Hệ thống hầm ngầm sông Tô Lịch sẽ "giải cứu" Hà Nội khi mưa lớn?
Lắp đặt những đoạn cống đầu tiên của hệ thống gom nước thải sông Tô Lịch |
Chiều 7/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch. Hội thảo do UBND TP Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì.
Tham dự hội thảo có ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Ngô Sách Lược - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA; ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; cùng các giáo sư, nhà khoa học...
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
"Trên thế giới, thủ đô có tuổi đời 1.000 năm là rất hiếm"
Tại hội thảo, ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA cho biết, sông Tô Lịch có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn đối với Thủ đô Hà Nội. Nếu chúng ta không có một quyết tâm chính trị cao với những giải pháp đúng đắn, khoa học thì Tô Lịch khả năng sẽ thành dòng sông chết.
Trước thực trạng trên, Công ty CP Tập đoàn môi trường Việt Nhật JVE (JVE Group) và Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS) đã đề xuất hồi sinh dòng sông Tô Lịch, xây dựng dòng sông này thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh.
Ông Dũng đánh giá, đây là đề xuất tốt và đã được trình Chính phủ; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội...
Nói về lý do đề xuất dự án trên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group cho biết, thực hiện Nghị quyết 10 năm của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Hà Nội cần phải xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu, khai thác được hệ giá trị văn hóa 1.000 năm Thăng Long.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đang thiếu một điểm nhấn văn hóa. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa như các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... thì phải có công trình sản phẩm văn hóa mang tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh.
"Có giáo sư nói rằng, trên thế giới thủ đô có tuổi đời 1.000 năm là rất hiếm. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến lại không có công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử tầm cỡ thì thật tiếc", ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
Điểm nhấn thứ 2 của đề xuất dự án đó là công trình sẽ là giải pháp chống ngập cho Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, theo ông Tuấn Anh, sông Tô Lịch là dòng sông hở, khi mưa lớn không riêng mực nước sông Tô Lịch dâng cao, mà các dòng sông khác cũng dâng lên dẫn đến nước không thoát kịp xuống hạ lưu, nước từ các cửa cống đổ ra dòng sông này bị ứ lại gây ngập úng cục bộ tại các khu dân cư.
"Khi có hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, mưa lớn nước sẽ chảy vào hệ thống này và thoát nhanh xuống hạ lưu, không liên quan đến mực nước của dòng sông. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng mưa ngập như hiện nay ở Hà Nội. Giải pháp chống ngập này đã được xây dựng ở Nhật Bản và đem lại hiệu quả rất cao", ông Tuấn Anh giải thích.
Đề xuất xây hệ thống hầm ngầm chống ngập dọc sông Tô Lịch
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm soát, cải thiện ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, TP Hà Nội đã triển khai các dự án đầu tư.
Hiện nay TP Hà Nội đang triển khai xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Dự án này có công trình xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày; xây dựng hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối trên sông Tô Lịch và sông Lừ, với tổng chiều dài cống các loại là hơn 52km. Dự kiến đến năm 2024, công trình này sẽ hoàn thành.
Ông Tuấn cho biết thêm, TP Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, đề xuất xây dựng hệ thống hầm ngầm kết hợp giao thông để tăng khả năng thoát nước cho lưu vực sông Tô Lịch cho trận mưa 500mm là có cơ sở. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
Đề xuất này hướng tới 3 mục tiêu: Khôi phục, phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sông Tô Lịch; Kết hợp với giải pháp thoát nước công nghệ trong lưu vực sông cũng như giải quyết vấn đề ngập úng và đảm bảo điều kiện thoát nước tốt hơn; Kết hợp tuyến giao thông ngầm dọc sông Tô Lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, đề xuất dự án trên là ý tưởng độc đáo có tính ứng dụng trong quá trình nghiên cứu, triển khai, lập hệ thống thiết kế đô thị dọc 2 tuyến đường ven sông Tô Lịch.
Đề xuất chống ngập bằng đường hầm ngầm thoát nước kết hợp với bể chứa để đối phó với những trận mưa lên tới 500mm, trong bể sẽ giữ lại nước và bơm ra sông Nhuệ với công suất 200 m3/s khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp.
"Việc đề xuất xây dựng hệ thống hầm ngầm kết hợp giao thông để tăng khả năng thoát nước cho lưu vực sông Tô Lịch cho trận mưa 500mm là có cơ sở trong bối cảnh thực trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay", ông Tuấn đánh giá.
Đóng góp ý kiến vào việc hồi sinh sông Tô Lịch, kiến trúc sư Nguyễn Thăng Long cho biết, ngày nay sông Tô Lịch không còn dài tới 30km và nhiều chi lưu như ngày xưa. Với diện tích và chiều dài như hiện tại, dự án cấp nước từ Hồ Tây cho sông Tô Lịch là chủ động, hợp lý.
Theo ông Long, việc này còn có tác dụng thau nước cho Hồ Tây, luôn luôn được lưu thủy. Ngoài ra, nếu áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản để xử lý ô nhiễm thì Hồ Tây chắc chắn không trở lại thảm kịch chết 200 tấn cá hồi năm 2016.
Kiến trúc sư Nguyễn Thăng Long phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
"Khi sông Tô Lịch được lưu thủy, tôi tán thành với đề xuất dự án là nhất thiết phải có đoạn cho mực nước sâu từ 2,5-3m. Từ đây dòng sông sẽ sạch sẽ, nhộn nhịp như xưa. Khi dòng sông sạch sẽ tiến hành các hoạt động văn hóa, thuyền rồng du lịch, thả cá như một số nước trên thế giới.
Nói về hợp tác giữa Nhật Bản và TP Hà Nội trong lĩnh vực cải thiện môi trường, ông Toriyama Jin - Bí thứ thứ hai, Ban kinh tế - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - cho biết, Nhật Bản đã hợp tác với Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm nay về vấn đề cải thiện môi trường nước. Dự án cải thiện môi trường nước với TP Hà Nội đầu tiên được ký kết thỏa thuận quốc tế vào năm 1994, dự án này khởi đầu cho nỗ lực xử lý nước thải của Hà Nội.
Ông Toriyama Jin - Bí thứ thứ hai, Ban kinh tế - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
Năm 2013, dự án bảo trì hệ thống thoát nước Yên Xá đã được bắt đầu, đối với dự án này, Nhật Bản đã cung cấp khoản vay ODA khoảng 110 tỷ Yên (tương đương 1 tỷ USD). Với những nỗ lực hợp tác của 2 nước cho đến nay, môi trường nước của Hà Nội đã được cải thiện một phần.
"Gần đây ở Hà Nội đang đối mặt với thực trạng mưa to là ngập úng. Ở Nhật Bản có nhiều giải pháp để khắc phục vấn đề này, trong đó có hệ thống đường hầm thoát nước như nội dung đề xuất dự án mà chủ đề hội thảo đưa ra", ông Toriyama Jin nói.
Theo Dân trí
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng