Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đừng coi thường dịch MERS!

06:44 | 11/06/2014

658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Số liệu mới nhất: đã có 202 ca tử vong vì virus Mers trên thế giới. May mắn thay, Việt Nam chưa phát hiện ra ca bệnh nào. Tuy nhiên, kinh nghiệm đối phó với những đợt dịch bùng phát trong thời gian gần đây cho thấy: Bộ Y tế không thể đùa với dịch Mers. Rất cần những phương án chuẩn bị, dự phòng để sẵn sàng đối phó với loại virus đặc biệt nguy hiểm này.

Mers nguy hiểm thế nào?

Thông tin thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, tại Jordan ngày 1-6-2014 phát hiện thêm 1 trường hợp nhiễm mới virus MERS. Bệnh nhân này là nam, 26 tuổi và thật không may mắn rằng, anh ta chính là cán bộ y tế và có tiền sử tiếp xúc với cán bộ y tế khác đã nhiễm bệnh MERS.

Như vậy, thống kê từ tất cả các nguồn, tính đến ngày 2-6-2014 đã phát hiện ra 676 trường hợp bị nhiễm virus MERS rải đều qua 20 quốc gia. Trong đó có 202 tử vong, thuộc các khu vực Trung Đông (Arập Xêút, Jordan, Kuwait, Oman, Quatar, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Yemen và Li Băng); châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Hy Lạp); Bắc Phi (Tunisia, Ai Cập) và châu Á (Malaysia và Philippines); châu Mỹ (Mỹ).

Kiếm soát dịch MERS ở cửa khẩu

Vậy, MERS là gì và nó nguy hiểm như thế nào?

Chúng ta chưa đề cập nhiều đến loại virus này nhưng sự thực MERS nguy hiểm hơn virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) “lừng lẫy” một thời, từng vươn vòi khắp châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó mất mạng.

Mức độ lây lan của MERS thấp hơn so với SARS nhưng vì sao nó lại nguy hiểm hơn. Là bởi chúng ta hiện chưa có bất cứ loại vắc-xin hay phác đồ điều trị nào đặc hiệu. Và hiện nay, đối với MERS, tỷ lệ các ca mắc bệnh số tử vong lên tới gần 30%. Căn bệnh này có nguồn gốc từ lạc đà, loài vật nuôi khá phổ biến ở Arập Xêút và các quốc gia vùng Trung Đông nói chung. Những người nhiễm MERS thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, viêm phổi và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính này giống với bệnh SARS. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, theo ghi nhận trên thế giới hiện nay có những trường hợp mắc viêm hô hấp cấp tính, nhưng lại không có triệu chứng. Thêm nữa, nguy hiểm của dịch bệnh MERS là đã ghi nhận nhiều trường hợp lây từ người sang người trong khi ngay cả dịch SARS trước đây cũng chưa có bằng chứng lây từ người sang người.

Thông thường, các trường hợp lây nhiễm MERS trong cộng đồng thông qua tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm của động vật chưa được nấu chín, xử lý kỹ, qua lây truyền từ người sang người hoặc lây nhiễm từ các cơ sở y tế. Cũng cần lưu ý đến các nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện do các bệnh nhân được nhập viện, kèm thêm công tác thực hành công nhiễm khuẩn, lây chéo trong bệnh viện không đảm bảo dẫn đến lây truyền và bùng phát trong bệnh viện. Với dịch MERS, nguy cơ lây nhiễm trong gia đình đã được ghi nhận. Điều này có thể do lây truyền từ người sang người hoặc có thể do phơi nhiễm với một nguồn chung nào đó.

Hiện nay, hiểu biết về cách thức lây truyền của MERS vẫn chưa được đầy đủ. Do đó, điều quan trọng đối với các quốc gia là cần sử dụng tất cả các phương tiện thực tế và hiệu quả có thể có để truyền thông về các nội dung ở trên đối với tất cả các nhóm đối tượng trước, trong và sau khi đi du lịch.

Với dịch bệnh MERS - CoV thật sự rất khó tránh, vì bệnh này có thể lây mọi lúc mọi nơi, qua tuyến nước bọt. Tất cả những điều trên cho thấy, dịch bệnh MERS là rất đáng sợ.

Hết sức thận trọng

Chính vì tính chất lây lan mạnh như vậy nên chúng ta không thể nói rằng, Việt Nam an toàn trước loại dịch bệnh này. Trước diễn biến này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa tiếp tục có công văn khẩn yêu cầu ngành y tế các địa phương chuẩn bị tài liệu truyền thông cho người dân, đồng thời tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.

Đông Nam Á vừa xuất hiện ca tử vong đầu tiên do vi virus MERS gây nên. Đó là bệnh nhân người Malaysia, 54 tuổi đã tử vong sau khi đi du lịch ở Trung Đông về. Nạn nhân này nhập viện trong tình trạng sốt, ho, khó thở và mất mạng 3 ngày sau đó vì viêm phổi nghiêm trọng. Tại Philippines cũng xuất hiện trường hợp nhiễm MERS đầu tiên. Một nữ y tá bị chẩn đoán nhiễm virus sau khi chăm sóc một đồng hương qua đời tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) hồi tuần trước.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đến thời điểm này Việt Nam chưa có bệnh nhân mắc MERS. Đó là điều may mắn nhưng không thể loại trừ các nguồn lây bệnh qua những du khách quá cảnh đi qua khu vực Trung Đông rồi vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến một số lượng lớn người Việt Nam xuất khẩu lao động tại khu Trung Đông khi trở về mang theo mầm bệnh. Ông Phu khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, chủng virus này đang là mối đe dọa với tất cả mọi người. Chúng ta phải biết rằng, với chủng bệnh này thì người già và những người có bệnh mãn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn”.

Vừa qua, để ngăn chặn mầm bệnh này, sau khi đánh giá tình hình, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị kiểm tra, giám sát những người nhập cảnh vào Việt Nam tại tất cả các cửa khẩu, trong đó đặc biệt chú ý những người gần đây đi du lịch hoặc trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh. Hiện nay, tại các sân bay và cửa khẩu, máy đo thân nhiệt đã nhanh chóng được lắp đặt nhằm tăng cường giám sát du khách nhập cảnh Việt Nam, nhất là những người đến từ các quốc gia Trung Đông... Riêng với các du khách có dấu hiệu sốt, viêm hô hấp không rõ nguyên nhân sẽ được y tế sân bay lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ và tổ chức cách ly khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Một nguy cơ tiềm ẩn cần đề phòng là hiện nay, các vùng như TP Hồ Chí Minh lại đang sắp sửa bước vào mùa mưa, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao sẽ là điều kiện lý tưởng để phát sinh, lây lan các dịch bệnh do virus trên.

Để phòng tránh tối đa virus gây bệnh MERS, ông Nguyễn Trần Hiển,  Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, người dân nên rửa tay đều đặn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó cần che mũi, miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch; tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Người dân cũng nên thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa… Khi phát hiện người có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp như: Sốt trên 38oC, ho, nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi, trước đó có tiền sử đến vùng bán đảo Arập hoặc các nước láng giềng trong vòng 14 ngày cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý rằng, khi đi du lịch nước ngoài, nếu có các bệnh mạn tính (như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch) cần hết sức cẩn thận bởi những người này dễ có nguy cơ nhiễm MERS hơn người khác. Trước khi đi du lịch, người dân cũng cần tham khảo ý kiến cán bộ y tế trước khi đi du lịch hoặc hoãn ngay việc đi du lịch nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp. Tốt nhất có bố trí cán bộ y tế tham gia cùng đoàn du lịch. Bên cạnh đó, nếu thấy có các biểu hiện của viêm đường hô hấp (sốt, ho, khó thở) trong vòng 2 tuần sau khi đi du lịch về, cần phải tới ngay cơ sở y tế để khám và chẩn đoán.

HẢI HẬU