Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đề xuất chống ngập bằng hóa chất cho TP HCM

18:46 | 18/12/2019

530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chất DRP được cho là không gây ảnh hưởng đến môi trường, khi hòa tan có thể làm tăng dòng chảy của nước lên đến 40%, giúp giảm ngập cho Sài Gòn.

Giải pháp chống ngập mới bằng công nghệ hóa học, sử dụng chất DRP (Drag Reduction Polymer), được TS Đặng Vũ Trọng (Giám đốc kỹ thuật một tập đoàn của Canada) đề xuất ứng dụng cho TP HCM, tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố tổ chức ngày 18/12.

de xuat chong ngap bang hoa chat cho tp hcm
TS Đặng Vũ Trọng nói về giải pháp dùng chất DRP để chống ngập.

Theo ông Trọng, các giải pháp mà thành phố đang làm như lắp thêm máy bơm, cải tạo, xây mới đường cống và kênh rạch... là mang tính lâu dài, kinh phí đầu tư, vận hành lớn. Trong khi đó, giải pháp chống ngập bằng hóa học có giá thành đầu tư và vận hành thấp, gọn nhẹ, lắp đặt và sử dụng nhanh. Chất DRP có giá chỉ khoảng 4 USD một kg, tùy vào lưu lượng dòng chảy bao nhiêu m3 trong một giờ, một ngày, sẽ điều chỉnh lượng DRP phù hợp.

Khi DRP hòa tan vào nước sẽ tăng công suất dòng chảy, tùy vào sự lựa chọn chất DRP và điều kiện địa hình. "Làm giảm sức cản dòng chảy của nước là tính chất đặc biệt của loại chất này. Nó có thể tăng năng suất của hệ thống bơm, cống thoát nước và được nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada ứng dụng giảm ngập hiệu quả", ông Trọng nói.

Tại Canada, DRP được ứng dụng và giảm ngập trong thời gian tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2010 tại bang British, Columbia. Kết quả thu được cho thấy công suất của hệ thống cống thải tăng từ 20% lên 30%. Tại các lỗ cống được giám sát, dòng chảy tăng lên và mực nước thấp đi so với khi không sử dụng DRP.

Thành phố Denver, bang Colorado của Mỹ cũng thử nghiệm giải pháp này vào năm 2000 cho thấy công suất của trạm bơm nâng Brantner Culch tăng 37% và thành phố này đã quyết định đưa chất DRP vào ứng dụng từ năm 2002.

de xuat chong ngap bang hoa chat cho tp hcm
Tình trạng ngập ở Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng.

Nêu quan điểm, TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM) tỏ ra e ngại, bởi dùng công nghệ hóa học để giảm ngập là một giải pháp mới, chưa từng áp dụng tại Việt Nam. Dù đã có một số nước áp dụng (như ông Trọng nói) nhưng vẫn phải xem xét điều kiện nước họ có hay không tương đồng Việt Nam.

"Đơn vị đề xuất cho biết đã thí nghiệm và cho kết quả khả quan, không gây ô nhiễm, cá vẫn sống được, nhưng đó là áp dụng với nước sạch. Còn với nước kênh rạch nhiều nơi rất ô nhiễm, giờ đổ thêm hóa chất vào thì liệu có bảo đảm không? Điều này cần phải được xem xét kỹ lưỡng", ông Cương nói.

Trong khi đó, TS Hồ Tuấn Đức (ĐH Bách khoa TP HCM) bày tỏ lo ngại cống của thành phố thường có nhiều rác, làm giảm lưu lượng thoát nước. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả chống ngập khi sử dụng chất DRP.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề nghị thành phố cần tập trung vào các giải pháp phi công trình trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Trong đó, điều cần làm ngay là xử phạt nghiêm các hành vi đổ rác xuống miệng cống, làm ngăn dòng chảy của nước cũng như việc lấn chiếm, kênh rạch, sông suối.

PGS. TS Nguyễn Văn Trình (Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo đầy đủ các đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học trình thành phố xem xét.

Nghiên cứu về giảm lực cản dòng chảy bằng chất DRP được phát hiện bởi Toms vào năm 1946. Hai năm sau, nhà khoa học này đã trình bày nghiên cứu này tại hội nghị khoa học Rheology tại Hà Lan, sau đó được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như ống dẫn dầu, vận hành giếng dầu, tưới tiêu trong thủy lợi, ứng dụng trong y sinh như dòng máu.

Chất DRP với độ kéo dài ao trong dung dịch loãng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối. Nó chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy.

DRP có thể sử dụng ở đầu nguồn ngập, đầu miệng cống. Khi nước dâng ở mức báo động thì máy bơm tự động, thả lượng DRP vào với lượng vừa đủ làm tăng công suất dòng chảy. Dòng chảy lưu lượng một m3 nước có thể sử dụng 20 gam DRP, dòng chảy 10 mét khối sử dụng một kg DRP.

Theo VnExpress