Hai dự án bô-xít Tây Nguyên: Tầm nhìn về công nghiệp hóa
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 245 về Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, có xét đến năm 2025, hai dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bô-xít thành Alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm, là Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ |
Ngay những năm đầu triển khai 2 dự án này, đã có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bô-xít ở Tây Nguyên, cộng thêm việc giá Alumin trên thị trường thế giới xuống thấp khiến 2 dự án đã có lúc tưởng như "chết từ trong trứng". Tất nhiên những cảnh báo có tính xây dựng về môi trường, công nghệ và xây dựng thị trường đều rất chính xác nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cực đoan...
Tuy nhiên, Bộ Chính trị với tầm nhìn xa, và cùng với đó là sự quyết đoán từ lãnh đạo Chính phủ, nỗ lực của cán bộ công nhân viên Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã dần vực dậy và ổn định sản xuất hai nhà máy với những tấn quặng xuất khẩu đầu tiên vào năm 2013. Và đến năm 2017, các nhà máy Alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Nhờ làm chủ được công nghệ hiện đại của thế giới, nên độ tinh khiết của Alumin của 2 nhà máy đều dần đạt cao hơn thiết kế, tiêu hao năng lượng ngày càng ít hơn. Cả 2 nhà máy này đều thực hiện đúng quy định pháp luật về ngân sách, thuế và phí, đồng thời đã cơ bản trả xong vốn vay và lãi vay ngân hàng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả 2 dự án thí điểm này cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện xong đề án thăm dò quặng bô-xít. Cả 2 dự án cơ bản thỏa mãn những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó hệ số an toàn hồ bùn đỏ được nâng lên gấp 3 lần, việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác được thực hiện đúng theo yêu cầu. Chủ đầu tư cũng đã xây dựng các nhà máy điện đảm bảo cung cấp điện cho 2 nhà máy. Qua 2 dự án này, lần đầu tiên Việt Nam cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất Alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp Alumin và luyện nhôm ở Việt Nam
Một vấn đề quan trọng nữa là việc bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên và an ninh quốc gia, an toàn quốc phòng được bảo đảm. Thu nhập của người dân địa phương tăng cao, từ trung bình 17 triệu đồng/năm trước năm 2007 lên 65 triệu đồng/năm hiện nay.
Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá, sau 10 năm thực hiện thí điểm 2 dự án khai thác và chế biến bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ đã cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả tổng thể cả về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng của Tây Nguyên để phát triển Tây Nguyên.
Qua 2 dự án thí điểm này cũng cho nhiều kinh nghiệm quý về chủ động trong truyền thông chính sách, phát huy trách nhiệm giải trình và vai trò giám sát của nhân dân. Bên cạnh đó, là bài học về đánh giá đúng dựa trên cơ sở khoa học về tiềm năng và cung cầu thị trường của một số ngành. Từ kết quả này, cần tính đến kế hoạch, cũng như huy động các nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghiệp Alumin và nhôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá các loại khoáng sản trên thế giới đều xuống thấp, ngay lập tức nhiều ý kiến nghi vấn về 2 dự án bô-xít lại có dịp lật trở lại. Về vấn đề này, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẳng định, nếu giá Alumin thế giới có xuống thấp từ 12-17% thì cả 2 dự án vẫn có hiệu quả kinh tế.
Trước giá trị thực đã được chứng minh của 2 dự án bô-xít Nhân Cơ và Tân Rai, người viết bài chợt nhớ lại câu nói nổi tiếng của ông Bùi Quang Tiến - Giám đốc Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Nhân Cơ cách nay đúng 8 năm: “Nhiều người nói theo cảm tính, thậm chí ác cảm, nhưng… chẳng ai đến đây cả!”. Quả thực đất nước ta đang bước sang giai đoạn mới về công nghiệp hóa, làm ra sản phẩm mà thế giới cần với những nhà máy ngàn tỉ thì cần phải có sự kiên nhẫn, tin tưởng và nhất là tầm nhìn phải xa đến hàng chục năm.
Tùng Dương