Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hơn 30 năm “nặng tình” với Trung thu xưa

10:23 | 19/09/2012

2,503 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung thu xưa với những đồ chơi dân gian như ông Cống, ông Nghè, ông Tiến sĩ giấy, ông chống gậy trông trăng... đang dần chìm vào quên lãng, nhưng chị Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đau đáu tìm cách gìn giữ nét giá trị văn hóa ấy.

Làng “Tiến sĩ” đang dần mai một

Theo chị Tuyến, làng “Tiến sĩ” giấy của hơn 20 năm trước cứ tới dịp gần rằm trung thu lại đông vui như hội. Hầu như nhà nào cũng tất bật với việc chẻ tre, uốn nan, tạo hình và cắt dán để tạo nên những đồ chơi dân gian rực rỡ sắc màu và đầy ý nghĩa.

Bên cạnh đèn ông sao, đèn con thỏ, những ông Tiến sĩ xanh đỏ có nét mặt uy nghiêm, phong thái từ tốn là món quà mà bất cứ đứa trẻ nào cũng háo hức. Nó không chỉ đơn thuần là đồ chơi, đồ bày cỗ trông trăng mà còn được cha mẹ bày trang trọng nơi góc học tập của các con với mong muốn con mình sẽ học hành chăm ngoan, đỗ đạt.

Vài năm trở lại đây, làng Tiến sĩ đang dần mai một, chỉ còn duy nhất gia đình chị Tuyến còn gắn bó với nghề làm đồ chơi dân gian. Vì thế, chị càng quyết tâm truyền nghề cho các con, các cháu.

Chị cho biết: “Nghề này không quá vất vả, nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Ngoài ra cần biết sáng tạo và khéo léo để mỗi sản phẩm làm ra vừa đẹp mắt vừa mang dấu ấn của những nét xưa.”

Nét xưa ở đây không chỉ là những điển tích, điển cố mà mỗi món đồ mang theo, được kể lại mà “hồn dân tộc”, các giá trị truyền thống nằm ngay trong chính nguyên liệu làm ra chúng. Từ đất sét, giấy màu đến cây tre, cây nứa đều gần gũi, quen thuộc với bất cứ ai sinh ra, lớn lên từ làng quê Việt.

Bàn tay khéo léo lượn từng nét vẽ, tạo thần thái cho từng khuôn mặt rồi tỉ mỉ dán từng tấm áo, chiếc mũ tới các chi tiết nhỏ trên trang phục của ông Cống, ông Nghè, ông Tiến sĩ, chị Tuyến vừa làm vừa giải thích: “Đồ chơi dân gian nhìn đơn giản, mộc mạc nhưng để tạo ra nó phải mất ít nhất 36 công đoạn. Chỉ cần thiếu một bước là sản phẩm không đạt yêu cầu. Ngày bé tôi không nhớ hết được tất cả các bước này, nhưng “bén duyên” với nghề hơn 30 năm nên thành quen, nhắm mắt cũng có thể làm được.”

Đồ chơi dân gian lặng lẽ trong... bảo tàng

Càng yêu nghề, đau đáu với những kí ức đẹp đẽ của trung thu truyền thống, chị Tuyến càng xót xa khi những trò chơi dân gian lành mạnh, ý nghĩa này dần trở nên xa lạ với tuổi thơ con trẻ.

Thay vì rước đèn trông trăng cùng ông Cống, ông Nghè, đèn ông sao, đèn thỏ ngọc, trung thu nay rực rỡ hơn với những mâm cỗ trông trăng đủ đầy, nhiều màu sắc và món quà mang lại sự vui thích hứng thú cho trẻ nhỏ là súng bắn nước, bắn mực, đèn laser, cùng hàng loạt đồ chơi đắt tiền, hiện đại được nhập từ nước ngoài.

Dạo quanh các phố bày bán đồ chơi Trung thu, không khó để mua được ô tô, trực thăng, robot, siêu nhân hay mặt nạ nhựa đủ màu sắc, hình dáng. Còn nếu muốn sở hữu ông “Tiến sĩ” hay bất kì món đồ chơi dân gian nào, nơi tìm mua được nhiều nhất chỉ có thể là... bảo tàng.

Năm nào cũng vậy, cứ dịp trung thu chị Tuyến lại được mời đến các bảo tàng để bày bán, giới thiệu đồ chơi dân gian cho các em học sinh. Những em muốn được tự tay làm ông “Tiến sĩ” sẽ được chị dạy từng bước và được nghe kể điển tích, điển cố hay ý nghĩa của từng món đồ.

Chị chia sẻ: “Nhiều bé thích thú và say mê sáng tạo ra đồ chơi dân gian nhưng hầu hết đều không biết tên gọi, ý nghĩa của chúng nên khi được kể chuyện, đọc thơ bé nào cũng ngạc nhiên”.

“Thậm chí ngay cả các bậc phụ huynh bây giờ, thấy con thích thì mua chứ không hiểu là mua “Tiến sĩ” để hướng cho con ước mơ đỗ đạt, thành danh nên sau trung thu “Tiến sĩ” lại lặng lẽ nằm im trong góc phòng, phủ bụi hoặc chỉ để lưu giữ trong bảo tàng. Buồn hơn cả khi khách quen của tôi không phải là các bé thiếu nhi mà lại là những nhà văn hóa, nhà sử học” - chị Tuyến nói thêm.

Cũng chính vì lý do này, nữ nghệ nhân “nặng tình” với đồ chơi dân gian luôn mong mỏi các con, cháu của mình sẽ tiếp tục nối nghiệp gia đình để gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc đang dần mất đi.

“Cũng cờ, cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông Nghè chẳng kém ai”

Cầm “Tiến sĩ” giấy trên tay, chị ngắm nghía và chậm rãi ngân dài hai câu thơ của Nguyễn Khuyến, ánh mắt nhìn xa xăm, gợi cho chúng tôi những kỉ niệm về Trung thu của nhiều năm về trước.

Một số hình ảnh ghi được tại làng "Tiến sĩ" giấy:

Ông "Tiến sĩ" giấy

Chị Nguyễn Thị Tuyến tỉ mỉ với công đoạn dán giấy màu

Đèn lồng hình con công

 Ông Cống, ông Nghè được trưng bày trong mâm cỗ trung thu với mong ước con cái sẽ được “công thành, danh toại”

Mặt các nhân vật được tạo hình từ đất sét

Ông chống gậy trông trăng được xếp kèm với ông “Tiến sĩ” trong mâm cỗ trung thu

Thu Thảo