một mặt bằng giá mới, phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu.
Tôi được biết, trên thị trường thế giới, hàng hóa sản xuất sẽ giảm ngay sau khi giá xăng giảm, không giảm giá sẽ không thể cạnh tranh được. Do đó, nếu hàng hóa trong nước không giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu, đặc biệt không thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hợp để giá nguyên, nhiên liệu và giá cả hàng hóa trong nước được điều chỉnh phù hợp theo giá xăng. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao khả năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường trong nước, ổn định đời sống người dân, giúp doanh nghiệp hồi phục.
Để kiểm soát giá cả hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; giao Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng có công văn chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường giám sát giá. |
Thanh Hồ
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024