Chứng khoán Nga tăng mạnh trong phiên mở cửa trở lại
Thị trường chứng khoán Nga mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine (Ảnh: Getty). |
Sở giao dịch chứng khoán Moscow đã giao dịch trở lại với 33 cổ phiếu của Nga, bao gồm những tên tuổi lớn như Gazprom và Sberbank, trong thời gian từ 10h đến 14h (giờ địa phương), theo thông báo từ Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, việc bán khống cổ phiếu sẽ bị cấm và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể bán cổ phiếu hoặc trái phiếu đồng rúp OFZ cho đến ngày 1/4.
Chỉ số MOEX của Nga đã tăng hơn 5% trong khoảng lúc 13h (giờ Moscow) sau khi tăng hơn 10% trước đó.
Cổ phiếu của các "gã khổng lồ" dầu mỏ như Rosneft và Lukoil đều tăng lần lượt hơn 17% và 13%. Trong khi đó, cổ phiếu của "ông lớn" nhôm Rusal cũng tăng hơn 13%. Cổ phiếu của tập đoàn niken lớn nhất thế giới Norilsk Nickel cũng tăng hơn 10%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hãng hàng không Nga Aeroflot ban đầu giảm 20% nhưng sau đó đã hồi phục trở lại và giảm 12% vào giữa phiên giao dịch.
Nga đã đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán kể từ ngày 25/2 khi giá cổ phiếu lao dốc trên diện rộng sau khi Nga đưa quân sang Ukraine và các đòn trừng phạt của quốc tế sau đó.
Ông Jeroen Blokland, người sáng lập và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty đầu tư Hà Lan True Insights, cho rằng các nhà đầu tư quay trở lại cổ phiếu Nga "có lẽ dựa trên ý nghĩ rằng định giá sẽ trở lại mức trước chiến tranh".
"Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra. Rất khó để thừa nhận các nguyên tắc cơ bản, nhưng những gì mà chúng tôi biết là các biện pháp trừng phạt sẽ tồn tại trong một thời gian dài", ông Blokland nói.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) hôm qua dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm nay do cuộc chiến ở Ukraine. Đặc biệt cơ quan này lưu ý rằng những biện pháp "tự trừng phạt" của các công ty nước ngoài sẽ góp phần làm suy giảm nền kinh tế Nga. IIF cũng cho biết nhu cầu nội địa của Nga sẽ giảm nhanh, với nhập khẩu sụt giảm để bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu.
"Cùng với sự sụt giảm khoảng 3% trong năm 2023, điều này sẽ xóa sổ 15 năm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tác động đối với triển vọng trung và dài hạn có thể còn nghiêm trọng hơn", cơ quan này cho biết.
Báo cáo của IIF cũng thêm rằng sự "chảy máu chất xám" và đầu tư thấp sẽ đè nặng lên khả năng tăng trưởng vốn đã bị suy giảm.
Theo Dân trí
-
Kuwait chi bộn tiền để thúc đẩy sản lượng dầu mỏ
-
Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp và nông dân
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD