Hà Nội: Huyện Thạch Thất nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới
Tối 19/4, huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự buổi lễ có lãnh đạo UBND TP Hà Nội; Trưởng BCĐ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025"...
Huyện Thạch Thất nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tiến bộ, trong đó: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 70,2%; Dịch vụ, du lịch chiếm 23,2%; Nông, lâm, thủy sản còn 6,6%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện luôn giữ ổn định, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 14,92%/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 890,3 tỷ đồng (tăng 788,5 tỷ đồng so với năm 2010). Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh với 1.605 doanh nghiệp, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trao Quyết định của Thủ tướng công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. |
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã triển khai một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Giai đoạn 2010-2020, Huyện đã bố trí hơn 4.994 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM một cách hiệu quả, công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và diện mạo các xã có nhiều thay đổi.
Tất cả 19/19 tiêu chí của 21/22 xã đạt tiêu chí xây dựng NTM, riêng xã Thạch Hòa nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không phải tiến hành xây dựng NTM) và 9/9 tiêu chí của huyện đều đạt theo quy định của Trung ương.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp được đặc biệt coi trọng theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã hình thành 690ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 285ha vùng sản xuất rau an toàn; 300ha vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 50ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 2 mô hình sản xuất rau hữu cơ; 6 mô hình sản xuất rau, củ, quả, thịt an toàn; 5 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 6 mô hình sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333-445 triệu đồng/ha/năm và tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn TP Hà Nội.
Thạch Thất cũng thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (đến năm 2020, toàn huyện có 122 sản phẩm được hội đồng thẩm định thành phố đánh giá xếp hạng, trong đó, 18 sản phẩm đạt 3 sao và 104 sản phẩm đạt 4 sao). Hệ thống hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ. Năm 2010, toàn huyện có 22/74 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 29,73%. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg công nhận huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Xuân Hinh
-
Bão Trami có thể đạt cường độ cực đại giật cấp 15 khi vào Biển Đông
-
Quảng Ngãi: Các khu vực đỗ xe tránh mưa lũ
-
Đường sắt Việt Nam bán vé tàu qua bản đồ trực tuyến
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống