Hai “kịch bản” cho lạm phát Việt Nam
Hiện nay, có hai quan điểm trái ngược về tình hình lạm phát nước ta. Một nghiên cứu của Đại học Havard cho rằng, lạm phát còn lâu mới quay trở lại và tăng trưởng GDP của nước ta sẽ nằm trong tình trạng cận suy thoái kéo dài kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bơm tiền vào thì tác động của nó đối với lạm phát vẫn còn rất lâu vì sức cầu hiện nay quá yếu.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong nước, lạm phát đang có dấu hiệu dò đáy, do dự trữ bắt buộc vượt của ngân hàng có dấu hiệu giảm, chu kỳ khủng hoảng nông nghiệp cũng sắp hết; đồ thị tổng cung tổng cầu đang có dấu hiệu cân bằng. Cầu giảm quá lâu, dẫn đến cung giảm hình thành nên mặt bằng giá cả mới và hiện nay, giá cả đang có dấu hiệu đi lên.
Các chuyên gia dự đoán lạm phát sẽ bắt đầu tăng nhẹ kể từ tháng 9
TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Lạm phát sẽ tiếp tục đi ngang trong tháng 8 và bắt đầu tăng nhẹ kể từ tháng 9 trở đi. Nếu dự đoán này đúng thì đây là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Giả cả phục hồi trở lại đồng nghĩa với cầu bắt đầu phục hồi, kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, CPI cả nước liên tục giảm mà nguyên nhân được đánh giá do nhu cầu của người dân hạn chế bởi tình hình kinh tế khó khăn. Do đó, CPI âm không còn là dấu hiệu đáng mừng mà trở thành nỗi lo “giảm phát”.
Trong tháng 5, CPI cả nước giảm nhẹ 0,06% so với tháng trước và đánh dấu tháng giảm thứ 2 kể từ đầu năm, trong đó hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM đều công bố chỉ số CPI giảm lần lượt là 0,22% và 0,16% so với tháng trước và là tháng thứ 3 liên tiếp giảm kể từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác cũng có CPI giảm như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào những dấu hiệu cho thấy CPI sẽ cải thiện trong những tháng tiếp theo như: chính sách tăng lương tối thiểu, biến động giá xăng dầu và đề án tăng giá dịch vụ y tế, tác động của giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng,…
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá: TP HCM có trên 10 triệu dân nhưng hàng hóa thành phố sản xuất ra không chỉ phục vụ cho người dân trên địa bàn mà hàng hóa đi đến 63 tỉnh thành trong cả nước. Với sự nỗ lực của các ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là thông qua chương trình bình ổn giá, thành phố đang nỗ lực để người dân tiếp cận với hàng hóa có giả cả phù hợp. Điều đó, cũng phản ánh vì sao chỉ số giá tiêu dùng của TP HCM giảm, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi. Vì vậy, không có vấn đề gì đáng lo ngại từ chỉ số CPI giảm này.
Mai Phương
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển
-
Người lao động "thắt chặt" chi tiêu dù thu nhập bình quân tháng tăng 7,4%
-
9 tháng đầu năm: CPI tăng 3,88%, lạm phát cơ bản tăng 2,69%
-
Quý III/2024: GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
-
TP HCM kích cầu tiêu dùng nội địa mùa cuối năm