Không nên mua vàng vào thời điểm này
Năng lượng Mới số 382
PV: Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao như hiện nay liệu có ảnh hưởng đến người kinh doanh cũng như nhà đầu tư không, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Mức chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay không khuyến khích nhà đầu tư và người kinh doanh mua vàng. Và với mức chênh cao như hiện nay làm gia tăng tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng ở nước ta. Nghĩa là, xuất hiện hiện tượng mua vàng thế giới, bán ở Việt Nam để hưởng chênh lệch lớn, siêu lợi nhuận. Tình trạng buôn lậu vàng cũng là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ giá dâng cao thời gian qua, do giới buôn lậu gom USD để mua vàng. Và chính độ chênh lệch giữa vàng nội - vàng ngoại đang tạo ra thị trường vàng thiếu thốn, hay nói cách khác là không đủ nguồn cung.
Nhiều người thắc mắc trong thời điểm hiện nay nên mua hay bán vàng? Theo tôi, giá vàng đã giảm hơn trước và tiếp tục giảm trong thời gian tới cho nên không mua. Hơn nữa, không nên mua vàng khi độ chênh lệch giá trong nước và giá thế giới còn ở mức cao. Còn việc có nên trữ vàng hay không? Tôi khẳng định, mua vàng để trữ là không nên.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Trong thời điểm này người dân nên “giải phóng” và “phân tán” tài sản tích lũy vào nhiều kênh khác nhau nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Bởi, nếu thất thế ở lĩnh vực đầu tư này thì còn lĩnh vực đầu tư khác. Còn chỉ tập trung vào một kênh theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” là không nên. Theo đó, nhà đầu tư và người dân nên “phân chia” tài sản vào các kênh khác nhau, cụ thể: vàng, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… Trong thời gian qua, thị trường vàng trong nước khá trầm lắng, chủ yếu là các giao dịch phát sinh ở khách hàng nhỏ, lẻ, còn đa số các nhà đầu tư lớn vẫn án binh bất động. Lý do là họ vẫn thận trọng khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao như hiện nay.
PV: Do đâu mà giá vàng trong nước và thế giới có mức chênh cao như vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước tiếp tục “neo” ở vị trí cao. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hai thị trường không liên thông với nhau nên cung cầu khác nhau. Bên cạnh đó, thói quen mua và giữ vàng của người dân nước ta đã thành tập quán dẫn đến tình trạng vàng ở trong dân có số lượng rất lớn. Trong các năm vừa qua, Nhà nước thực hiện chủ trương giảm vàng hóa trong nền kinh tế. Tức là mọi giao dịch không còn định giá theo vàng mà quy đổi thẳng ra tiền đồng. Theo đó, những giao dịch về nhà đất, du lịch… được thanh toán thẳng bằng tiền đồng. Trên thực tế, tình trạng vàng hóa đã giảm nhưng chưa hết nên dân còn giữ vàng vật chất và vàng nữ trang. Minh chứng, người dân vẫn đổ xô mua vàng vào dịp lễ, tết, cưới hỏi…
Nhu cầu tiêu thụ vàng tại thị trường Việt Nam vẫn rất lớn, chính vì vậy mà tình trạng giữ vàng, tích lũy, giao dịch định giá theo vàng còn tồn tại. Nhưng thực tế cho thấy, mức cung hiện nay không đáp ứng được mức cầu. Hiện nay, theo quy định của Nhà nước thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có quyền nhập khẩu vàng. Trong khi đó, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước không đấu thầu vàng nên lượng vàng không đáp ứng được nhu cầu, vì vậy giá vàng ở Việt Nam cao hơn vàng thế giới. Thời gian qua, giá vàng trong nước luôn chênh lệch từ 3-5 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới, thậm chí có thời điểm con số chênh này lên đến 5,7 triệu đồng/lượng. Hiện nay, mức vênh vẫn ở mức khá cao khoảng 4,8 triệu đồng nhưng so với cách đây vài tuần, chênh lệch giá giữa vàng nội - ngoại đã giảm đi vài trăm nghìn đồng/lượng.
Ngoài ra, giá vàng thế giới giảm là do đồng USD gia tăng vị thế trên thị trường tiền tệ và sự thể hiện tốt hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ. Theo quy luật, thường thì đồng USD mà tăng giá chắc chắn giá vàng thế giới bị đẩy xuống.
PV: Vậy ông nhận định như thế nào về thị trường vàng cuối năm 2014 và đầu năm 2015?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Ở thời đỉnh điểm của giá vàng, tôi từng nhận định giá vàng không thể “neo đậu” ở mức cao và chắc chắn sẽ giảm. Thực tế chứng minh, đến thời điểm này giá vàng đã giảm xuống mức 1.100 USD/ounce. Thời gian tới, giá vàng tiếp tục giảm và có thể giảm đến mức 1.000 USD/ounce. Giá vàng giảm dựa vào hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, chiến tranh Trung Đông lắng xuống. Thứ hai, nhà đầu tư và người kinh doanh không trữ vàng, nghĩa là nhu cầu giảm thì giá vàng giảm.
Giá vàng trong nước giữ mức chênh lệch cao so với giá thế giới
Tuy nhiên, có thể xuất hiện kịch khác. Kịch bản này vô hình chung làm đảo lộn cục diện của tình hình. Theo đó, nếu chiến tranh Trung Đông diễn ra với quy mô lớn và ngày càng gay gắt thì giá vàng không có lý do gì để giảm. Thêm vào đó, nhu cầu trong nước cao ắt giá vàng sẽ tăng lên lại. Song, nhìn chung có thể nói, giá vàng thế giới hiện trong xu hướng đi xuống và thời điểm này chưa có thêm thông tin gì hỗ trợ thị trường đi lên.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp gì nhằm ổn định cung - cầu vàng cũng như là ổn định giá cả, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tính đến thời điểm hiện nay, có lẽ Ngân hàng Nhà nước không cần can thiệp vào thị trường vàng vì thị trường này không có biến động lớn, mặc dù độ vênh vàng nội - vàng ngoại là khá cao. Điều cần làm hiện nay là làm sao kéo mức chênh lệch giá vàng nội - ngoại ở mức 1 triệu đồng là tốt nhất. Chúng ta không thể kỳ vọng vào độ vênh ở mức 400 nghìn đồng như Ngân hàng Nhà nước đặt ra trước đó vì không dễ dàng gì thực hiện được. Đó chính là giải pháp trước mắt. Riêng giải pháp mang tính dài hơi hơn, theo tôi đòi hỏi thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia và có những cơ chế quản lý linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế, tránh những cú sốc về giá và góp phần giảm thiểu tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách cởi mở hơn trong quản lý sản xuất và kinh doanh vàng. Thay vì, chỉ có Nhà nước mới có thể nhập khẩu vàng cần cho cả nhà kinh doanh nhập khẩu vàng. Đây chính là giải pháp nhằm ổn định cung - cầu của thị trường, đồng thời ổn định mang tính bền vững cho giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới dù ở mức cao nhưng thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng “vàng hóa” được kiềm chế và đẩy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định. |
Mai Phương (thực hiện)
-
Tin tức kinh tế ngày 17/11: Tỷ giá dự báo còn "căng thẳng" đến cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Giá vàng hôm nay (15/11): Phục hồi sau phiên giảm sâu
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn