Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khai thác than: "Hết nạc vạc đến xương"

07:45 | 06/10/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ vài tháng nữa thôi, tấn than đầu tiên từ Dự án -300m Công ty CP Than Hà Lầm (Hạ Long, Quảng Ninh) sẽ cho khai thác. Đây là dự án đầu tiên, mang tính tiên phong của ngành than thuộc “cụm” dự án xuống sâu ở cánh cung Đông Triều - Hòn Gai được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư. Bởi vậy không khí háo hức, hồi hộp lan tỏa khắp Hà Lầm vào lúc này âu cũng là điều rất đáng chia sẻ…

Năng lượng Mới số 361

Trách nhiệm lính tiên phong

Chúng tôi xuống Hà Lầm, may mắn thế nào lại đúng ngày Câu lạc bộ (CLB) Xây dựng cơ bản ngành than tổ chức buổi họp mặt thường niên. CLB mượn hội trường Hà Lầm để sinh hoạt, để nhớ về những ngày bên nhau vừa chiến đấu, vừa tái thiết ngành. Các bác, các chú đều là những “anh cả đỏ” trong lĩnh vực xây dựng các công trình ngành than, từ người đi khôi phục những mỏ đầu tiên ở miền Bắc năm 1960-1961 như các ông Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Hà Phan… đến thế hệ thứ hai như ông Đoàn Văn Kiển, Lê Kim Bảng…

Trong câu chuyện của những người muôn năm cũ, các ông tếu táo, rằng: “Thời tớ có đi xây dựng hầm lò, nhưng dù sao còn nhiều than lộ thiên. Giờ là phần khó nhằn (khai thác sâu - PV) đến lượt thế hệ người làm than bây giờ đảm trách. Hết nạc vạc đến xương thôi!”. Đó là câu nói vui, rất vui của thế hệ đi trước với riêng lĩnh vực khai khoáng. Chứ trên thực tế, khi ngành than đóng vai trò trụ cột như hiện tại, quả thật nếu không xuống sâu thì không biết lấy đâu ra than để đốt điện, lấy đâu than phục vụ các ngành công nghiệp khác trong tương lai?

Sâu xa trong câu chuyện họp mặt ở đó còn là một sự gửi gắm, một niềm kỳ vọng được đặt vào lớp kỹ sư trẻ Hà Lầm nói riêng, ngành than - khoáng sản nói chung. Chủ nhiệm CLB Xây dựng cơ bản ngành than Đoàn Văn Kiển cười khà khà: “Không phải tự nhiên mà mấy lão già chúng tớ lại gặp nhau ở Hà Lầm này, cái gì cũng có cái cớ của nó. Hà Lầm nhiều cái hay lắm, các cậu cứ tự tìm hiểu thì mới rõ, mới sướng…”.

Lối vào miệng giếng chính xuống -300m

Trở lại chuyện của Hà Lầm, lần theo lời ông Kiển, hôm sau chúng tôi đến gặp Phó giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm Phạm Khắc Thừ. Ông “Phó” Thừ phụ trách đầu tư, đó là một người đàn ông nhỏ nhắn, có vẻ ngoài giản dị nhưng hoạt ngôn và hay… cười. Cũng giống như đa phần lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất than, xuất phát điểm của ông Thừ là dân kỹ thuật. Mà dân kỹ thuật thì thường thích làm thật việc, ngại nói về mình và về thành tích hay đại loại những điều như thế. Trước sau, ông Thừ chỉ một mực đề nghị chúng tôi cùng các kỹ sư của Hà Lầm lên khai trường, xuống với anh em công nhân đang thi công dự án. Nói như ông Thừ thì chỉ hình ảnh thật mới là sức mạnh lớn nhất, minh chứng hùng hồn nhất cho những gì tập thể người lao động ngành than cùng nhà thầu đã làm được 6 năm qua…

…Từ văn phòng, chỉ mất khoảng chừng 20 phút đi ôtô để tiếp cận lò giếng. Nhìn từ xa, cặp giếng đứng như chiếc compa màu xanh khổng lồ ghim chặt vào đỉnh núi. Tuy nhiên, để tiếp cận được cặp giếng đó, không phải ai cũng đủ điều kiện. Cũng như những lần trước, mấy tay viết chúng tôi thường “mè nheo” lãnh đạo để tận dụng thời gian được “xuống âm” nhanh nhất có thể. Đơn giản vì thủ tục vào hầm lò rất phức tạp, nói tóm lại là phải thỏa mãn yêu cầu an toàn tuyệt đối của ngành. Trong một danh sách dài những yêu cầu đó, trang phục bảo hộ - cái mà mọi người thường nghĩ tới đầu tiên - hóa ra chỉ là thứ yếu. Vì sao? Vì nếu không được “trang bị tận răng” cả hành trang lẫn kiến thức cho bản thân thì bạn không có “cửa” để tồn tại được dưới độ sâu -375m trong lòng đất. Ai mà biết ở dưới đó sẽ xảy ra chuyện gì. Còn cái quan trọng hơn cả mũ, ủng, quần áo bảo hộ… là bình dưỡng khí, đèn 10 bóng đủ ánh sáng, là loa pin loại nhỏ... Không biết với những người mắt tinh, mắt khỏe thế nào chứ cỡ cận thị như chứng tôi đây thì chuyến “du lò” không có cái đèn thế hệ mới đấy thì… đứt.

Anh Công Phúc - người đã có 10 năm làm công tác an toàn, “bắt” chúng tôi thực hiện các nguyên tắc cần thiết. Đâu đó mất nửa tiếng đồng hồ là lớp học an toàn dã chiến. Hiểu xong những nguyên lý cơ bản là khâu đo huyết áp, đo nhịp tim, kế đó đến huấn luyện sử dụng thành thạo chiếc bình dưỡng khí của Ba Lan, thay quần áo bảo hộ, nhận mũ lò, đèn lò… Cuối cùng là ký tên tuổi vào chiếc sổ “Nam tào” (sổ an toàn theo quy định). Và thế là chỉ trong phút chốc chúng tôi trở thành thợ lò tập sự. Theo sát chúng tôi là kỹ sư Nguyễn Minh Hoàng - Phó trưởng phòng Kỹ thuật mỏ và đương nhiên cả anh Phúc an toàn. Cả hai anh đều trẻ, rất nhanh nhẹn, nhanh… mồm và chuyên môn cực kỳ chắc. Nhưng họ đều chung quan điểm “ngại” người ngoại đạo vào “tham quan” lò giếng, vì mỗi lần có tin chuẩn bị dẫn khách, hay phóng viên nhà báo đến hai anh đều nơm nớp đến mất ăn ngủ làm sao phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Từ mặt bằng +75m, chúng tôi được hướng dẫn đến cửa lò giếng chính. Anh Phúc không quên “tịch thu” chiếc máy ảnh, điện thoại của chúng tôi, vì quy định an toàn phòng chống cháy nổ trong hầm. Đây là điều cực kỳ đáng tiếc đối với cánh nhà báo, vì không có máy ảnh thì làm sao giúp bạn đọc hình dung hết công việc “dưới âm phủ”. Nhưng quy định là quy định, vì an toàn cho mình và mọi người. Nôm na thì hành động đó cũng tương tự như lời kêu gọi của nhân viên cây xăng tắt điện thoại khi mua xăng dầu vậy.

Chúng tôi bước vào “thang máy”, thực chất là chiếc thùng sắt rộng chừng 3m2 có đường ray để xe goòng ra vào đưa hàng (hay còn gọi là thùng skip). “Xuống!”, sau tiếng hô cánh cửa dần khép lại, những ánh sáng lọt qua khe hai tấm thép là sợi dây cuối cùng liên kết chúng tôi với thế giới trên mặt đất. Theo thiết kế, miệng giếng đang “nuốt” chúng tôi vào lòng đất rộng đúng 8,5m và sau khi quấn một lớp bê tông quây lại, nó còn khoảng 6,5m. Xung quanh, nước rỉ ra như suối làm người chúng tôi ướt hết vạt áo. Nước, sức ép từ nước và khí độc là những nguy hiểm luôn chực chờ thợ lò. Mới “bị nhốt” vài giây trong chiếc thùng kín, cộng thêm cảm giác lần đầu xuống sâu khiến chúng tôi căng cứng. Mồ hôi túa ra, không khí lúc một ngột ngạt, không ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng u…u… của dây cáp vọng lại. Quả thật công việc “ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ” chả dễ dàng gì… Vậy mà đâu đó vẫn có vài tờ báo ác mồm “mắng” ngành khai khoáng là chỉ việc múc tài nguyên lên mà ăn sẵn. Không hiểu điện họ đang dùng, xăng họ đang đi và năng lượng họ đang sử dụng từ đâu ra?!

Riêng về thang máy, cũng có một câu chuyện khá thú vị. Hỏi kỹ, hóa ra 6 sợi cáp lừng lững kia mới là bộ phận quan trọng nhất của nó. Mỗi dây có tiết diện khoảng 5cm to như cổ tay người, làm nhiệm vụ giữ thùng skip thật cân bằng trong khi di chuyển lên xuống. 6 dây được lắp đều nhau, chỉ cần lệch 1/100mm là thùng skip sẽ bị lắc và có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Vì vậy việc căn chỉnh, bảo dưỡng và đặc biệt là công tác thay dây được nhà thầu giấu kín, giữ làm “của riêng” trong 6 năm thi công. Cuối tháng 8/2014, vì lý do chính trị, hầu hết kỹ sư và công nhân vận hành của nhà thầu Công ty Xây dựng số 5 Trung Quốc rút về, cũng là lúc phải thay dây cáp để đảm bảo an toàn thùng skip. Đây là một khâu cực kỳ quan trọng, bởi nếu thùng skip dừng thì có nghĩa là sợi dây liên lạc duy nhất giữa mặt bằng (vật tư) với công trường đã bị cắt bỏ. Lửa như đốt sau lưng cả ngành than, chứ không riêng Hà Lầm. Dự án đã chậm mất 2 năm vì rất nhiều lý do rồi, nếu dừng vô thời hạn thì gay quá. Trước yêu cầu của tiến độ dự án, Đoàn Thanh niên Công ty Than Hà Lầm đã mạnh dạn đăng ký công trình Thanh niên thay cáp cho thang máy và “liên quân” các phòng, ban chuyên môn bắt tay vào việc ngay ngày đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Từ bản quốc, kỹ sư trưởng nhà thầu Trung Quốc cũng điện đàm khuyên can Hà Lầm không nên mạo hiểm để chờ họ trở lại vào đầu quý IV.

Thế nhưng, sau 4 ngày làm việc 24/24, nhóm kỹ sư trẻ nội lực của Hà Lầm đã thay thành công 6 sợi cáp với chất lượng hoàn hảo. Tiến độ dự án được giải tỏa trong sự vui mừng của cả ngành than - khoáng sản chứ không chỉ nội bộ công ty. Nói như Phó giám đốc Phạm Khắc Thừ, thì phải ở trong ngành mọi người mới “cảm” hết được sự xúc động, vỡ òa khi các kỹ sư trẻ của Hà Lầm giải được bài toán tưởng chừng không có đáp số trên.

Chinh phục lòng đất

…Chiếc thùng trôi êm ru trong lòng giếng với tốc độ 5m/s, chỉ một lát, áp suất thay đổi, chúng tôi bắt đầu thấy ù tai và khó thở, không khác gì khi máy bay hạ độ cao hay đi thang máy từ tòa nhà 100 tầng xuống. Anh Phúc trấn an: “Các anh thấy đấy, ai lần đầu đi xuống cũng “tởn”, năm ngoái có chị nhà báo lớn tuổi xuống đây còn bị tụt huyết áp, anh em phải đưa lên ngay. Lò giếng này là sự thử thách lớn với con người ghê lắm, hiện chưa đi vào khai thác tôi và các anh còn hưởng không khí “trong lành” chán!”. Chưa đầy 2 phút, chúng tôi đã chính thức chạm xuống đáy, từ vị trí chúng tôi đứng tức là chiều cao từ trên miệng lò xuống dưới đáy chính xác là -375m, tức là cao hơn Keangnam Tower (336m) - tòa nhà cao nhất Việt Nam là 39m. Thang chạy êm ru, không nghiêng lắc, chứng tỏ công tác thay dây cáp có độ chính xác đến hoàn hảo. Giếng chính là nơi sau này sẽ đưa thợ lò và… không khí xuống, đưa than lên mặt đất; cách giếng chính chừng 2.000m là giếng gió, nơi sẽ thu hút toàn bộ khí thải trong lò ra.

Cặp giếng đứng của mỏ than Hà Lầm

Mở toang trước mắt chúng tôi là một khoảng không gian rộng lớn, thiết kế kiểu mái vòm có tiết diện trung bình 25m2, đi vài chục mét lại có một đường lò cắt ngang chạy dài tăm tắp thông sang các khu khai thác, lò chợ. Nói cách khác, đây chính một sân ga nhỏ có thể chứa vừa vài đoàn tàu hỏa. Về sau mới biết, có những đoạn gương lò tiết diện lên tới trên 30m2, quả là kỳ diệu. Do đang trong quá trình hoàn thiện thi công nên không gian công trường khá ồn. Xung quanh chúng tôi là những tiếng “ầm ầm, kẹt kẹt” phát từ những toa xe goòng chở đất đá nối đuôi nhau chờ đưa lên mặt đất. Vừa đi vừa trò chuyện, chúng tôi rẽ theo chân anh Hoàng vào một đường lò, ở đây đang có một tốp thợ Công ty Xây dựng hầm lò II (nhà thầu phụ) đang hàn những khung sắt trên mái vòm.

Anh Hoàng thông tin: “Dự án này do Hà Lầm làm chủ đầu tư, tự tổ chức thi công, đang trong giai đoạn hoàn thành xây dựng cơ bản (XDCB). Tính từ khi khởi công đến nay đã trên 4 năm, đào được trên 20.000m lò, nhiều hạng mục phức tạp như hệ thống boong-ke chứa than phải thi công mất 3,5 tháng...”. Đây là một trong những đường lò XDCB quan trọng được thi công từ 2 mũi nối thông từ giếng phụ sang giếng gió, mũi 1 thi công từ giếng gió do Công trường KTCB 1 của công ty thi công liên tục, khởi công từ ngày 8/5/2013; mũi 2 thi công từ giếng phụ do công trường KTCB 5 của công ty và các đơn vị dự Hội thi đào lò nhanh Vinacomin thi công, khởi công từ ngày 28/8/2012.

Để hoàn thành nối thông đường lò xuyên vỉa đặt đường ray mức -300, công trường KTCB 5 của Than Hà Lầm đã hoàn thành xuất sắc khối lượng đào lò trong thời gian từ 5/11đến 12/12/2013 đạt 99m/tháng đào lò đá tiết diện 22,5m2 với mức độ chính xác cao, đảm bảo an toàn. Nghe đâu, 2 gương lò chỉ lệch nhau chưa đến 30cm. Đây là mức đào lò kỷ lục của công ty đạt được từ trước đến nay. Nói nôm na, nhà thầu Trung Quốc làm giếng đứng, còn toàn bộ công việc còn lại đều do các đơn vị trong TKV đảm trách.

Đem những thắc mắc về khả năng làm chủ công nghệ của công nhân TKV đến kỹ sư Hoàng, anh nhẹ nhàng giải thích pha chút tự hào, trong quá trình làm việc, thợ lò Hà Lầm nắm bắt nhanh hơn dự kiến. Dù chưa từng thi công giếng đứng bao giờ nhưng họ đã nhanh chóng bắt nhịp và triển khai khá thuần thục, sáng tạo. Trung bình mỗi ngày có trên dưới 500 công nhân làm việc trong hầm lò dưới độ sâu -300m so với mực nước biển, thi công 11 gương lò, trong đó Công ty CP Than Hà Lầm 8 gương; Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II thi công 3 gương cùng với các hạng mục khác của dự án. Công ty bố trí 470 xe goòng loại 1 tấn để chuyên chở đất đá lên trên mặt đất.

Chị Tạ Phương, công nhân vận hành hệ thống trục tải giếng đứng cho biết, mỗi ngày, có khoảng 30 lượt chuyên chở CBCN lên, xuống làm việc dưới hầm lò và vận chuyển 600-900 xe goòng đất đá được đưa lên từ mức -300m. Cũng tính từ khi thi công từ ngày 19/5/2009 đến nay, Hà Lầm đã đào trên 11,5km lò XDCB dưới mức -300m trên tổng số 17,8km lò của toàn dự án. Được biết, tại các đường lò đang thi công bằng máy đào lò liên hợp Combai AM-50Z (máy xúc lật hông). Loại máy này được công ty đưa vào thi công đào lò trong dự án đạt hiệu quả do điều kiện địa chất ở đây phù hợp, phát huy tốt, đạt năng suất cao, bình quân 200m/tháng, cao gấp 3 lần so với công nghệ khoan nổ mìn, hiện đang có 2 máy khấu Combai thi công tại dự án.

Hướng tới mỏ an toàn, hiện đại

Sau gần 3 giờ lang thang ngang dọc ở mức -300m, chúng tôi trở lại mặt bằng +75m trong tâm trạng vô cùng phấn khích. Cảm giác trở về từ lòng đất trái ngược lúc làm thủ tục xuống. Phó giám đốc Phạm Khắc Thừ đón chúng tôi, như thường lệ với nụ cười tươi rói.

“Đối với Mỏ giếng đứng, Hà Lầm là công trình tiên phong đầu tiên của ngành than Việt Nam, khởi công vào năm 2009, công suất thiết kế 2 triệu tấn than nguyên khai/năm, mở vỉa bằng cặp giếng đứng từ mặt bằng mức +75m xuống đến mức -375m (so mặt nước biển). Các công đoạn sản xuất của dự án sẽ được cơ giới hóa đến mức cao nhất, sử dụng giàn chống Vinaalta và máy khấu Combai, giá khung di động, xe khoan tam-rốc...

Từ khu vực phân tầng, sẽ xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, chuẩn bị các lò chợ tại các mức âm. Ngành than kỳ vọng đây sẽ là tiền đề nhằm nâng cao trình độ quản lý của cán bộ; công nghệ chế tạo thiết bị và nâng cao tay nghề công nhân đào lò, từ đó làm cơ sở cho việc tự triển khai các dự án giếng đứng sau này. Trong năm 2015, công ty sẽ hoàn thành thi công xong toàn bộ hệ thống đường lò cùng với các hạng mục của dự án và lắp đặt xong lò chợ cơ giới hóa công suất 600.000tấn/năm với công nghệ dàn chống tự hành và máy khấu Combai để ra than vào đầu năm 2015”, ông Thừ cho biết.

Ngoài ra, các hệ thống vận tải, thông gió, thoát nước, quan trắc tập trung, tổ hợp công nghệ trên mặt mỏ được cơ giới hóa, tự động hóa tối đa. Có thể tự hào rằng, mỏ Hà Lầm cũng quy tụ nhiều “cái nhất” của ngành than: Công suất lớn nhất, tự chủ tốt công nghệ tốt nhất, xuống sâu nhất, mỏ hiện đại nhất… Chuẩn bị diện khai thác cho năm 2015, năm nay Hà Lầm phấn đấu tiếp tục tập trung vào cơ giới hóa lò chợ 600 nghìn tấn/năm. Phó giám đốc Phạm Khắc Thừ còn cho biết thêm, công nghệ lò giếng đứng có nhiều ưu điểm, cho phép khai thác than quy mô lớn, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn,... nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ba Lan, Nga... đã triển khai công nghệ này hàng chục năm trước, nhưng ở Việt Nam thực sự là mới mẻ.

Từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đào giếng đứng trong 5 năm qua, đến nay mỏ Hà Lầm có thể khẳng định từng bước làm chủ công nghệ, công ty đã đề xuất Tập đoàn khi triển khai Dự án mỏ giếng đứng Núi Béo, Khe Chàm II - IV và Mạo Khê, cho phép công ty thuê hoặc mua thiết bị, thuê chuyên gia và có thể tự mình góp công sức thi công giếng đứng cùng các đơn vị.

Điều đặc biệt là do tính chất hiện đại của công nghệ khai thác, Hà Lầm sẽ giảm dần số lượng công nhân hầm lò theo hưu trí tự nhiên và tự nguyện, cố gắng không nhận thêm người từ bây giờ đến năm 2020, trừ công nhân bậc cao và có kinh nghiệm. Theo kết quả thăm dò đáng tin cậy, trữ lượng của vỉa than -300m đến -500m Hà Lầm là vào khoảng 65 triệu tấn, tức là với công suất 2,5 triệu tấn/năm, vỉa mới sẽ nuôi 4.500 con người ở đây trên dưới 30 năm nữa. Đó mới là niềm tin, khẳng định tầm vóc của mỏ than anh hùng.

Hẹn gặp lại Hà Lầm ngày đón tấn than đầu tiên từ giếng -300m!

Hữu Tùng - Mạnh Kiên