Giá dầu thô ghi nhận tuần mất giá mạnh
Ảnh minh họa |
Giá vàng hôm nay (5/2): Đồng USD “thổi bay” nỗ lực phục hồi của kim loại quý |
Sau tuần giảm giá mạnh và cũng đang trên đà lao dốc, giá dầu thô bất ngờ bước vào tuần giao dịch từ ngày 30/1 với xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD yếu hơn và thị trường dự báo về việc OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng.
Nguồn cung dầu thô cũng được dự báo sẽ giảm khi Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 5-7% vào đầu tháng 2/2023, trong khi OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng.
Nhu cầu tiêu thụ dầu cũng được nhận định sẽ phục hồi mạnh khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc vẫn đang giữ được đà phục hồi tốt, đặc biệt là Trung Quốc khi nhu cầu đi lại được ghi nhận tăng mạnh sau quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/1/2023, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 80,32 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 86,90 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu đã không thể duy trì trong phiên giao dịch sau đó khi giới đầu tư lo ngại các quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ gia tăng đáng kể áp lực đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, lãi suất duy trì ở mức cao cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt lạm phát thời gian tới.
Những thông tin về nguồn cung dầu thô từ Nga vẫn khá dồi dào, bất chấp các lệnh cấm vận của EU, G7… cũng là yếu tố khiến giá dầu ngày 31/1 đi xuống.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch giữa tuần, trong bối cảnh đồng USD yếu hơn và lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga sụt giảm mạnh sau khi Nga công bố các biện pháp giám sát hoạt động xuất khẩu dầu, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.
Cụ thể, chính phủ Nga đã thông qua nghị định yêu cầu các công ty xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga giám sát những gì không thuộc phạm vi áp dụng trần giá đối với tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng cho đến người tiêu dùng cuối cùng.
Quyết định kể trên tuân theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, cấm cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng trần giá.
Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Phát triển Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng, Đại học Dầu khí Quốc gia Nga Gubkin, Vyacheslav Mishchenko, các biện pháp được thực hiện sẽ cho phép Nga khắc phục thành công các hạn chế và chuyển hướng dòng dịch vụ hậu cần sang các thị trường khác.
"Nga phải tích cực tham gia vào việc định dạng lại các dòng tài nguyên năng lượng, hậu cần và chuỗi tài chính. Sau đó, nước này sẽ có thể kiểm soát độc lập việc cung cấp dầu thông qua tất cả các chuỗi, bao gồm cả giao hàng trực tiếp", ông Mishchenko nói.
Ngoài ra, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trước kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ sớm thực hiện hạ lãi suất khi các nền kinh tế có dầu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 1/2/2023, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 79,12 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 85,66 USD/thùng.
Tuy nhiên, vào cuối phiên giao dịch, giá dầu lại có xu hướng giảm mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 vào tuần trước do nhu cầu yếu. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 27/1, dự trữ dầu thô Mỹ đã lên mức 452,7 triệu thùng, cao hơn 400.000 thùng so với dự báo được các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Áp lực giảm giá đầu với dầu thô tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch sau đó khi đồng USD phục hồi trong bối cảnh Fed phát đi thông điệp về khả năng đưa lãi suất lên mức 5 – 5,25% trước khi dừng lại.
Giới chuyên gia lo ngại, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa và các hoạt động kinh tế khác, qua đó có thể đẩy lạm phát tăng trở lại. Điều này được dự báo sẽ tạo các tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Giá dầu giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, khi các đơn đợt hàng thiết bị công nghiệp máy móc, thiết bị được Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận giảm.
Ở diễn biến khác, triển vọng tiêu thụ dầu tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng đang bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn và mặt bằng lãi suất cao hơn, trong khi các nền kinh tế lớn như EU, Anh, Nhật, Canada… vẫn đang được cảnh báo nguy cơ suy thoái.
Quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, theo những dữ liệu gần đây thì triển vọng này vẫn khá mờ nhạt.
Mới nhất, ngân hàng ANZ đã chỉ ra rằng, mặc dù lượng giao thông tại 15 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng vọt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng các thương nhân của Trung Quốc lại khá thưa thớt.
Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản cũng dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 72,23 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 79,76 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, ngày 30/1, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 30/1.
Theo đó, tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mức chi Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 lên mức 850 đồng/lít, xăng RON 95 lên mức 950 đồng/lít. Đồng thời, giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng dầu về mức 200 đồng/lít/kg, để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 605 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 650 đồng/lít); dầu Mazut ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/lít).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.329 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.147 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.524 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 22.576 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.934 đồng/kg.
Hà Lê
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần