Gian nan người thợ mỏ
Mới 8h sáng, không khí ở miền núi Nông Sơn như thiêu cháy da thịt lữ khách. Đứng trên cây cầu của con đường mòn thấy từng đoàn xe tải chở than đá từ nhà máy của Công ty cổ phần Than – Điện Nông Sơn về đồng bằng tiêu thụ. Bao bọc chung quanh là những quả đồi cao sừng sững với loang lổ vết đánh nham nhở. Các mỏ than lộ thiên có cấu tạo dạng hình nón ngược, nên phải sử dụng vật liệu nổ, hoặc bằng máy móc khoan đá. Tại khu vực mỏ, có hàng chục điểm khai thác khác nhau, mỗi người thợ cùng phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại đảm nhận từng vị trí vỉa nên trông họ vô cùng nhỏ bé giữa “đại công trường” rộng cả trăm héc ta này.
Ông Võ Văn Vinh, Trưởng phòng Kỹ thuật của công ty chia sẻ: “Trên đời này, có nghề nào nặng nhọc như thợ mỏ đâu… Mặt đất là tầng đá cứng như lớp bê tông, người thợ phải “nội soi” tìm cho ra quặng. Bình quân để có 1 tấn than nguyên liệu, phải bốc lên 8m3 đất đá. Suốt ngày nghe tiếng mìn nổ, tiếng động cơ máy móc phá đá, hai cái lỗ tai như bị ù. Nếu sơ ý rất dễ xảy ra tai nạn”.
Gần 30 năm dày dạn với nghề, ông Vinh không thể nào nhớ nổi bao nhiêu tai nạn lao động ập đến bất ngờ, chuyện sứt đầu mẻ trán xảy ra như cơm bữa. “Bất kể nắng mưa, đêm ngày, người thợ luôn vất vả với công việc. Có nơi lấy than quặng dưới lòng đất sâu âm 40m. Mỏ ở đây có trữ lượng 3,5 triệu tấn than, khai thác hơn 40 năm sau mới hết. Thợ mỏ phá đá nếu không có sức khỏe dẻo dai, thì không bao giờ trụ nổi được. Biết bao thanh niên trai tráng đến rồi đi”, ông Vinh bộc bạch.
Công nhân đang làm việc tại mỏ than Nông Sơn dưới cái nắng nóng gần 40C.
Qua phân xưởng sàn tuyển, một thế giới không gian đen ngòm khói bụi than bao phủ. Dây chuyền phân loại, bốc than lên xe cơ giới vận chuyển tiêu thụ, nhiều nhất là lao động nữ. Ở đây cái gì cũng dính đầy bụi, từ lán trại che bạt xanh, khuôn viên nhà xưởng, áo quần công nhân, cả chiếc nón lá đội trên đầu cũng chuyển thành màu than đen. Vì chỉ cần hé môi là bụi than bay vào nên người thợ hầu như trùm khăn bịt kín hết mặt mũi, không một tiếng nói, nụ cười khi lao động. Công nhân sàn tuyển quặng, bốc than làm việc theo 3 ca; giờ cao điểm phải làm thâu đêm suốt sáng cho kịp những đơn đặt hàng. Mặc cho trời đứng bóng, khi những chiếc xe ben chở quặng đưa lên băng chuyền sàn tuyển, từng tốp phụ nữ hối hả bốc xếp. Bụi than rơi vãi mịt mù khi gặp gió thổi mạnh.
Lao động trong môi trường cực kỳ độc hại này, nhiều công nhân có vẻ già hơn so với tuổi và sức khỏe nhanh giảm sút. Thợ mỏ nơi đây tâm sự, lỡ vào nghề rồi nên đâu thể dứt ra được, vì đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình họ. Không ít công nhân các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế trước đây dạt về Nông Sơn, rồi chôn chặt cuộc đời mình với… than.
Nữ công nhân mỏ than Nông Sơn
Anh Nguyễn Cao Cường - nhân viên mỏ than Nông Sơn lập gia đình hơn 4 năm và đã có một cháu trai kháu khỉnh. Vợ quê Quảng Bình, cũng là gia đình có truyền thống gắn bó lâu dài với ngành than. Không ít chàng trai, cô gái mới ngày đầu vào mỏ than, sau vài năm làm thợ mỏ, đã bén duyên rồi nên vợ thành chồng. Đó là mối tình đẹp của anh Nguyễn Em (quê Hội An) với chị Đoàn Thị Hương từ tỉnh Thừa Thiên - Huế; chị Nguyễn Thị Tuyết với anh Nguyễn Bá Hà (quê ở Hà Tây).
Xúc động nhất là tình yêu của chị Kiệm (quê Quảng Bình) với anh Hoàng Minh Sử (quê Thanh Hóa) đã vượt lên sự cách trở của định kiến xã hội, do hai bên gia đình môn đăng hộ đối. Ngày hai anh chị dắt về quê ra mắt gia đình, cha mẹ chị Kiệm phản đối kịch liệt vì không muốn con gái gắn bó lâu dài nơi đất khách. Thế rồi, một đám cưới đặc biệt diễn ra trên vùng đất mỏ và bây giờ họ đã có cuộc sống ngập tràn hạnh phúc. Mỏ than là tổ ấm, mái nhà chung.
B.H