Kỳ vọng Chính phủ kiến tạo, hành động
PV: Xin ông cho biết nhìn nhận của mình về những nỗ lực của Chính phủ trong Năm doanh nghiệp 2016?
TS Vũ Tiến Lộc: Cộng đồng DN cả nước cảm nhận và đánh giá cao tinh thần và hành động của Chính phủ theo hướng kiến tạo, phục vụ người dân và DN. Ngay khi Chính phủ mới được thành lập, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt các DN vào dịp 30-5 và 1-5-2016 tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Sự kiện này đã đánh dấu sự đồng thuận, thống nhất trong việc thúc đẩy cải cách giai đoạn sau Đại hội Đảng, với tinh thần thần tốc và táo bạo nhằm thực hiện công cuộc đổi mới trong giai đoạn mới.
Cùng với thông điệp về chính phủ hành động, chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo, Thủ tướng cũng ra nghị quyết đầu tiên về phát triển DN ở Việt Nam - Nghị quyết 35/NQ-CP. Có thể nói, đây chính là nghị quyết đầu tiên về khởi nghiệp của Việt Nam và cũng là lần đầu tiên, trong nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển DN, phấn đấu tới năm 2020 đất nước có 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả.
TS Vũ Tiến Lộc |
PV: Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 35 là xây dựng một chính phủ kiến tạo. Vậy theo ông tư tưởng phục vụ DN trong Nghị quyết đã được thể hiện như thế nào?
TS Vũ Tiến Lộc: Chính phủ kiến tạo không phải là sáng kiến của Việt Nam, là khái niệm chung của thế giới. Thực ra, chúng ta phải theo con đường chung của thế giới để xây dựng chính phủ theo hướng đó. Tôi nghĩ mọi chính phủ của nền kinh tế hiện đại đều được xây dựng theo hướng chính phủ kiến tạo. Nếu chính phủ quản lý, chính phủ cai trị sẽ không có được nền kinh tế phát triển. Lần đầu tiên trong Nghị quyết Chính phủ đã khẳng định rõ ràng sự thay đổi về quan điểm giữa chính phủ và DN, giữa doanh nhân và công chức, thực sự trở thành bạn đồng hành, là đồng chí; chứ không phải người quản lý và người bị quản lý; không phải là quan hệ xin cho.
PV: Vậy qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 và 19/NQ-CP của Chính phủ, có thể ghi nhận được kết quả thế nào với cộng đồng DN thưa ông?
TS Vũ Tiến Lộc: Với nỗ lực phấn đấu trở thành 3 nền kinh tế có sức cạnh tranh về môi trường kinh doanh hàng đầu trong khu vực cùng với Singapore và Malaysia, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hết sức cần thiết, nhất là trong một số lĩnh vực như hải quan chẳng hạn. Trong quá trình theo dõi đến nay, tôi thấy hầu hết các tỉnh đều có chương trình hành động theo Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 và áp dụng những mô hình mới, ví dụ như thành lập trung tâm hành chính công, cơ quan xúc tiến đầu tư theo quan niệm mới…
Đây cũng là mô hình chung của các địa phương trên cả nước, đó là từ một cơ quan hành chính trở thành một trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Nhiều nơi cơ quan xúc tiến đầu tư đặt dưới sự chỉ đạo của hội đồng thúc đẩy đầu tư công, bí thư trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo, theo cách từ trên xuống. Bây giờ khi các nhà đầu tư đến làm việc với tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh xem xét thấy phù hợp, yêu cầu cơ quan cấp dưới phải thực hiện các thủ tục để tạo điều kiện cho DN vào đầu tiên. Tức là quyết định từ trên xuống không chờ dưới trình lên.
PV: Vậy theo ông để thực sự trở thành một Chính phủ kiến tạo phục vụ người dân, DN, điều cần thiết là gì?
TS Vũ Tiến Lộc: Nghị quyết đã nói rõ về phương thức phục vụ. Bây giờ phải chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặt trên cơ sở niềm tin của người dân vào DN. Xưa nay, chúng ta luôn làm theo kiểu đề phòng, nên quản lý không được. Nếu quản lý không được phải xem lại. Tức là vì yêu cầu quản lý không phải vì yêu cầu phát triển; Việc đặt niềm tin cũng không phải vì đề phòng đối với người dân và DN; Không thể vì một người mắc bệnh mà bắt cả làng uống thuốc… Đó là quan điểm rất mới về xây dựng nền quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ kiểm soát sang phục vụ, không được thanh tra, kiểm tra chồng chéo.
Các địa phương mỗi năm một lần, cố gắng kết hợp tất cả các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào một lần để DN phục vụ một lần. Tôi thấy có DN nói sổ sách không đưa vào kho nữa, để sẵn tại phòng khách để mỗi lần các cơ quan thanh tra kiểm tra đến không phải bê lên, bê xuống. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải liên thông, phối hợp với nhau cùng vào DN, chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
Thủ tục làm hành chính cũng không bổ sung hồ sơ quá 1 lần. Vì thực tế, đã có nhiều cơ quan hết lần này đến lần khác yêu cầu bổ sung. Nghị quyết 35 yêu cầu không được bổ sung hồ sơ quá một lần, tăng cường đối thoại, công khai đường dây nóng, một cửa liên thông, chính phủ điện tử… Cũng cần ghi nhận, một số địa phương đã đi trước, như Quảng Ninh, khi chưa có Nghị quyết 35 đã ra yêu cầu các cơ quan nếu bắt DN phải bổ sung quá 1 lần thì phải giải trình và xin lỗi DN trước khi yêu cầu DN phải bổ sung.
Làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Hải Phòng |
PV: Nghị quyết 35 đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN. Ông đánh giá sao về mục tiêu này?
TS Vũ Tiến Lộc: Nhiều người nghi ngại mục tiêu đó, vì đa phần, nửa triệu DN hiện nay là DN nhỏ, siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế. Nhưng Thủ tướng quyết định phải đạt được mục tiêu này trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, không phải quyết tâm chính trị suông. Ðiều này có nghĩa Chính phủ sẽ làm tất cả để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia phát triển DN. Nghĩa là, sức nóng, sự thôi thúc của yêu cầu cải cách phải ra khỏi các phòng họp của Chính phủ, ra khỏi khuôn viên của Văn phòng Chính phủ.
Cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 1,8 triệu hộ có đăng ký. Nếu chính sách thúc đẩy tốt, các hộ kinh doanh này có thể đăng ký lập DN và như vậy, mục tiêu 1 triệu DN là dễ dàng, chưa kể, chúng ta còn kỳ vọng cao hơn. Tất nhiên, việc lập DN là công việc của thị trường, nhưng chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi, các kế hoạch khởi nghiệp sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, kế hoạch tái cơ cấu của DN, mong muốn lớn lên của DN tư nhân sẽ được thực hiện thuận lợi hơn.
PV: Nói như vậy không còn lo ngại gì?
TS Vũ Tiến Lộc: Để những quyết tâm, lời nói của Chính phủ đi vào thực tế đòi hỏi nhiều việc phải làm hơn nữa. Thí dụ, việc triển khai Nghị quyết 19 năm 2016, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh một số địa phương quyết liệt triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, vẫn còn nhiều địa phương chưa bám sát Nghị quyết hoặc chưa thể hiện kết quả đạt được rõ ràng, chỉ nêu công việc chung chung.
Bên cạnh đó là sửa đổi những bất cập đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đáp ứng yêu cầu hội nhập để thúc đẩy khởi nghiệp. Chính vì thế, việc Chính phủ đưa ra Dự thảo Luật sửa đổi các luật đầu tư, kinh doanh. Bởi, thực tế nhiều quy định của các luật về DN và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng không ăn khớp nhau về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao, gồm chi phí chính thức và phi chính thức, buộc DN khởi nghiệp phải sang Singapore khai sinh. Thí dụ, Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai; Luật DN, Luật Đầu tư được thiết kế theo phương án chọn bỏ, thiên về hậu kiểm, trong khi luật chuyên ngành lại theo cách chọn cho, tiền kiểm…
PV: Vậy trong giai đoạn tới, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
TS Vũ Tiến Lộc: Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nhân hiểu chặng đường cải cách còn rất gian nan. Để lời nói có thể thành hành động, để nghị quyết có thể đi vào cuộc sống đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao. Thủ tướng và Chính phủ đã thắp lửa, nhưng quan trọng không kém là việc truyền lửa tới mọi cấp chính quyền. Hiện nay, trong bộ máy hành chính có người làm bằng tâm, thực hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp, nhưng cũng có người hành hạ doanh nghiệp, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cũng có cán bộ hoàn thành với bổn phận, chức trách của mình không phải bằng cái tâm. Thách thức lớn nhất của Chính phủ không chỉ nằm ở Chính phủ Trung ương mà là của chính quyền địa phương, theo đó phải tạo chuyển biến của đội ngũ cán bộ, các công chức ở từng cơ sở, quận, huyện, xã, phường.
Để tạo ra bước chuyển, ngoài chương trình hành động, mục tiêu, định hướng, quyết tâm của lãnh đạo, cần thực hiện một quy trình về tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện đánh giá kết quả công việc của từng cá nhân, thực hiện chính phủ điện tử tạo sự giám sát và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và doanh nghiệp… là những công cụ số một có thể giúp cải thiện hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Đó mới là điều cần phải quan tâm nhất!
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngọc
-
Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
-
Giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024
-
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Liên kết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
-
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà cải thiện
-
Cần thúc đẩy hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh