Giá khí rơi vào ngưỡng âm, Châu Âu đã vượt qua khủng hoảng khí đốt?
Từ hơn một tuần nay, những con tàu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã gây tắc nghẽn tại những bến cảng của Tây Ban Nha, như thể báo hiệu rằng châu Âu đang “bội thực” khí đốt. Theo nhà điều hành mạng lưới khí đốt Tây Ban Nha Enagas, tình trạng này sẽ tiếp diễn “ít nhất cho đến tuần đầu tiên của tháng 11”.
Giá khí đốt trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan - mức giá tiêu chuẩn cho khí đốt tự nhiên của thị trường châu Âu, hiện đang lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. Thậm chí, có lúc giá còn giảm xuống dưới 100 euro/MWh vào cuối tháng 10. Trên thực tế, vào giai đoạn tháng 8/2022, khi Nga cắt giảm khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream, khiến thị trường trở nên hoảng loạn, giá khí đốt đã tăng mạnh. Nhưng hiện nay, giá đã giảm hơn 60%. Không chỉ có vậy, vào tuần trước, giá TTF trên thị trường giao ngay đã nhất thời rơi vào ngưỡng âm. Đây là lần đầu tiên tái diễn trường hợp này từ tháng 10/2019. Và hiện nay, Mỹ đang trải qua tình cảnh tương tự.
Những diễn biến này đã đi ngược lại hoàn toàn với những con số huy hoàng của tháng 3/2022, khi giá khí đốt châu Âu gần chạm ngưỡng 350 euro/MWh. Đây là giai đoạn chỉ ngay sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra. Vào thời gian đó, châu Âu đã phải chật vật trong cuộc đua để lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình và giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga càng nhiều càng tốt. Và kèm theo đó là vòng chạy nước rút để tìm những nguồn năng lượng thay thế, kêu gọi tổ chức những cuộc họp khủng hoảng và động viên tiết kiệm năng lượng.
Một mùa đông ấm áp
Châu Âu đã đạt thành công nhờ những chiến lược trên, với kho lưu trữ hiện đã chạm mức trên 90%. Những nhà môi giới của công ty tài chính Marex giải thích: “Ngay từ quý đầu tiên của năm 2022, Liên minh châu Âu đã tìm được dòng cung LNG mạnh mẽ, với phần lớn đến từ Mỹ”. Tuy nhiên, ông Georgi Slavov - Trưởng ban Nghiên cứu nền tảng của Marex khẳng định rằng, tuy châu Âu đang bước vào giai đoạn cung cao hơn cầu, hiện “vẫn còn quá sớm để tuyên bố đã đánh bại được cuộc khủng hoảng".
Sự tạm lắng hiện nay chỉ là kết quả của nhiều yếu tố thuận lợi. Thứ nhất, nhiệt độ cao bất thường trong thời điểm này đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm, do đó làm giảm nhu cầu khí đốt. Thứ hai, theo một nhà phân tích: “Suy thoái kinh tế và áp đặt hạn chế tiêu thụ đối với khí đốt”.
Do đó, nếu mùa đông trở rét và ngành công nghiệp phục hồi hết công suất, tình thế sẽ nhanh chóng bị lật ngược. Bà Nikoline Bromander - Nhà phân tích của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết: “Lục địa già vẫn chưa bước ra khỏi vùng nguy hiểm. Vì dòng chảy khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục giảm, mùa đông năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn”. Chưa kể, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu vẫn đang ở mức rất cao, tăng hơn 80% kể từ đầu năm 2022.
Những hiện tượng quen thuộc
Trong thời điểm đại dịch COVID-19, vì nhu cầu sụt giảm khiến nguồn cung dư thừa, dầu thô Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng này, đẩy người mua vào cảnh ráo riết tìm nơi trữ dầu. Sau đó, giá dầu WTI tiếp tục tụt xuống mức tiêu cực, khiến những nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền để người mua lấy dầu.
Nhưng đối với khí đốt, ông Eli Rubin - Trưởng ban Phân tích năng lượng của Công ty phân tích dữ liệu EBW Analytics Group (Mỹ) khẳng định: “Giá sẽ không tụt về mức âm. Vì hiện tượng cung nhiều hơn cầu này chỉ ảnh hưởng đến giá trong ngắn hạn, nhất là tại thị trường giao ngay”. Như vậy, đây chính là lời lý giải cho tình trạng ùn tắc bến cảng của Tây Ban Nha.
Ông Vincent Demoury - đại biểu của GIGNL (Tổ chức những nhà nhập khẩu LNG quốc tế) cũng khẳng định rằng, tại Tây Ban Nha, hiện tượng tắc nghẽn bến tàu vì lưu lượng tàu vận chuyển LNG cao đều xảy ra hàng năm.
Tây Ban Nha có đến 6 cảng LNG, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Vào mỗi tuần, Tây Ban Nha tiếp nhận 108 tàu chở hàng. Theo Enagas, trữ lượng khí đốt của Tây Ban Nha chiếm 44% tổng trữ lượng của toàn Liên minh châu Âu.
Ông Vincent Demoury cũng cho biết, hiện trạng nhu cầu tiêu thụ khí đốt giảm và trữ lượng mùa đông cao sẽ khiến châu Âu không còn tìm được “khoảng trống nào” để dỡ hàng vào tháng 11 này. Vì vậy, những tàu chở LNG đang được chuyển thành kho chứa nổi tạm thời, “chờ cơ hội người tiêu dùng cần khí và giá quay lại mức hấp dẫn hơn”.
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024