Hoa cảnh Trung Quốc lấn át thị trường hoa Tết
Áp đảo bởi… bình dân
Tết đến xuân về, hoa cảnh là thứ không thể thiếu trong không khí xuân của mỗi gia đình. Vậy nên, ai cũng mong muốn lựa chọn được những chậu hoa cảnh đẹp nhất để trưng trong nhà. Tuy nhiên, với giá cả “trên trời” như một số loại hoa cảnh hiện nay thì hàng bình dân vẫn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng.
Thị trường hoa Tết năm nay khá đa dạng nên người dân có nhiều sự chọn lựa. Ngoài những loài hoa truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt như mai, đào, quất… thì thị trường hoa cảnh là cuộc chạy đua sôi động giữa hoa nội và hoa ngoại.
Hoa cung ứng cho thị trường Tết năm nay được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, hàng “nội địa” thì chủ yếu được nhập từ Đà Lạt, Sa Pa, hàng ngoại nhập thì từ Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng chủ yếu vẫn là từ Trung Quốc.
Sức mua hoa cảnh trưng Tết năm nay đìu hiu hơn những năm trước.
Khảo sát thị trường hoa trên địa bàn Hà Nội, dọc những chợ hoa, phố hoa lớn: Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Ngưu… la liệt những loại hoa cảnh có xuất xứ từ Trung Quốc như: Đỗ quyên, hồng trà, các loại lan, kim ngân lượng… Thực tế, những loại hoa này đã là sự lựa chọn quen thuộc của người Việt trong nhiều năm qua.
Hình dáng bắt mắt, thế đẹp, giá cả lại phải chăng… là lý do lý giải tại sao hoa cảnh Trung Quốc vẫn được lựa chọn. Ngay trên chính những nơi được xem là “vựa” cung cấp hoa chơi ngày tết như làng Nghi Tàm, Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội… vẫn thấy sự “xâm lấn” của những chậu hoa cảnh Trung Quốc.
Tại làng Nghi Tàm, dù đã nổi tiếng với thương hiệu tỉa hoa thủy tiên, nhưng thực chất loại hoa này là hoa "bán nội địa" do vẫn phải nhập củ từ… Trung Quốc. Ngoài thủy tiên thì đỗ quyên, kim ngân lượng... được bày bán tràn lan ở làng.
Hoa đỗ quyên có xuất xứ từ Trung Quốc tấn công làng hoa Nghi Tàm.
Chị Minh Thủy, một thương lái nhập khẩu hoa Trung Quốc về Việt Nam chia sẻ: “Có cầu thì ắt có cung, hoa xuất xứ Trung Quốc năm nào cũng bán chạy. Ưu điểm của những loại hoa này là dáng nổi bật, cây to đẹp, giá lại rẻ nên dân tình rất ưa thích. Với một sản phẩm tốt mà giá cả bình dân, hợp với túi tiền của số đông thì đương nhiên nó phải được chọn”.
Chọn cho mình một chậu lan đuốc lửa được bày bán trên phố Kim Ngưu, anh Hoàng Phương (Công nhân Nhà máy nước Hà Nội) cho hay: “Cũng biết đây là hoa Trung Quốc rồi nhưng giá cả phải chăng mà mã lại đẹp, trưng trong nhà rất nổi bật nên tôi vẫn mua, quan trọng là hợp với túi tiền của mình, như cây lan đuốc này chỉ với giá 200 nghìn đồng/chậu, tôi thấy rất hợp lý”.
Còn chị Hiền (Đường Bưởi, Cầu Giấy) mặc dù chán hoa Trung Quốc nhưng vẫn chọn loại hoa này, như một thói quen: “Mọi năm nhà tôi đã quen chơi những loại hoa này, năm thì trưng hoa lan, năm thì trưng kim ngân lượng… những loại này mẫu mã rất bắt mắt, đã quen nên Tết nào tôi cũng chọn lấy một vài chậu chơi Tết”.
Khó “đè” hàng Trung Quốc
Thực tế hàng hoa cảnh Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam nhiều năm trước nên một số loại hoa nghiễm nhiên là sự lựa chọn như một thói quen của người Việt. Hơn nữa, “tâm lý thông thường, dân chơi bình dân chỉ thấy bắt mắt, giá cả phải chăng thì mua thôi, chứ ít khách hàng hỏi nguồn gốc xuất xứ, chỉ những hàng thực sự đắt tiền”- anh Phúc, người bán hoa cảnh ở dốc Bưởi cho hay.
Một chậu địa lan Việt có giá cao gấp 2-3 lần địa lan của Trung Quốc.
Trong khi đó, hàng nội địa lại khá chênh cả về mẫu mã lẫn giá cả. Hàng trong nước giá bình dân thì thường lại không được ưa chuộng, chỉ là những chậu hoa tự ươm hết sức bình thường, còn những loại hoa “cao cấp” thì giá cũng “cắt cổ”.
Điển hình, cùng một loại hoa địa lan, hàng được nhập từ Đà Lạt giá khoảng 300-400 nghìn đồng/cành, hoa nhập từ Sa Pa có giá 500-700 nghìn đồng/cành trong khi đó hàng nhập từ Trung Quốc chỉ có giá khoảng 200 nghìn/cành. Với giá cả này thì mỗi chậu địa lan trong nước giá lên tới cả chục triệu đồng, như vậy đã có sự chênh đáng kể.
Đó là chưa kể những chậu có dáng đẹp, màu sắc bền… thì số tiền cho một chậu hoa lên đến cả trăm triệu đồng. Nên mặc dù hoa sản xuất trong nước có đẹp hơn, chơi được bền hơn nhưng với giá cả không bình dân như vậy thì chỉ dành cho người “chịu chơi”.
Mô hình vườn ươm hoa tuylíp đầu tiên của cựu sinh viên trường Nông nghiệp Hà Nội được đưa vào phục vụ nhu cầu chơi hoa dịp Tết này.
Là người có ý tưởng đem hoa tuylíp Đà Lạt ra Bắc ươm để phục vụ Tết này, anh Trương Văn Trường (Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) cũng ái ngại trước thực trạng hoa Trung Quốc lấn át hoa trong nước: “Điều kiện kinh tế, kỹ thuật ở ta còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sản xuất đại trà những giống hoa cao cấp nên việc phải nhập hoa từ nơi khác về là điều không thể tránh. Trong khi hoa từ các nước khác như Hà Lan, Bỉ… và ngay như loại được ươm trồng ở Việt Nam giá thành cũng cao, không hợp với mặt bằng bình dân nên những thương lái cũng không dám liều”.
Cũng theo anh Trường, mặt bằng chung là phục vụ đối tượng khách bình dân, hơn nữa sức mua cây hoa trưng Tết năm nay cũng kém hơn so với những năm trước nên rất ít thương lái dám “ôm” những cây bạc triệu. “Hàng Việt không sản xuất theo kiểu đại trà mà chủ yếu là do bàn tay của những nghệ nhân chăm tỉa, để được một chậu hoa cảnh đẹp phải mất một thời gian dài nên nhưng gốc cây quý giá đội lên đến cả trăm triệu đồng. Ví dụ giá một chậu lan đẹp có xuất xứ trong nước giá dao động từ 10- 20 triệu đồng/ chậu thì số khách chịu bỏ ra số tiền lớn như vậy chơi Tết là rất ít".
Vậy nên, dù có ước muốn 2-3 năm nữa, hoa Việt có thể “đè bẹp” hoa Trung Quốc nhưng anh Trường vẫn phải thừa nhận: “Để sản xuất đại trà, hoa đẹp mà giá cả phải chăng, phục vụ nhu cầu chơi hoa vừa rẻ, vừa đẹp của người Việt thì vẫn còn là cả một con đường dài…”!
Huy An
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp