Hà Nội: Chính quyền có bất lực với nhà xây trái phép?
>> Đừng để nước đến chân mới nhảy!
Một dãy nhà không phép trên đất dự án ngang nhiên mọc lên và tồn tại nhiều tháng nay.
Được biết, dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 5.583 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu áp dụng giá đất đền bù tương đương hệ số K=1,8 như đã áp dụng với dự án cùng tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu thì tổng mức đầu tư của dự án sẽ đội lên thành 7.805 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 2.219 tỉ đồng).
Dự án được UBND thành phố Hà Nội xác định là một trong những dự án trọng điểm có chiều dài 2.273m, rộng 50m và để thực hiện dự án này, dự kiến phải thu hồi 99.970m2 của 1.719 chủ sử dụng đất. Và theo đúng kế hoạch thì việc hoàn thiện hồ sơ thẩm định dự án phải được hoàn thành từ quý III/2012. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án hiện vẫn chưa được triển khai.
Mới đây, trước sự chậm trễ trong việc triển khai một số dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có dự án đường vành đai 1.
Thực tế tìm hiểu cho thấy, dự án đường vành đai 1 có thể xem là một trong những dự án điển hình về khâu giải phóng mặt bằng khi phần lớn diện tích thuộc diện giải tỏa đã được người dân chấp hành. Tuy nhiên, có một thực tế mà PetroTimes từng phản ánh trong bài viết “Xung quanh dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục: Đừng để nước đến chân mới nhảy!” là tình trạng lấn chiếm, xây dựng trên phần diện tích đã giải tỏa của dự án rất phức tạp.
Bãi xe có thể giải tỏa dễ dàng nhưng khu nhà phía sau bãi gửi xe, được rào kín này xem ra sẽ phải... giải tỏa lần 2 (?!)
Sau khi bài viết trên được đăng tải, tình trạng này đã lắng xuống, nhưng thời gian gần đây lại rất “nóng”. Thậm chí, một số đối tượng xây nhà trái phép khi nắm được thông tin người dân có ý kiến phản ánh đã "đánh tiếng" về việc "được sự đồng ý của phường", "đây là chủ trương của phường", thậm chí còn có những lời lẽ mang ẩn ý "xã hội đen" để cảnh báo những ai "có ý kiến".
Theo một người dân ở khu vực này cho biết (PetroTimes xin được giấu tên) cho biết: Phần lớn những căn nhà này được xây lên rồi cho các nhóm người ngoại tỉnh, dân "giang hồ" vào ở. Hỏi về "chủ" của dãy nhà được xây khá kiên cố, thậm chí lắp cả điều hòa, hệ thống cấp thoát nước, đào cả hố ga thì chẳng ai biết rõ, chỉ biết rằng đơn vị quản lý của phần đất đã giải tỏa thuộc dự án này là UBND phường Ô Chợ Dừa.
Một số người dân sống bên phố Nguyễn Phúc Lai và cả người dân sống bên phía đường La Thành cho rằng: Có lẽ chính quyền sở tại cũng biết về việc xây dựng này, nhưng lại chủ quan với khái niệm "công trình tạm" nên đã không "thổi còi" với trường hợp xây dựng trái phép trên đất đã giải tỏa này. Nhưng lạ một điều, khi có ý kiến phản ánh lên đến UBND phường thì chưa thấy có cán bộ nào đến trực tiếp kiểm tra và trả lời rõ ràng về hiện trạng này cho dân được biết. Và tốc độ xây dựng ở đây lại càng được đẩy nhanh hơn.
Phải chăng chính quyền địa phương không biết, không nắm được tình hình hay là đang tiếp tay cho những hành vi vi phạm là điều mà dư luận xã hội đang đặt ra xung quanh câu chuyện này.
PetroTimes sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến quý độc giả trong thời gian tới.
Thanh Hòa
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường