Lách vòng vây của phương Tây, Nga có thể giảm 30% giá dầu cho châu Á
Một số nước phương Tây đã đưa ra ý tưởng áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga (Ảnh minh họa: AFP). |
Bloomberg ngày 24/8 dẫn lời một quan chức phương Tây cho biết, Nga đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để thảo luận về các hợp đồng mua bán dầu dài hạn với mức chiết khấu lên tới 30%.
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang cố gắng ngăn chặn các cuộc thảo luận của Nhóm G7 về việc đưa ra một ngoại lệ cho các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga.
Kế hoạch này sẽ cho phép các bên thứ ba dễ dàng mua dầu thô của Nga với mức giá thấp như các quốc gia phương Tây đặt ra.
Nga được cho là đang cố gắng thu hút những người mua mới cho loại dầu mà nước này hiện bán cho châu Âu.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết, Nga đã đề nghị bán dầu cho nước này "với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế". Ông nói thêm rằng, Tổng thống Joko Widodo đang xem xét lời đề nghị của Nga, "nhưng có sự bất đồng, có những lo ngại rằng chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ".
Do phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu của Nga mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc khiến giá tăng cao. Đó là lý do một số nước đưa ra ý tưởng áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, nghĩa là áp đặt một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà Nga sẽ nhận được.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, dựa trên chi phí sản xuất dầu và giá dầu của Nga trước khi xung đột Ukraine nổ ra, phương Tây đang tính áp trần giá bán dầu Nga quanh 40-60 USD/thùng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ khi giá bán dưới mức trần.
Mỹ và hầu hết các nước EU đã đồng ý ngừng mua dầu từ Nga, tuy nhiên, điều này giúp các khách hàng khác mua được dầu Nga với giá thấp hơn, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và một số nước châu Phi, Trung Đông. Việc thuyết phục các nước này tham gia kế hoạch áp giá trần dường như khó khả thi, chưa kể nếu kế hoạch không được thực thi thận trọng có thể khiến giá dầu tăng vọt.
Một số quốc gia châu Âu ủng hộ ý tưởng loại bỏ ngoại lệ đối với mức trần cho dầu Nga. Tuy nhiên, một số nước khác cho rằng điều này chỉ hiệu quả nếu phần lớn các nước mua dầu Nga ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, đồng ý tham gia lệnh cấm của phương Tây.
Moscow nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây áp trừng phạt với ngành năng lượng của Nga không khác nào "tự sát". Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ ngừng cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp giá trần. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, giá dầu sẽ tăng vọt nếu phương Tây áp giá trần với dầu mỏ Nga.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới