Đối thủ “đáng gờm” của Grab xuất hiện, cuộc chiến taxi công nghệ bùng nổ?
Sự xuất hiện của GO-VIET cũng sẽ khiến các ông lớn trong lĩnh vực gọi xe công nghệ phải e dè. Ảnh: Internet. |
Đối thủ mới có gì trong “cuộc chiến” giành thị phần?
Sau sự “biến mất” của Uber, thị trường thiếu đi sự cạnh tranh. Đây là thời điểm khá hấp dẫn đối với các “tay chơi” nếu muốn giành khách hàng, tài xế và chia lại thị phần trên thị trường ứng dụng gọi xe. Các ứng dụng như Mai Linh Bike, Vato... và vô số cái tên mới khác liên tục tung chiêu, quảng bá rầm rộ.
Tuy nhiên, thời gian qua chưa có đơn vị nào thực sự thành công trong việc chiếm lại khoảng thị phần Uber bỏ trống, tạo lập lại một thị trường thực sự cạnh tranh.
Cho đến thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, với sự xuất hiện của Go-Viet thì người ta lại đang nghĩ tới một viễn cảnh khác cho thị trường ứng dụng gọi xe. Go-Viet chính là bước đi đầu tiên của Go-Jek ra thị trường Đông Nam Á.
Trên website, Go-Viet giới thiệu “là đối tác chiến lược của Go-Jek, cung cấp ứng dụng đa dịch vụ với các giải pháp kết nối vận chuyển đặt xe bốn bánh và hai bánh, gọi đồ ăn, giao hàng và nhiều dịch vụ khác nhằm phục vụ các nhu cầu thường nhật của người dùng Việt”.
Trước đó, Go-Jek đã tuyên bố việc đầu tư khoảng 500 triệu USD để gia nhập 4 thị trường mới, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Tại mỗi thị trường sẽ có một nhãn hiệu phù hợp với từng nước, và Go-Jek đứng ở phía sau.
Một trong những lợi thế của Go-Viet so với các ứng dụng trong nước xuất hiện trước đó là thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh. Tại Indonesia, Go-Jek hiện dẫn đầu thị trường đi chung xe với khoảng 900.000 tài xế đối tác. Đây cũng chính là start-up tỷ USD đầu tiên của Indonesia.
Xét về cả tiềm lực tài chính và tên tuổi người chống lưng, cuộc đối đầu của Grab và Go-Jek có thể được xem là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Trong khi Grab được sự hậu thuẫn lớn từ Didi Chuxing (Trung Quốc) và Tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản) thì danh sách những nhà đầu tư vào Go-Jek xuất hiện những gã khổng lồ công nghệ như Tencent hay Google.
Và quả thực, Go-Viet xuất hiện và đưa ra chiêu khuyến mại rất sốc với “5.000 đồng cho mọi chuyến đi dưới 8km” (hiện tại chính sách này chuyển thành 8.000 đồng với mọi chuyến đi dưới 8km). Đây không phải là chính sách khuyến mại mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể làm được và nếu duy trì được trong một thời gian đủ dài thì thực sự trở thành nỗi “khiếp sợ” của các đối thủ khác, trong đó có Grab.
Không những chi khuyến mại đậm để thu hút khách hàng, Go-Viet còn có những chính sách hấp dẫn tài xế như miễn phí toàn bộ đồng phục gồm mũ bảo hiểm, áo khoác cho các tài xế mới; không thu chiết khấu trong thời hạn 6 tháng với các tài xế đăng ký ở đợt đầu tiên và hỗ trợ thêm phí cho tài xế cho mỗi chuyến...
“Với những chuyến đi mà khách chỉ trả 5.000 đồng (khi đi dưới 8km), hãng hỗ trợ cho tài xế 25.000 đồng, tức đảm bảo giá tối thiểu cho mỗi cuốc là 30.000 đồng. Mỗi ngày, chạy ít nhất 13 cuốc là anh được thưởng 220.000 đồng, chạy đủ chỉ tiêu trên thì anh có thể nghỉ sớm”, một tài xế chạy Go-Viet chia sẻ.
Giành giật thị phần – câu chuyện còn dài…
Ra quân khá hoành tráng, tuy nhiên việc có thể đứng vững trên thị trường và chiếm được thị phần cân bằng với Grab còn là một câu chuyện dài. Không thể phủ nhận việc Grab đang rất có lợi thế vì số lượng khách hàng, địa bàn hoạt động rộng lớn, đội ngũ tài xế hùng hậu, hệ thống phần mềm khá trơn tru…
Go-Viet hiện đang thử nghiệm ở 12 khu vực bao gồm quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Khẳng định sẽ sớm mở rộng ở các khu vực khác trong TP.HCM và các địa bàn khác, tuy nhiên trong thời gian này, Grab cũng đang tỏ ra "quan tâm" nhiều hơn đến việc củng cố lại vị trí của mình.
Cụ thể, ngày 8/8, Grab công bố chương trình: “Nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần” áp dụng cho các đối tác GrabBike, GrabBike Premium và GrabExpress tại TP.HCM từ ngày 6/8/2018 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Để có thể nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần, các đối tác GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress đang hoạt động tại TP.HCM chỉ cần hoàn tất tối thiểu 7 cuốc xe mỗi tuần (tính từ thứ hai đến chủ nhật). Các điều kiện đi kèm gồm có: Đảm bảo giữ tỷ lệ nhận cuốc đạt 90% trở lên với đánh giá sao từ 4.8, không từ chối hoặc huỷ cuốc xe thanh toán qua GrabPay hay cuốc xe được đặt với mã khuyến mãi.
Như vậy, những tài xế Grab đủ tiêu chuẩn trên sẽ chỉ phải trả 15% hoa hồng cho Grab sau khi nhận được 5% tiền hoàn lại. Trước khi có chương trình này, tài xế vẫn phải trả hơn 20% chiết khấu.
Bên cạnh đó, công nghệ của Go-Viet vẫn còn chưa hoàn thiện. Hiện ứng dụng mới chỉ dành cho đối tác chỉ mới có trên hệ điều hành Android (chưa có IOS), phương thức thanh toán mới chỉ bằng tiền mặt, ứng dụng báo lỗi…
Nhiều khách hàng phàn nàn cho biết dù rất muốn đi thử Go-Viet nhưng đặt xe thường xuyên trong tình trạng “không tìm được tài xế” hay phần mềm quét quá xa là tài xế phải chạy một đoạn đường dài để đến đón khách…
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng bất kỳ một hãng nào mới triển khai đều sẽ phải vấp phải không ít khó khăn. Chưa rõ chiến lược mà Go-Jek sẽ tung ra tại Việt Nam như thế nào, nhưng việc xuất hiện một đối thủ được đánh giá là “đáng gờm” với Grab đem lại nhiều kỳ vọng về một thị trường lành mạnh, cạnh tranh, có lợi cho cả khách hàng lẫn đối tác tài xế…
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11