Điều gì xảy ra khi Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp?
Nga sẽ yêu cầu các nước "không thân thiện" với Nga thanh toán khí đốt bằng đồng rúp (Ảnh: Reuters). |
Yêu cầu này đặt ra những rào cản mới cho hầu hết người mua ở châu Âu khi mua khí đốt của Nga. Châu Âu nhập khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga, với hóa đơn khoảng 200 triệu euro đến 800 triệu euro mỗi ngày, thanh toán bằng đồng euro và đồng USD.
Ông Putin đã lệnh cho ngân hàng trung ương và các tổ chức chính phủ trong một tuần phải tìm ra cách chuyển thanh toán sang đồng tiền của Nga. Công ty khí đốt nhà nước Gazprom cũng được lệnh sửa đổi hợp đồng để phù hợp với động thái này.
Đằng sau sự thay đổi này là gì?
Liên minh châu Âu đang xem xét cấm vận dầu của Nga sau khi Mỹ, Anh, Canada đã áp các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga và cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Nếu Nga nhận thanh toán cho các hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp, nước này có thể tránh được một số biện pháp trừng phạt tài chính đó. Theo công ty tư vấn Rystad Energy, gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt của Nga được tính bằng đồng euro hoặc USD.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, đồng rúp đã giảm khoảng 85% so với đồng USD. Sau tuyên bố trên, đồng rúp đã hồi phục so với đồng USD và tăng vọt trở lại sau một thời gian ngắn.
Tại sao lại có vấn đề?
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện. Do đó, các thành viên của Liên minh châu Âu đang chia rẽ về việc liệu họ có thể cấm vận lĩnh vực năng lượng của Nga.
Phản ứng với tuyên bố sốc của ông Putin, giá khí đốt giao tương lai TTF trên toàn châu Âu đã nhanh chóng tăng vọt lên 44 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh.
Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Gascade cho biết, dòng khí đốt từ hướng đông qua đường ống Yamal-Europe từ Đức đến Ba Lan đã giảm mạnh.
Khả năng chuyển đổi ra sao?
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, Nga không có quyền đơn phương thay đổi các điều khoản của hợp đồng đã ký kết.
"Hợp đồng được ký kết giữa hai bên và nó thường được thanh toán bằng đồng USD hoặc euro. Vì vậy nếu một bên đơn phương nói rằng "không, bạn sẽ phải trả tiền bằng cách này" thì hợp đồng vô hiệu", ông Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện chính sách công và quản trị của Đại học Công nghệ Sydney, cho biết.
Bà Susan Sakmar, giáo sư luật thỉnh giảng tại Đại học Houston và là nhà tư vấn kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho biết: "Không rõ liệu yêu cầu này nghiêm trọng đến mức nào".
Theo bà, sự gia tăng tỷ giá giữa đồng rúp và đồng USD trong ngày hôm qua (23/3) cùng với giá khí đốt nhảy vọt trên toàn châu Âu có thể là điểm mấu chốt. "Sẽ mất một thời gian dài để yêu cầu đó xảy ra. Nhưng điều đó đồng nghĩa, ông Putin sẽ giữ cho giá leo thang và như vậy có lợi cho ông ấy".
Có cơ chế cho vấn đề này không?
Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết một đối tác tài chính ở Sofia có thể xử lý các giao dịch bằng đồng rúp.
"Chúng tôi đang đón đợi mọi hành động bất thường sắp xảy ra nhưng kịch bản này đã được thảo luận vì vậy không có rủi ro cho các khoản thanh toán theo hợp đồng hiện có", ông nói.
Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad, cho rằng Nga có thể tạo ra các hợp đồng mới yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp, nhưng sẽ yêu cầu các chính phủ giữ đồng rúp trong ngân hàng trung ương của họ hoặc mua chúng trên thị trường mở.
Hiệu ứng trong dài hạn là gì?
Nga, Trung Quốc, Iran và các nước khác đã nỗ lực giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu cũng như tần suất của các lệnh trừng phạt tài chính mà Washington áp dụng.
Theo ông Liam Peach, đối với Nga, động thái này sẽ gây áp lực lên khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài và cắt giảm nhập khẩu, làm đóng băng hơn nền kinh tế.
Còn đối với Mỹ, việc chuyển đổi này thành công có thể góp phần làm giảm vai trò của đồng USD trong thương mại toàn cầu khi vai trò của đồng rúp, đồng nhân dân tệ, đồng nhân dân tệ và các đồng tiền khác tăng lên trong các hoạt động thương mại. Điều này sẽ có những tác động lâu dài đối với khả năng vay và chi phí tài chính của Mỹ.
Theo Dân trí
-
Cổ phiếu năng lượng sạch của châu Âu lao dốc sau khi ông Trump đắc cử
-
VPBank giữ vững vị trí Top 20 doanh nghiệp có điểm ESG cao nhất rổ VNSI
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 6/11: VN Index tăng điểm mạnh mẽ giữa kỳ vọng kết quả bầu cử Mỹ
-
Kế hoạch của OPEC+ bị đảo lộn khi Big Oil thúc đẩy sản lượng