Giá dầu tăng vọt khi các nhà đầu tư lo ngại sự gián đoạn trong ngành năng lượng của Nga
Một giếng khoan dầu gần Dyurtyuli, nước cộng hòa Bashkortostan, Nga. Ảnh:Andrey Rudakov/Bloomberg/Getty Images. |
Dầu thô Brent, tiêu chuẩn dầu quốc tế, tăng 7% và giao dịch ở mức cao 105 USD/thùng. Giá dầu thô kỳ hạn WTI, mức chuẩn của Mỹ, cũng tăng tới 7% để giao dịch trên 98 USD/ thùng. Giá sau đó giảm nhẹ. Dầu WTI tăng 5,28% lên 96,43 USD/ thùng, trong khi dầu Brent tăng 4,67% lên 102,50 USD/ thùng. Cả hai hợp đồng dầu Brent và WTI đã phá vỡ mức trên 100 USD lần đầu tiên vào thứ Năm (24/2) kể từ năm 2014. Tuy nhiên, mức tăng đột biến ban đầu có phần ngắn ngủi khi WTI và Brent giảm trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/2) và bước sang phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/2) sau khi vòng trừng phạt đầu tiên của Nhà Trắng không nhắm vào hệ thống năng lượng của Nga.
Tối thứ Bảy (26/2), Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt một vòng trừng phạt mới đối với Nga nhằm vào hệ thống tài chính của nước này.Theo Bob McNally, Chủ tịch Rapidan Energy Group, đã có một “sự leo thang đáng kể trên diện rộng” vào cuối tuần và điều đó đã khiến phần bảo hiểm rủi ro quay trở lại vào giá cả. Hôm thứ Hai, Bob McNally nói với CNBC rằng giá dầu có thể lên tới 110 USD hoặc 115 USD một thùng trước khi giá giảm.
Nga là nhà cung cấp dầu khí quan trọng, đặc biệt là sang châu Âu. Trong khi vòng trừng phạt mới nhất không nhắm trực tiếp vào năng lượng, các chuyên gia cho rằng sẽ vẫn có những tác động đáng kể. Chuyên gia phân tích John Kilduff, đối tác của Again Capital, cho biết các biện pháp trừng phạt ngân hàng khác nhau khiến việc bán xăng dầu của Nga hiện nay rất khó diễn ra. Hầu hết các ngân hàng sẽ không cung cấp nguồn tài chính cơ bản do rủi ro đối mặt với các lệnh trừng phạt. Một số công ty phương Tây có thể quyết định rằng không nên có rủi ro tiếp tục kinh doanh với Nga do không chắc chắn về việc thực thi và khả năng những biện pháp trừng phạt trong tương lai.
Trụ sở OPEC tại Vienna. Ảnh: DPA/Tư liệu. |
Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ gặp nhau trong tuần này để xác định chính sách sản xuất của OPEC+ cho tháng 4/2022. OPEC+ cũng như các nhà sản xuất dầu trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, đang kiểm soát nguồn cung dầu khi nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch Covid.
Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy những tác động của giá xăng tăng. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), hôm Chủ nhật, mức giá trung bình trên toàn nước Mỹ đối với một gallon xăng là 3,60 USD/ gallon.
Công ty tư vấn đầu tư Evercore ISI viết trong một lưu ý cho khách hàng rằng mặc dù các biện pháp trừng phạt vẫn đang được thực hiện để tránh những cú sốc về giá năng lượng, các nhà phân tích tin rằng việc gián đoạn các chuyến hàng chở dầu khí ngày càng có vẻ là không thể tránh khỏi. Diễn biến tình hình rất khó đoán và rất phức tạp. Khả năng tác động tiêu cực lớn nhất từ tình hình này đối với nền kinh tế Mỹ là giá dầu tăng vọt./.
Thanh Bình
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/10: Giá dầu thế giới lấy lại đà tăng
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?
-
Yếu tố nào đang đè nặng lên thị trường dầu mỏ?
-
VPI dự báo giá xăng dầu giảm từ 1,2 - 3,1% trong kỳ điều hành ngày 24/10
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới