Kinh tế "quay cuồng" ra sao sau 1 tháng Nga - Ukraine xung đột?
Sự kiện Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua, về căn bản, đã làm thay đổi cục diện bức tranh địa chính trị toàn cầu, với những hệ quả kinh tế ban đầu đã được ghi nhận tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Trong khi kết cục của mối quan hệ căng thẳng này vẫn là một dấu hỏi lớn thì những thiệt hại về kinh tế mà cả hai quốc gia phải hứng chịu là vô cùng to lớn. Dưới cơn mưa "lệnh trừng phạt", Nga chắc chắn sẽ rơi vào thế cô lập trong nhiều năm tới. Ukraine cũng sẽ phải hứng chịu thiệt hại không nhỏ khi hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy còn người dân quốc gia này thì rơi vào cảnh ly tán.
Sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, một loạt quốc gia phương Tây, trong đó bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Nhật Bản đã ban bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Những lệnh trừng phạt này bao gồm: lệnh cấm giao dịch thứ cấp trái phiếu chính phủ Nga; lệnh cấm giao dịch với một số ngân hàng lớn của Nga; cấm xuất khẩu các công nghệ quan trọng tới Nga; cấm nhập cảnh với một số nhân vật cấp cao và đóng băng nhiều tài sản liên quan tới quốc gia này. Thêm vào đó, Đức cũng đã cho dừng quá trình cấp phép đối với dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, đi trên lãnh thổ quốc gia này.
Giá nguyên liệu thô, từ lúa mì cho tới kim loại đã bật tăng mạnh, chạm ngưỡng cao nhất trong nhiều năm khi có các lệnh trừng phạt đã khiến cho quá trình vận chuyển các loại hàng hóa sản xuất tại Nga theo đường hàng không và đường biển bị gián đoạn.
THỰC PHẨM
Khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2, giá thực phẩm trên quy mô toàn cầu đã nhảy vọt lên ngưỡng cao nhất ghi nhận trong vòng nhiều năm trở lại đây. Trong tháng 2 vừa qua, giá thực phẩm được ghi nhận đã tăng tới 24% so với cùng kỳ năm trước đó.
Giá thực phẩm tăng mạnh trong suốt thời gian qua (Ảnh: Bloomberg). |
Khu vực châu Âu chứng kiến mức giá thực phẩm, cồn và thuốc lá tăng tới 4,1%, trong khi con số này trong tháng 1 là chỉ là 3,5%.
Ukraine và Nga là hai quốc gia được mệnh danh là "rổ bánh mì" của thế giới, khi cùng nhau đóng góp tới 30% các mặt hàng như lúa mì và ngô. Chỉ riêng Ukraine, quốc gia nhỏ bé hơn 28 lần so với Nga, cũng đã cung cấp tới 16% và 12% sản lượng lúa mì và ngô toàn cầu.
2 tuần sau khi chiến sự nổ ra, Ukraine đã quyết định cấm xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chiến lược, lấy ưu tiên đảm bảo nguồn cung lương thực cho người dân quốc gia này, trong bối cảnh các xe hàng cứu trợ chưa thể tiếp cận nhiều thành phố đang chìm trong khói lửa tại Ukraine.
Nga cũng đã có những động thái tương tự khi đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì tới một số quốc gia lân cận cho tới cuối tháng 6 năm nay.
KIM LOẠI
Nga là quốc gia đóng góp tới 6% sản lượng nhôm và 10% sản lượng niken trên toàn cầu. Quốc gia này đồng thời xếp thứ 4 thế giới về sản lượng và thứ 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu thép. Thêm vào đó, Ukraine cũng là một nhà xuất khẩu thép lớn.
Giá hai kim loại nhôm và niken đã bật tăng lên ngưỡng cao kỷ lục sau khi chiến sự bùng nổ. Có thời điểm giá nhôm đã tiệm cận ngưỡng 4.000 USD/tấn. Bất ngờ nhất là giá niken - một kim loại quan trọng trong ngành sản xuất xe chạy điện. Đà tăng giá của mặt hàng này đã khiến cho không ít người bất ngờ. Sau thời điểm Nga tiến vào Ukraine, giá niken đã có thời điểm tăng gấp 2 lần, chạm ngưỡng gần 50.000 USD/tấn trước khi sụt giảm mạnh trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Chốt phiên giao dịch hôm 22/3 vừa qua, giá niken đã giảm còn 30.800 USD/tấn, tuy nhiên vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đó.
Giá nhiều kim loại cũng bật tăng mạnh sau khi chiến sự nổ ra (Ảnh: Bloomberg). |
Giá thép cũng được dự báo sẽ tăng mạnh tại châu Âu khi các lệnh trừng phạt khiến cho nguồn cung thép tại thị trường này trở nên khan hiếm. Nhu cầu đối với thép bán thành phẩm đang không ngừng tăng lên, khiến cho áp lực về giá ngày một lớn dần. Chi phí bảo hiểm và vận tải cũng sẽ có xu hướng đi lên và tác động phần nào vào giá thép nói riêng và nhiều kim loại khác nói chung.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu toàn cầu lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng hôm 24/2 sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên giá dầu tăng lên ngưỡng ba chữ số kể từ năm 2014.
Giá dầu trên thực tế đang trên đà tăng từ trước khi cuộc khủng hoảng này nổ ra, khi công suất khai thác không theo kịp nhu cầu bùng nổ của nền kinh tế thế giới, vốn đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến giá dầu tăng nhanh hơn so với dự báo, khiến cho không ít người cảm thấy lo lắng về tình hình lạm phát.
Dầu Brent được giao dịch xung quanh ngưỡng 120 USD/thùng trong ngày 23/3 vừa qua.
Không chỉ có giá dầu, giá khí đốt cũng chứng kiến đà tăng mạnh mẽ trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là tại châu Âu. Trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 345 euro/Mwh, trước khi thị trường có sự điều chỉnh mạnh. Còn chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 24/2 - thời điểm giao tranh bắt đầu nổ ra, giá khí đốt đã bật tăng tới 60%, mức cao nhất kể từ năm 2005.
Giá dầu và khí đốt đang khiến cho không ít người cảm thấy lo ngại (Ảnh: Bloomberg). |
Nga là một trong số những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ - khí đốt lớn nhất thế giới. Các nhà đầu tư lo ngại rằng hoạt động xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như là một loạt các lệnh trừng phạt hoặc Nga có thể cắt đứt nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, coi đó là một hành vi đáp trả đối với châu Âu.
NỖI ĐAU CHUỖI CUNG ỨNG CÒN KÉO DÀI
Cuộc khủng hoảng quân sự tại Ukraine đã bước qua đến tuần thứ tư, nhưng những tác động của nó lên chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mới chỉ thực sự bắt đầu.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng này đã khiến cho các chuyến bay chờ hàng phải tạm dừng hoặc chuyển hướng qua các khu vực khác. Nhiều nhà máy tại Nga và Ukraine đã phải tạm dừng hoạt động khiến cho nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như platinum, nhôm, dầu hướng dương và thép, đối diện với nhiều rủi ro đứt gãy. Giá năng lượng tăng cao trên quy mô toàn cầu cũng sẽ khiến cho chi phí vận tải bị đẩy lên, gây cản trở cho quá trình luân chuyển hàng hóa.
Đó là còn chưa kể đến phương pháp chống dịch cực đoan của chính phủ Trung Quốc khiến cho nhiều trung tâm sản xuất, cảng biển lớn tại quốc gia này phải ngưng hoạt động. "Nỗi đau" chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ còn kéo dài.
ĐỒNG LOẠT HẠ TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG
Nga
Phải đối diện với một loạt các lệnh trừng phạt và sự quay lưng của nhiều doanh nghiệp toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2022 được dự báo sẽ giảm tới 22%, mức thấp nhất kể từ năm 2006. Sản lượng nền kinh tế sẽ sụt giảm 11,1% trong năm 2022, và 3,7% trong năm 2023 trong bối cảnh đầu tư cố định, tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.
Triển vọng nền kinh tế Nga bắt đầu diễn biến xấu từ cuối tháng 2, khi Mỹ, EU, Anh và Canada ban bố một loạt các biện pháp trừng phạt mạnh tay, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận với tài sản ở nước ngoài của các ngân hàng Nga và loại các ngân hàng này ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Những lệnh trừng phạt trên đã khiến cho đồng rúp mất giá nghiêm trọng, khiến cho Ngân hàng Trung ương Nga phải nhanh chóng nâng lãi suất từ 9,5% lên 20%, mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Ukraine
Các chuyên gia của S&P Global Market Intelligence dự báo GDP của Ukraine trong năm 2022 có thể sụt giảm tới 40%, trong khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng tới 30%. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế quốc gia này sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả cuộc xung đột, sự hỗ trợ của quốc tế và sự quay trở lại của người dân. Hiện có khoảng 2 triệu người dân Ukraine đã di chuyển sang các quốc gia lân cận để tránh chiến sự.
Mỹ
Đà đi xuống của triển vọng nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ tình trạng tăng giá thực phẩm và năng lượng, quá trình siết chặt điều kiện tài chính và tình hình xuất khẩu không thuận lợi như kỳ vọng. Giá hàng hóa leo thang đi liền với sự giảm điểm của thị trường chứng khoán không phải là tín hiệu tốt đối với chi tiêu tiêu dùng, khi nó góp phần làm giảm thu nhập thực tế cũng như giá trị tài sản của người dân.
Lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tăng từ 4,7% trong năm 2021 lên 6,2% trong năm 2022. Sau khi nâng lãi suất thêm 0,25% hồi giữa tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh tiếng về các đợt tăng lãi suất khác trong vòng một vài năm tới, với tổng mức tăng rơi vào khoảng từ 2,5% tới 2,75%. Trong bối cảnh bất ổn hiện tại, các loại hình tài sản an toàn sẽ là kênh thu hút dòng vốn. Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi với tư cách là quốc gia sản xuất dầu thô số 1, sản xuất lúa mì số 4 thế giới.
Dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 cho một số nền kinh tế trên toàn thế giới (Ảnh: S&P Global). |
Châu Âu
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khu vực này đã được điều chỉnh giảm từ 3,7% xuống còn 2,4%. Thậm chí, các chuyên gia của S&P Global Market Intelligence dự báo GDP của khu vực này sẽ tăng trưởng âm trong quý II/2022 và chỉ có thể quay trở lại vào quý III.
Lượng tiền tiết kiệm lớn của người dân trong thời gian phong tỏa, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ tài khóa là những yếu tố hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu được dự báo sẽ tăng từ 2,6% trong năm 2021 lên 6,9% trong năm 2022, khiến cho Ngân hàng Trung ương châu Âu phải bước đầu có động thái gia tăng lãi suất từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện nhiều rủi ro kinh tế như ở thời điểm hiện tại, việc siết hỗ trợ sẽ được thực hiện với một tốc độ vừa phải.
Thế giới
Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo sẽ thấp hơn so con số 5,8% của năm 2021, nền kinh tế toàn cầu vẫn có đủ "sức mạnh" để không rơi vào suy thoái.
S&P Global đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 0,3% khi để cập tới hệ quả của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, và 0,3% tiếp theo khi nhắc tới triển vọng tăng trưởng ảm đạm tại khu vực Tây Âu, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đà tăng giá các mặt hàng như dầu mỏ, khí tự nhiên và điện. Hầu như mọi khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng từ những đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt, bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine, Nga - các quốc gia phương Tây. Trung Đông và Bắc Phi là những trường hợp ngoại lệ, khi các khu vực này sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng giá năng lượng toàn cầu.
Theo Dân trí